Tuyên Quang: phiên chợ Thụt - nét đẹp văn hóa vùng cao
Chợ Thụt truyền thống mỗi năm chỉ họp một phiên vào ngày 2-2 âm lịch. Chợ nằm gần bến đò Họng Thụt của sông Lô, mang nét đặc trưng giống như chợ tình Khâu Vai của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và chợ Viềng, Nam Định (mua may, bán rủi)... Hội chợ những năm gần đây không chỉ là cơ hội cho các uyên ương nhau gặp gỡ, trao duyên mà còn là nơi trao đổi hàng hóa, quảng bá sản phẩm của các dân tộc nơi đây, đồng thời diễn các lễ hội độc đáo như đua ngựa, chọi trâu...
Với nhiều mặt hàng nông sản phong phú, cùng nét độc đáo riêng có của phiên chợ vùng cao, chợ Thụt đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm, qua đây, góp phần quảng bá các sản phẩm hàng hóa và tiềm năng du lịch của địa phương.
Bà Trần Hồng Hạnh, du khách thành phố Tuyên Quang nhận xét, bà đi rất nhiều chợ quê nhưng chợ Thụt có một nét rất riêng, vừa độc đáo lại vừa truyền thống. Đến chợ vẫn thấy người dân mặc các trang phục của dân tộc mình như Dao, Tày, Mông, Nùng, Pà Thẻn… Các sản vật thì đa dạng, mang nhiều yếu tố bản địa. Chợ Thụt theo bà thật sự là nơi lưu giữ hồn quê và bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của địa phương, mạch nguồn của những cảm xúc.
Đến chợ Thụt, “người mua không mặc cả, người bán không nói thách”, “bán điều rủi, mua điều may” nên bất kể ai đến chợ đều mua ít nhất một sản phẩm hàng hóa mang về để làm quà hoặc kỷ niệm. Từ các hàng nông sản đặc trưng như cam sành, măng, nấm, các loại nông cụ đến các thứ bánh quê như bánh nẳng, bánh gai, bánh giầy, bánh hình thù các con vật… nhiều nhất vẫn là quần áo, thổ cẩm, trang phục dân tộc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo