‘Tứ đại doanh nhân’ tuổi Tuất nổi danh thương trường
CEO Vietjet Air bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Ngày 5/1/2018, 981 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank được niêm yết trên sàn HOSE. Đây là doanh nghiệp lớn thứ hai gắn liền với bà Nguyễn Thị Phương Thảo lên sàn sau khi Vietjet vào tháng 2/2017. Cổ phiếu HDB và VJC tăng mạnh giúp CEO Vietjet nhanh chóng lọt vào top những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Sự thành công của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đến từ quan điểm kinh doanh ‘dám nghĩ, dám làm’ của nữ doanh nhân sinh năm 1970.
Trong bài phát biểu với chủ đề “Kết nối để tăng trưởng” tại APEC CEO Summit 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: “Có người từng nói với tôi rằng: Hãy mơ những giấc mơ to lớn và hành động như thể một thiên thần. Chúng tôi đã biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực. Hàng triệu người lần đầu tiên được đi máy bay và thật hạnh phúc khi họ không chỉ là người Việt Nam mà tôi chứng kiến những hành khách là người dân của Hàn Quốc, Trung Quốc lần đầu tiên đi du lịch là trên tầu bay Vietjet”.
Câu nói của bà đã gói gọn toàn bộ những thành tựu mà bà cùng đội ngũ nhân sự của hãng hàng không Vietjet Air làm được trong vòng 5 năm qua – làm những điều không tưởng đối với một doanh nhân bình thường, chứ chưa nói đến một phụ nữ trên thương trường ngày càng nhiều sự cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bén duyên với nghề kinh doanh từ khi còn là cô sinh viên du học chuyên ngành kinh tế và tài chính tại Nga, nổi tiếng là người phụ nữ thông minh và khéo léo. Cho đến nay, ‘madam Thảo’ đã lấn sân sang hầu hết các mảng kinh doanh từ tài chính ngân hàng, bất động sản đến hàng không…
Không chỉ sở hữu phần lớn cổ phần của hãng hàng không tư nhân Vietjet, bà Thảo còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sovico, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Thành viên HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Đô, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Phú Long…
‘Vua tôm’ Minh Phú – ông Lê Văn Quang
Người sáng lập – ông chủ của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú là ông Lê Văn Quang (sinh năm 1958 – Mậu Tuất), vốn nổi tiếng là một doanh nhân quyết đoán, có tầm nhìn. Cho đến nay, sau hơn 25 năm thành lập và phát triển, Minh Phú đã trở thành thương hiệu quốc tế, lọt top 100 doanh nghiệp ngành thuỷ sản lớn nhất thế giới năm 2017 được UnderCurrentNews – trang thông tin về thuỷ sản nổi tiếng của Mỹ công bố.
Ông Lê Văn Quang nổi tiếng với câu nói “Muốn lời bao nhiêu là quyền của Minh Phú”, cho thấy sức ảnh hưởng của doanh nhân tuổi Tuất này trong làng thuỷ sản Việt Nam.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Lê Văn Quang cho biết: “Thực ra mình cũng cảm thấy bình thường, mình chỉ cố gắng hết sức, chỉ nghĩ làm sao đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu của khách hàng, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên. Triết lý của Minh Phú là coi khách hàng như tri kỷ, khách hàng tăng trưởng thì mình tăng trưởng. Vì phương châm như vậy nên đối tác đến với Minh Phú gần như không bỏ Minh Phú”.
Từ lợi thế này Minh Phú có khả năng thu mua nguyên liệu với số lượng lớn. Từ đó có thể dẫn dắt được thị trường nguyên liệu tại Việt Nam và có ảnh hưởng đến thị trường tôm trên toàn cầu. Đối với người nông dân, ông Lê Văn Quang cũng có những ‘chiêu thức’ để chiều lòng họ, khiến họ trở thành đầu mối cung cấp nguyên liệu trung thành trong hàng thập kỷ qua, đáp ứng được nhu cầu sản xuất khủng của doanh nghiệp. Với phương châm win – win (đôi bên cùng có lợi), Minh Phú đã phát triển bền vững nhiều năm qua.
“Quan điểm của tôi là làm sao áp dụng được công nghệ nuôi bền vững, người nuôi tôm ít nhất cũng đảm bảo lợi nhuận đạt 20-30%, người dân có lời thì mình mới có nguồn nguyên liệu ổn định. Đối với khách hàng, tôi xem họ như là tri kỷ, tri kỷ thì mới sẵn sàng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau. Từ văn hóa đó Minh Phú mới phát triển nhanh, phát triển nhanh nhưng bền vững”, Chủ tịch Minh Phú chia sẻ.
Năm 2017 cũng là năm ông Lê Văn Quang đưa ‘vua tôm’ Minh Phú quay lại sàn chứng khoán sau hai năm vắng bóng để tìm kiếm nhà đầu tư, tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp. Theo số liệu công bố mới nhất, Minh Phú đạt doanh thu gần 1,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 10, nâng doanh thu lũy kế 10 tháng đầu năm lên 12,6 nghìn tỷ. Lãi trước thuế theo đó tăng mạnh lên 610 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Hiện ông Lê Văn Quang sở hữu gần 16 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp, tổng tài sản gần 880 tỷ đồng.
Bà chủ TH TrueMilk Thái Hương
Một nữ doanh nhân tuổi Tuất nổi tiếng khác trên thương trường là bà Thái Hương (sinh năm 1958 – Mậu Tuất), Tổng giám đốc Bắc Á Bank và là Chủ tịch TH TrueMilk.
Bà Thái Hương và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là hai đại diện Việt Nam được Forbes bình chọn top 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2016 nhờ những đóng góp đáng kể của mình cho nền kinh tế Việt Nam.
Mới đây nhất, trong những ngày cuối cùng của năm 2017, ngân hàng gắn liền với doanh nhân Thái Hương là Bắc Á Bank(Ngân hàng TMCP Bắc Á) đã chính thức đưa 500 triệu cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán. Bà Thái Hương – Tổng Giám đốc Bắc Á Bank cho biết, bà sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH TrueMilk sau 10 năm gắn bó – động thái nhằm đáp ứng các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Bà Hương chia sẻ rằng đã hoàn thành sứ mệnh tại TH TrueMilk và đến lúc nhường lại cho lớp trẻ tiếp tục sứ mệnh mang lại một sản phẩm sạch, vì con người. Bà Hương còn cho biết sẽ tiếp tục giữ vai trò là người sáng lập, nhà tư vấn và sẽ thực hiện giám sát bước đường phát triển tiếp theo của TH TrueMilk.
Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình ông Lê Viết Hải
2017 là năm có nhiều biến cố với ông Lê Viết Hải nói riêng và Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình nói chung, khi phải đối mặt với hàng loạt tin đồn thất thiệt liên quan đến vụ bê bối Khaisilk xù nợ hồi tháng 10, sau đó là hợp đồng hợp tác với Vũ ‘nhôm’ (tức Phan Văn Anh Vũ). Cổ phiếu HBC lao dốc trong thời gian dài, ban lãnh đạo công ty, đặc biệt là ông Hải đã nhiều lần đăng đàn báo giới, viết tâm thư khẳng định “không liên quan đến Khaisilk” cũng như “hoàn toàn không có hợp đồng nào với Vũ ‘nhôm’ cả”.
Sau nhiều biến cố, cổ phiếu HBC đang dần hồi phục, những thông tin tích cực về tình hình kinh doanh của địa ốc Hoà Bình đã khiến cổ đông phần nào yên tâm hơn. Kết thúc năm 2017, doanh nghiệp do ông Hải lãnh đạo ước đạt doanh thu 16.500 tỷ đồng, tức vượt 5% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế có thể vượt 10-15% kế hoạch.
Đặt nhiều kỳ vọng vào năm Mậu Tuất 2018, Địa ốc Hòa Bình hướng đến mục tiêu doanh thu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng. Ngoài khoản doanh thu từ hoạt động thầu xây dựng, thời gian tới HBC còn kỳ vọng khoản doanh thu lớn đến từ đầu tư bất động sản. Cụ thể, công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát hoạt động trong lĩnh vực phát triển dự án nhà ở và đang triển khai 6 dự án, có thể tạo ra tổng doanh thu gần 2.600 tỷ đồng cho đến năm 2019.
Ông Hải từng kể về con đường lập nghiệp của mình bằng những hồi ức của một tuổi thơ vất vả. Nhà đông con nên ông ‘chẳng có việc gì chưa từng làm qua để phụ giúp bố mẹ’,… Sau khi tốt nghiệp đại học Kiến trúc, năm 1985, ông Lê Viết Hải được tuyển dụng vào làm việc tại công ty Quản lý nhà thuộc sở Nhà đất TP.HCM và hai năm sau rẽ sang nghiệp kinh doanh với 5 kỹ sư và 20 công nhân. Địa ốc Hoà Bình nhanh chóng nhận được nhiều dự án lớn, bắt đầu với khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Cho đến nay, biểu tượng màu xanh dương của Hoà Bình đã xuất hiện trên hầu hết các tỉnh thành, các dự án nghìn tỷ đồng từ Bắc chí Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo