Từ cậu bé đam mê băng đĩa đến nhà sáng lập Instagram
Bố mẹ Kevin Systrom làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Niềm đam mê và ý chí khởi nghiệp của anh lớn dần qua những câu chuyện kể của cha mẹ. Thời niên thiếu, Kevin tự học lập trình vào ban đêm, tìm tòi các ứng dụng nhắn tin trêu đùa bạn bè.
Vào trung học, anh có công việc đầu tiên tại cửa hàng đĩa, sau nỗ lực gửi email xin việc liên tục. Anh có sở thích đặc biệt với DJ, tham gia các câu lạc bộ đêm tại Boston khi chưa 18 tuổi và sưu tập rất nhiều bản thu âm.
“Tại một thời điểm, tôi luôn đam mê và theo đuổi duy nhất thứ gì đó”, anh cho biết. Chính tính cách này, kết hợp cùng sở thích đặc biệt với những vật dụng hoài cổ giúp anh tạo nên một Instagram độc đáo.
Kevin nộp đơn vào Đại học Stanford, "lò" đào tạo cho Thung lũng Silicon. Ban đầu, anh chọn ngành Khoa học Máy tính, thiên hẳn về học thuật. Thiếu tính ứng dụng, anh quyết định chuyển sang lĩnh vực Khoa học Quản lý, nơi hun đúc cho Kevin kiến thức về kinh tế, tài chính.
Cha đẻ của Instagram tiêu khiển bằng cách lập trình những trang web giải trí. Anh cùng một người bạn thân đã dựng nên website nội bộ, chuyên chia sẻ ảnh gia đình. Anh bắt đầu hứng thú với thế giới hình ảnh. Trong chuyến học ngắn hạn tại Italy, một vị giáo sư cho anh xem chiếc Holga - loại máy ảnh kỹ thuật số cũ, làm bằng nhựa, phổ biến tại Trung Quốc, cho ra đời những bức ảnh lomo có tông màu cổ. Nhà lập trình viên trẻ tuổi khá ưng ý với thiết bị này.
Mùa hè cuối của đời sinh viên, anh thực tập tại Odeo, startup do Evan Williams - nhà đồng sáng tập Twitter điều hành. Phần mềm ra đời cùng lúc với Facebook, cho phép người dùng chia sẻ podcast, phổ biến nhờ tích hợp vào iPod của Apple.
Vào năm học cuối, Kevin có nhiều cơ hội làm việc cho những gã khổng lồ công nghệ. Anh từ chối Microsoft để làm tiếp thị tại Google - điểm đến mơ ước của nhiều sinh viên Stanford. Anh đảm nhận công tác marketing cho các dự án Gmail và Calendar.
Sau hai năm, anh được bổ nhiệm vào vị trí M&A của gã khổng lồ tìm kiếm. Tại đây, anh học hỏi về những thương vụ mua bán và sáp nhập của các tập đoàn công nghệ. Sau ba năm, anh rời Google để trở lại đam mê lập trình, tạo ra những thử nghiệm thú vị tại Nextstop - ứng dụng gợi ý điểm đến du lịch.
Cựu sinh viên nảy ra ý tưởng kết hợp hai sở thích nhiếp ảnh và mạng xã hội. Ứng dụng chia sẻ hình ảnh, địa điểm Burbn ra đời như một phép trộn giữa Foursquare và Flickr - hai nền tảng mạng xã hội khá thành công thời bấy giờ. Dù Burbn chưa thành hình, tháng 1/2010, Systrom đã thu về khoản đầu tư nửa triệu USD từ các ông lớn tại Thung lũng Silicon.
Tháng 3/2010, bạn học Mike Krieger gia nhập cùng Systrom. Kevin nhận ra Burbn có quá nhiều điểm tương đồng với Foursquare trong mảng tìm kiếm địa điểm. Anh chọn phát triển phần còn: chia sẻ hình ảnh. Kevin “đo ni đóng giày” ứng dụng cho máy ảnh chất lượng cao trên iPhone 4, áp thêm các bộ lọc màu lấy cảm hứng từ chiếc Holga. Cái tên Instagram là chữ viết tắt của “instant telegram”, tức điện tín tức thời.
Kevin và Mike tạo ra Instagram trong tám tuần, chủ yếu tập trung vào các bộ lọc ảnh và thao tác chia sẻ đơn giản. “Chúng tôi muốn sản phẩm đến tay người dùng sớm nhất có thể”, Kevin chia sẻ.
Đêm 6/10, anh phát hành và đăng tweet về ứng dụng của mình. Sau hai giờ, máy chủ của Instagram sập do quá tải. Bộ đôi nhà sáng lập làm việc xuyên đêm để cứu hệ thống, duy trì sự vận hành của ứng dụng.
“Hầu hết những người dùng nghĩ rằng Instagram chỉ giúp họ tô điểm cho những bức ảnh. Nhưng sau khi sử dụng, họ bắt đầu cảm nhận tính cộng đồng, trao đổi lượt thích”, Systrom giải thích.
Trong vòng chín tháng, Instagram có 7 triệu người dùng, bao gồm cả những ngôi sao như Justin Bieber, Ryan Seacrest… “Instagram” trở thành động từ của nhiều người, ý chỉ hành động chỉnh màu, chia sẻ ảnh. Tuy nhiên, ứng dụng vẫn chưa mang lại lợi nhuận vào cho Kevin và Mike.
Tháng 4/2012, chưa đầy hai năm ra mắt, Facebook chi một tỷ USD để sở hữu Instagram, trở thành một trong những thương vụ thành công nhất của Mark Zuckerberg. Kevin và Mike trở thành ngôi sao sáng tại Thung lũng Silicon.
Sau quá trình chuyến giao về “nhà mới”, đội ngũ 16 người của Instagram vẫn được giao phó nhiệm vụ vận hành ứng dụng. Kevin quyết tâm giữ nguyên những giá trị tối giản, không bành trướng về chức năng như Facebook.
Cuối năm 2017, Instagram có 800 triệu người dùng mỗi tháng, trở thành công cụ truyền thông của nhiều nhãn hàng, tập đoàn toàn cầu. Số nhân viên dưới trướng Kevin và Mike đã tăng lên 500 người.
Tuy nhiên, "con gà đẻ trứng vàng" của Kevin đối mặt với sự thay đổi của thị trường, sự ra đời của đối thủ Snapchat. Trong buổi nói chuyện vào tháng 10/2017 tại New York, Kevin cởi mở về những định hướng phát triển trong tương lai. "Tình hình làm sao tệ được khi chúng tôi không ngừng phát triển và mọi thứ trông rất ổn? Vấn đề là thị trường thay đổi nhanh hơn chúng tôi nghĩ, chúng tôi mất dần miếng bánh thị phần", cha đẻ của Instagram chia sẻ.
CEO 33 tuổi nhận ra người dùng hiện tại thích chia sẻ nội dung, nhưng không muốn chúng nằm trên "tường" của họ. Snapchat, đối thủ trực tiếp của Instagram, đã khai thác yếu tố đó đầu tiên và "ăn nên làm ra": video, hình ảnh của người dùng tự động biến mất sau 24 giờ. Kevin Systrom cho rằng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho chính mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo