Tung tung da dá: “Vũ điệu dâng trời” của người Cơ Tu
Vũ điệu Tung tung da dá gắn bó với cộng đồng, xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... Không một người Cơ Tu nào ở Quảng Nam, Đà Nẵng hay Thừa Thiên Huế xa lạ với điệu múa này. Họ trân trọng và ý thức việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Mỗi ngày sau khi đi làm nương về, chị Blinh Thị Xiếc ở huyện Đông Giang, dành thời gian dạy bọn trẻ trong làng tập múa điệu Tung tung da dá.
Chị Xiếc cho biết: "Cả làng này ai cũng biết múa. Múa rất khó vì mình phải tập. Từ người già và trẻ con đều biết vì người già biết lại dạy lại cho lũ trẻ. Như tôi là được người già dạy rồi tôi lại truyền cho mấy đứa nhỏ. Vì tôi muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống để sau này không mai một thất lạc đi. Nếu sau này thế hệ lớn của mình không còn ai nữa thì ít ra vẫn còn cha truyền con nối. Cứ tiếp tục như vậy thì mới xây dựng được nét văn hóa riêng, đặc trưng của người Cơ Tu và in sâu vào trong tâm trí của người ta"
Dù không có âm thanh rộn ràng như ngày hội nhưng bọn trẻ từ chập chững biết đi cho đến tuổi trăng tròn đang say sưa bước đi theo hướng dẫn của chị Xiếc. Đã múa thành thục nhưng các em vẫn muốn mình phải múa đẹp hơn để có dịp biểu diễn trước dân làng. Briu Lii, năm nay 14 tuổi, cho biết: "Em rất thích học múa. Em tập khoảng 1 tháng rồi. Múa rất khó, khó nhất là chỗ nhún chân. Em tự xin học. Em vừa đi học vừa tập múa. Em thích tập múa vì đây là múa truyền thống của người Cơ Tu. Em cũng thấy mấy anh chị cô bác múa nên em cũng thích múa. Em muốn múa giỏi như mấy cô bác".
Tung tung theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa… Đây cũng chính là khát vọng chinh phục vũ trụ muốn con người có cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nên điệu Tung tung dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện điệu múa nhộn nhịp, mạnh mẽ và hùng dũng. Còn Da dá có nghĩa là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất. Anh Tinh Pai, ở huyện Đông Giang, cho biết chính vì ý nghĩa như thế mà khi múa người con gái giơ đôi tay đưa hứng ra hai bên vuông góc và song song với cổ để thể hiện sự đứng đắn, chung thủy.
Theo anh Tinh Pai: "Nam múa thể hiện sức mạnh của mình còn nữ múa thể hiện sự dịu dàng và đầu hàng. Họ giơ tay lên cao là để đầu hàng với trời với đất và tạ ơn trời đất. Vừa kết hợp với bàn chân của mình. Người nào không quen thì không nhảy được điệu múa Tung tung dá dá để thể hiện hết được sự dịu dàng thiết tha của người con gái trong điệu múa. Bàn chân rất là nhịp nhàng. Cái quan trọng là ở chỗ mình di chuyển. Bàn chân di chuyển đẹp thì sẽ đưa thân và tay di chuyển, múa đẹp hơn".
Để thể hiện điệu múa Tung tung một cách sinh động giữa bao la của đại ngàn, đàn ông Cơ Tu mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân đi trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo hoặc nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng. Còn nữ giới khi múa thì mặc váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm. Khi múa đôi mắt của người phụ nữ nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, chân đi đất nhón gót xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ.
Chị Xiêng cho biết: "Cả nam giới và phụ nữ khi múa di chuyển theo vòng tròn, chậm và ngược kim đồng hồ, theo nhịp điệu cồng chiêng và tiếng trống thập thình, nhịp nhàng trên đôi chân và nhẹ nhàng quay thân mình theo chiều thuận kim đồng hồ. Khi trống chiêng bắt đầu nổi lên, con gái bước ra múa trước, sau đó con trai mới bước ra và nối tiếp vào. Nếu đã xếp đủ một vòng tròn mà vẫn còn dư người múa thì họ lại tạo thêm một vòng tròn khác, nhưng bao giờ cũng theo nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam".
Trong rất nhiều điệu múa, người Cơ Tu thích nhất là điệu múa Tung tung da dá.Tung tung da dá là điệu dân vũ hòa trộn cho thấy sự hiệp lực của đàn ông, thanh niên với đàn bà và thiếu nữ Cơ Tu. Trong không gian bao la của núi rừng, vòng tròn nam nữ thanh niên di chuyển nhịp nhàng sinh động cùng với âm thanh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài tan vào vũ trụ như một lời cầu nguyện người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh và tổ tiên. Họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và Giàng nghĩa là trời cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phản ứng của Hồ Ngọc Hà sau khi Minh Hằng lên tiếng về ồn ào 'chèn ép' năm trước
Triệu Lộ Tư tiết lộ phải dùng đến một loại thuốc để giữ tính mạng, tình trạng hiện tại ra sao?
Top 10 nam thần nổi tiếng hàng đầu năm 2024 do người đồng tính nam bình chọn
Hari Won từng muốn huỷ hôn Trấn Thành vì người này