Văn hóa

Tục dán giấy đỏ đón Tết của người Cao Lan

Buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, khắp mọi nơi trong nhà đều được “niêm phong” giấy đỏ, từ cối xay, cối giã gạo, cái cày, bừa cho đến bàn thờ tổ tiên.

Dân tộc Cao Lan, có tên gọi khác là Sán Chay, Sán Chỉ, Mán Cao Lan, Hờn Bận… sinh sống nhiều nhất tại Thái Nguyên với số dân hơn 60.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Tết Nguyên đán của người Cao Lan, Thái Nguyên thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, gia chủ đều thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.

Ngày 30 Tết là ngày mang ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong tín ngưỡng của người Cao Lan. Vào ngày này, người Cao Lan dậy vào lúc sáng sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành “Chí dịt”, tục dán giấy đỏ trong nhà.

Từ nhà ra đến chuồng gà ngày 30 Tết đều được khoác áo đỏ đón giao thừa. Ảnh: Dulichbonphuong.

Buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, khắp mọi nơi trong nhà đều được “niêm phong” giấy đỏ. Từ cối xay, cối giã gạo, cuốc, xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại cho đến bàn thờ tổ tiên, tường, cổng nhà, các cửa ra vào… đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết". Toàn bộ ngôi nhà bỗng trở nên rực rỡ, tràn đầy sinh khí đón năm mới.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ là một vật thể hiện điềm may mắn, tượng trưng cho một năm mới tốt lành, nhiều tài lộc sức khỏe, niềm vui trong cuộc sống, mùa màng bội thu, giúp gia chủ xua đuổi tà ma, cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hoại.

Chiều 30 Tết, các thành viên trong gia đình tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm đoàn tụ ngày tất niên. Tuỳ theo từng dòng họ mà mâm cơm dâng lên tổ tiên ngày 30 Tết cũng có những khác biệt lớn. Những con vật linh, được xem là thuỷ tổ của dòng họ nào thì dòng họ ấy không ăn thịt mà chỉ thờ cúng. Ví dụ họ La kiêng cá quả, họ Lục, họ Lý, họ Trần kiêng thịt chó, họ Dương kiêng gà…

Tập múa điệu chim gâu đón Tết. Ảnh: Tuyenquang.gov.

Người Cao Lan thường tự làm các loại bánh để ăn tết như bánh vắt vai, bánh chưng, bánh chim gâu, bánh mật, bánh gai, bánh rán, chè lam... Bánh chưng của người Cao Lan có hai loại là bánh chưng bố tròn to và bánh trưng mẹ tròn dài. Ngoài ra, người Cao Lan còn tự làm bún ăn tết. Do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan rất thơm ngon, mềm và dai.

Trong lễ hội đầu năm mới của người Cao Lan, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, trồng cây chuối, vặt rau cải, múa điệu chim gâu, xúc tép, khai xuân, biểu diễn trống sành... thì không thể thiếu làn điệu Sình ca, lối hát đối đáp giữa thanh niên nam nữ, được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán.

 

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày Tết của người Cao Lan. Ảnh: Lê Quang Hòa.

Theo truyền thuyết của người Cao Lan, tác giả của bài Sình ca là nàng Lưu Ba, cô gái đẹp đã đặt lời cho các điệu hát và nàng đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Tiếng hát ấy chứng tỏ sức sống tiềm tàng và tình yêu trong sáng, bình dị của người Cao Lan. Ngày xuân, nam thanh nữ tú hát Sình giao duyên với nhau để tìm bạn đời, các cụ ông cụ bà say sưa hát những điệu Sình cổ để thể hiện niềm vui sống.

Những nghi lễ dân gian đặc sắc của người Cao Lan với nhiều nét đẹp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và những giá trị tinh thần to lớn đã góp thêm những bông hoa đẹp vào rừng hoa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S.

Nên đọc
Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo