Doanh nghiệp - Doanh nhân

Từ thương hiệu bên bờ vực phá sản đến lợi nhuận nghìn tỷ

Một nhà máy 15 năm trước đứng bên bờ vực phá sản hiện có sản phẩm tại 40 quốc gia, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ.

"Chỉ sau một năm khánh thành, tài sản xuống cấp do không được bảo dưỡng, vận hành đúng cách dẫn tới nguy cơ không bảo toàn được vốn. Với tổng số vốn đầu tư dự án khi quyết toán năm 2004 là gần 300 tỷ đồng, những người đứng đầu nhà máy đứng trước áp lực lớn về bảo toàn vốn, trả lãi vay và khấu hao thiết bị với giá trị trên 75 tỷ đồng mỗi năm", một cựu lãnh đạo thuộc Tổng công ty Vinaconex kể lại giai đoạn khó khăn nhất của Công ty cổ phần Vicostone (VCS) khi đơn vị này còn là một dự án thuộc tổng công ty.  

Tiền thân của Công ty cổ phần Vicostone - đơn vị sản xuất đá thạch anh cao cấp (nay thuộc Tập đoàn Phenikaa) là thương hiệu đá ốp lát cao cấp Vinaconex, được Tổng công ty này gây dựng vào năm 2001. Hai năm sau, nhà máy cùng tên được khánh thành và đi vào hoạt động với dây chuyền thiết bị hiện đại đồng bộ nhập từ Italy, một lãnh đạo thuộc Vinaconex kể lại. Tuy nhiên, theo ông, khi đó do không làm chủ được công nghệ, cũng như không kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, nên sản phẩm làm ra chất lượng kém, tỷ lệ phế phẩm cao. Ba lần thay giám đốc sau đó, song các vấn đề nêu trên của nhà máy vẫn không được khắc phục, nguy cơ phá sản cận kề. 

Vicostone từng có giai đoạn đứng bên bờ vực phá sản trước khi được vực dậy và trở thành một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và thị giá cổ phiếu thuộc nhóm cao nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Hồ Xuân Năng – khi đó nguyên là Giám đốc nhà máy Ford Việt Nam được Vinaconex điều về làm Giám đốc Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex trong bối cảnh hầu như toàn bộ thị trường nội địa không có nhúc nhích, sản phẩm bán không ai mua bởi giá cao so với mặt bằng thị trường trong nước. Ngay cả việc bán sản phẩm cho Vinaconex để làm vật liệu cho các dự án bất động sản do đơn vị này triển khai cũng không tiêu thụ nổi vì giá thành sản phẩm quá cao.

Khi tiếp nhận, ông Năng nhận thấy “gót Asin” về mặt chiến lược của nhà máy là không làm chủ được công nghệ, đồng thời xác định sai phân khúc thị trường. Người đứng đầu nhà máy xác định nếu sản phẩm không tiêu thụ nổi trong nước, thì chỉ còn con đường duy nhất là xuất khẩu.

"Đi mà vướng tường thì phải tìm hướng khác thôi. Có người hỏi tôi liệu có xuất khẩu được hay không? Câu trả lời của tôi là... không có câu trả lời có hay không, chỉ có một câu trả lời duy nhất là cố gắng hết mình”, ông nói. 

Nhưng con đường mới này lại đặt ra cho nhà máy một bài toán mới, đó là chất lượng sản phẩm - điều mà các khách hàng nước ngoài còn chưa tin vào doanh nghiệp Việt. Nhà điều hành có bằng tiến sỹ kỹ thuật và thạc sĩ quản trị kinh doanh khi đó vừa làm thầy, vừa làm thợ và kiêm luôn cả người bán hàng. Để vực dậy nhà máy và thương hiệu, ông Năng tự mình nghiên cứu để hiểu vật liệu, công nghệ sản xuất; sau đó mặc quần áo công nhân, trực tiếp xuống nhà máy để đào tạo các nhân viên. Khi có sản phẩm, ông lại vào vai nhân viên tiếp thị, bán hàng; rồi trực tiếp hướng dẫn nhân viên ở các phòng ban này cách khuếch trương thương hiệu, sản phẩm...

Một số đối tác cũ tìm đến khi nghe tin nhà máy cải tổ hoạt động. Khi đó ông Năng đặt mục tiêu, chỉ cần đàm phán để có đơn hàng và làm sao để bán được nhiều nhất, phát huy tối đa công suất nhà máy đủ để bù khấu hao tài sản và trả lãi ngân hàng. “Lợi nhuận là điều mà công ty không dám tính đến ở thời điểm đó”, ông chia sẻ. 

 

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Vicostone là người đã vực dậy nhà máy bên bờ vực phá sản và đưa thương hiệu tới hơn 40 quốc gia, trong đó có thị trường Mỹ.

Vậy mà sau đó ông Năng còn đưa ra một đề xuất còn khó khăn hơn là cổ phần hóa doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp lúc đó là một khái niệm rất mới, ít người quan tâm, nhất là với một nhà máy đang bên bờ vực phá sản. Vì thế, việc bán 40% cổ phần diễn ra rất khó khăn, nhưng cuối cùng cũng hoàn tất. Với mô hình mới, ban lãnh đạo công ty xác định, thị trường ngoại sẽ là mục tiêu nhắm đến. 

Vào lúc đó, khách hàng nước ngoài ở những thị trường khó tính vẫn không tin là doanh nghiệp Việt có thể làm được sản phẩm có chất lượng tốt. Thế nhưng, Vicostone sau đó lại giành được đơn hàng của WK Marble & Granite – một nhà cung cấp đá ốp lát lớn tại Australia.  

Ông Năng chia sẻ, ban lãnh đạo nhà máy khi đó đều nhận thức được đơn hàng từ WK vừa là thời cơ để bước ra thị trường thế giới, vừa là cơ hội tốt gieo niềm tin cho đối tác. Sau 27 ngày đêm nỗ lực, nhà máy đã sản xuất thành công 27.000 m2 đá và xuất khẩu chuyến “mở hàng” vào tháng 9/2004. Chuyến hàng năm 2004 đã chở theo niềm tin, hy vọng của hàng trăm con người. Đến nay, đây vẫn là đối tác lớn của Vicostone và "khó tính" đến mức cử nhân sự thường trực tại nhà máy để chọn từng tấm đá trước khi chuyển hàng về nước. Tiếp nối thành công của những chuyến hàng đầu tiên với WK, Vicostone đã bắt tay thêm được đối tác từ châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc chơi lớn hơn mà ông Năng đặt ra là thị trường Mỹ. Trên chặng đường này, không ít lần ông nhận được những lời can ngăn, nhưng với suy nghĩ “nếu không làm sẽ không lớn được”, vị thuyền trưởng của Vicostone khi đó vẫn quyết dồn hết sức lực để chinh phục thị trường hàng đầu thế giới. Hai năm sau, vào năm 2009, thương hiệu đá thạch anh cao cấp Vicostone, được chọn là sản phẩm được dùng cho một khu giải trí cao cấp tại Las Vegas - Mỹ, đánh dấu sự thâm nhập của thương hiệu vào một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Hiện nay, thị trường này mang về 64,5% doanh thu xuất khẩu cho Vicostone. Tiếp đến là những công trình khách sạn, tòa nhà cao cấp tại những thị trường khác như tại Vancouver (Canada), Mexico City (Mexico)… 

Sản phẩm đá thạch anh của Vicostone hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu sau 15 năm tăng từ 1,75 triệu USD đến gần 140 triệu USD trong năm 2017. Từ con số lợi nhuận âm 12,5 tỷ đồng vào năm 2004 đến 2017 đã cán mốc 1.125 tỷ trên tổng doanh thu 4.408 tỷ đồng.

 

Cổ phiếu VSC nhiều năm đứng trong nhóm có thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất thị trường, mức trả cổ tức luôn trong khoảng 40-50%. Năm 2017, VSC nằm trong top 3 cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán, có thời điểm đạt mức 250.000 đồng.

Theo thống kê trên website của Breton S.p.a - đơn vị cung cấp công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh lớn của Italy, Vicostone hiện có số lượng dây chuyền Breton lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau một doanh nghiệp Tây Ban Nha, và ngang hàng với 2 các công ty lớn khác tại Mỹ, Israel. 

Năm 2018, Vicostone đặt mục tiêu doanh thu 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.355 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20% so với 2017. 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo