Tục đón Tết của đồng bào Dao Thanh Phán
Người Dao thường ăn Tết nhà lớn vào dịp cuối năm, để cúng tổ tiên và trả lễ đầu năm, đây là cũng là dịp để con cháu trong gia đình, dòng họ xóa bỏ hết những mâu thuẫn trong năm cũ, đón chào một năm mới vui vẻ hơn, đoàn kết hơn để cùng nhau phát triển kinh tế.
Tết của đồng bào Dao Thanh Phán bắt đầu từ 20 tháng Chạp. Ngay từ đầu tháng, từ người già đến trẻ nhỏ đã rạo rực, tất bật, chuẩn bị chu đáo để chào đón năm mới sau một năm miệt mài lao động.
Với đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, cái Tết bắt đầu từ Nhà lớn của đại gia đình dòng họ. Tết Nhà lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Dao Thanh Phán, đây không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động vất vả, mà còn là dịp để người cao tuổi và con cháu cùng nhau ôn lại truyền thống bản sắc văn hoá của dân tộc mình, cùng hát những làn điệu của dân tộc đã có từ lâu đời, mang đậm chất trữ tình đằm thắm, trong sáng và giản dị của tâm hồn người Dao.
Tùy vào điều kiện công việc mà mỗi họ thống nhất tổ chức đón Tết vào các ngày khác nhau nhưng chủ yếu bắt đầu từ ngày 20 đến 22 tháng Chạp, muộn nhất là ngày 25. Theo phong tục người Dao, lễ cúng Nhà lớn phải có đủ 3 mâm cỗ cúng: Mâm cúng tổ tiên, mâm cúng những người đàn ông đã khuất và mâm trả lễ đầu năm. Lễ vật rất đơn giản gồm: Gà luộc và bánh chưng, nếu không có bánh chưng có thể thay bằng cơm trắng. Đặc biệt, trong lễ cúng, người Dao dùng tiền vàng làm bằng giấy dó, được in theo con dấu riêng của dòng họ; hương để đốt trên bàn thờ là thân cây hương phơi khô được lấy trên rừng vào ngày mùng 7 tháng 7 Âm lịch hàng năm. Nếu như việc chuẩn bị mâm cỗ Tết có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ thì việc chuẩn bị cúng lễ chỉ do những người đàn ông trong dòng họ thực hiện. Ngày này, tất cả mọi sẽ cùng nhau vào bếp chuẩn bị những món ăn, không phân biệt già trẻ, gái trai, ai cũng vui vẻ làm việc cùng nhau. Nghi lễ cúng được các thầy cúng có chức sắc trong làng đảm nhiệm, đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động và xin gia tiên phù hộ cho một năm mới đạt được nhiều thành tựu hơn.
Sau Tết ở Nhà lớn, các gia đình chọn một ngày đón Tết riêng dành cho gia đình mình. Sau khi tất cả những lễ vật được bày trước bàn thờ gia tiên, thầy cúng được gia đình mời về, đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động; Mời tổ tiên và những người thân đã khuất về ăn Tết với gia đình, cầu xin tổ tiên phù hộ cho mọi người được khoẻ mạnh không ốm đau, bệnh tật, cầu cho mọi sự may mắn và sự bình an đến với mọi người, cầu cho mưa thuận, gió hoà mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu bò, lợn gà phát triển. Sau khi cúng xong, lễ vật được mang xuống dọn ra mâm cho con cháu cùng ăn.
Tết đến, xuân về cũng là dịp để chị em phụ nữ Dao được khoe những bộ quần áo mới do chính mình thêu thùa. Ngay từ nhỏ những em gái đã được mẹ dạy cho cách mua len, chọn vải, dạy cho đường tà nếp chỉ để thêu thùa, may vá để gìn giữ trang phục truyền thống và cũng để các em thêm hiểu, thêm yêu và thêm tự hào với bản sắc của dân tộc mình.
Đồ cúng trong mấy ngày Tết của gia đình khá đơn giản: Chuối, hoa quả, bánh chưng, gà, thịt lợn, cành hoa…Đặc biệt, lễ đón Giao thừa được chuẩn bị rất chu đáo. Xúng xính trong những chiếc áo thêu, quần màu chàm mới vừa được may xong từ mấy hôm trước để diện Tết, mọi người trong gia đình kính cẩn đứng trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà (nam giới - người đã được cấp sắc) thay mặt gia đình thắp 3 nén nhang trên bàn thờ tổ tiên rồi xin phép hạ bát nước xuống đưa cho mỗi người uống một ngụm để có thêm sức khoẻ.
Đặc biệt, ngay trong đêm Giao thừa linh thiêng ấy, bà con vẫn giữ tục gõ trống, gõ mõ. Âm thanh vang vọng đất trời ấy như gửi gắm lời cầu may, cầu lộc của bà con cho một năm mới với nhiều niềm vui mới.
Người Dao Thanh Phán không kiêng kỵ xem tuổi để xông nhà như phong tục thường thấy của dân tộc Kinh. Tết đến, mọi người rủ nhau đi thăm Tết các gia đình họ hàng, bạn bè. Họ gặp nhau và hát tặng nhau nghe những bài hát cầu mong cuộc sống tốt đẹp, mùa màng tốt tươi và nhất là khuyên dạy con cháu những truyền thống đạo lý.
Đến mùng 1, mùng 2, đồng bào Dao Thanh Phán đã tập trung chơi các trò chơi dân gian: Kéo co, đẩy gậy, ném còn. Bà con đồng bào quan niệm chơi càng nhiều càng vui, càng may cả năm. Với các trò chơi dân gian khá đơn giản, truyền thống nhưng luôn thu hút được sự quan tâm, vào cuộc nhiệt tình của đồng bào như khởi đầu, chào đón một năm bội thu.
Mùa xuân về, khép lại những lo toan bộn bề của cuộc sống, tạm gác lại những tháng ngày cần mẫn, cặm cụi với nương rẫy, người Dao Thanh Phán lại tổ chức đón Tết theo cách riêng của mình, bên cạnh những phong tục tập quán đã được lưu giữ bao đời nay, bà con dân tộc Dao càng tự hào khi những bản sắc văn hoá của dân tộc mình không bị mai một mà được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thân thế khủng của cô gái Việt Nam trong bức ảnh hiếm chụp cùng Tổng thống Donald Trump
Người đàn ông đẹp trai nhất thế giới 2024 là ai?
Nam diễn viên bị kết tội mua dâm vẫn ngang nhiên làm 1 việc này khiến khán giả không khỏi phẫn nộ
Trương Bá Chi luôn muốn xóa đi 2 bức ảnh này và không muốn để Tạ Đình Phong nhìn thấy, chúng là minh chứng của cuộc sống sau khi ly hôn
MC Mai Ngọc như thế nào sau nửa năm ly hôn chồng doanh nhân?
Hoa hậu Việt có gia thế khủng nhưng không theo showbiz và lấy chồng bình dân