Từ một người thông minh đến một ông chủ tuyệt vời: Muốn làm một lãnh đạo thực sự, bạn phải rời xa điểm thành công đầu tiên của mình
Sau một thời gian làm việc cùng những CEO trong nhiều lĩnh vực hoạt động, Marshall Goldsmith đã tổng kết ra trở ngại lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo có thể là gì. Đó không phải là thất bại mà ngược lại, chính là chiến thắng của họ. “Thách thức lớn nhất không phải là lúc nào bạn cũng đúng, lúc nào cũng phải chứng tỏ là mình thông minh”, Goldsmith nói.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế không như thế chút nào. Những người thành công có xu hướng được giáo dục bài bản và những gì họ đạt được phần lớn bằng cách chứng minh sự thông minh của mình hết lần này đến lần khác. Vấn đề là, khi bạn lên đến vị trí cao nhất, bạn phải từ bỏ việc đó đi!
Đây là một thực tế vô cùng phổ biến đối với các cấp lãnh đạo, rằng những gì đưa bạn lên không hoàn toàn giúp bạn ngồi vững ở vị trí đó. Dennis Perkins, Giám đốc điều hành của tư vấn lãnh đạo Tập đoàn Syncretics, cũng đồng ý với quan điểm của Goldsmith. Ông cho rằng, "Mọi người đều tham vọng đạt tới vị trí lãnh đạo, họ có tiềm năng, có những ‘nguyên liệu thô’ để mài giũa. Họ có thể có rất nhiều kỹ năng, những kinh nghiệm quản lý dự án hay kiến thức chuyên môn cao”. Nhưng những thứ đó không thể giúp họ ở mãi vị trí đỉnh cao đó được, đáng buồn là vậy.
Ví dụ, thông minh và tinh nhạy có thể là một yếu tố dẫn tới thành công nhưng nó chưa bao giờ là yếu tố bắt buộc. Một nghiên cứu năm 2004 được công bố trên Tạp chí Tâm lý học ứng dụng cho thấy, phần lớn các nhà lãnh đạo bước lên vị trí của họ nhờ tinh thần cầu tiến và sự tận tâm, hơn là trí thông minh siêu phàm. Nghiên cứu khác vào năm 2007 cũng công bố trên Tạp chí Tâm lý học ứng dụng khẳng định, trí thông minh có thể đưa bạn tới thành công nhưng nếu chỉ có trí óc thì bạn sẽ chỉ dừng lại ở một vị trí nhất định mà thôi, rất khó để tiến xa hơn.
Theo Perkin, các nhà lãnh đạo “cần phải có khả năng lùi bước để đại diện, để cho người khác mắc sai lầm và hướng đến tư vấn, hỗ trợ chứ không cần tự tay giải quyết vấn đề”. Bạn cần thôi làm ‘anh hùng’ mà hướng đến giúp đỡ người khác cũng trở thành ‘anh hùng’ như bạn, cần phải cho nhân viên biết nhiều hơn, làm nhiều hơn, giỏi hơn.
Cuối cùng, đừng tỏ ra bề trên hay kẻ cả với nhân viên. Hãy hỏi han, lắng nghe, học hỏi từ họ. Đó là thách thức lớn nhất mà rất nhiều nhà lãnh đạo vẫn chưa nhận ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo