Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tỷ phú Nga được ví như Mark Zuckerberg

Pavel Durov sáng lập mạng xã hội và ứng dụng với hàng triệu người sử dụng, sở hữu khối tài sản ước tính 1,7 tỷ USD, theo Forbes.

Tỷ phú người Nga lần đầu vào danh sách của Forbes vào tháng 4/2016 với tài sản thời gian đó ước tính vào khoảng 600 triệu USD và mới đây gia nhập hội tỷ phú thế giới. Tất cả số tiền Pavel Durov sở hữu hiện nay đến từ thành công của ứng dụng nhắn tin Telegram, nơi anh là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành.

Vào 2014, Durov nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo dưới 30 tuổi triển vọng của Bắc Âu. Năm ngoái, anh được chọn tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới dành cho những lãnh đạo trẻ tổ chức ở Phần Lan. Anh được ví là “Mark Zuckerberg” của nước Nga khi xây dựng thành công đế chế mạng xã hội tương tự Facebook.

Pavel Durov - nhà sáng lập và CEO ứng dụng nhắn tin Telegram. Ảnh: Bloomberg.

Durov sinh ngày 10/10/1984 tại Nga, nhưng trải qua hầu hết thời tuổi thơ ở nơi bố làm việc là Turin, Italy. Anh học tập ở quốc gia này và trở về Nga năm 2001.

Khi còn đi học, doanh nhân người Nga từng tấn công mạng máy tính của trường. Anh đổi màn hình của hệ thống và bị trường cắt quyền truy cập. Tuy nhiên, việc này không làm khó Durov, anh nhanh chóng phá vỡ mật khẩu mỗi lần được thiết lập lại. Chàng trai từng tuyên bố với bạn học là anh muốn trở thành “biểu tượng Internet”.

Anh trai Nikoli của Pavel Durov là một thiên tài từ nhỏ, lúc lên ba đã có thể đọc sách và sau đó trở thành người hai lần chiến thắng cuộc thi lập trình quốc tế. “Cậu bé là một thần đồng máy tính”, Anton Nossik, một doanh nhân trong lĩnh vực Internet quen biết anh em nhà Durov nhiều năm nhận xét. Trong các cuộc phỏng vấn, Pavel luôn nhắc đến anh trai như một hình mẫu và cố vấn về mặt viết mã máy tính.

Sau khi có tấm bằng triết học tại Đại học Saint Peterburg (Nga) vào năm 2006, anh em nhà Dorov sáng lập VKontakte, một mạng xã hội tiếng Nga có cách hoạt động tương tự Facebook. Sản phẩm nhanh chóng trở nên phổ biến và tăng trưởng lên 350 triệu người dùng, với giá trị công ty ước tính 3 triệu USD. Nhờ đó, Durov kiếm được rất nhiều tiền từ website này và trở thành triệu phú.

Văn phòng VKontakte nằm ở tầng năm và sáu của Singer House - tòa nhà nằm ở trung tâm thành phố Saint Petersburg, Nga. Năm 2012, tỷ phú và một số nhân viên gây chú ý khi ném những chiếc máy bay bằng tiền giấy có tổng trị giá 1.000 bảng Anh từ cửa sổ văn phòng của mình. Mỗi chiếc máy bay được làm từ giấy tiền mệnh giá 5.000 Ruble (tương đương 50 bảng Anh).

 

Năm 2011, Durov đáp trả lại những yêu cầu của Chính phủ trong việc kiểm soát nhiều hơn website của anh bằng cách đăng tải tấm ảnh một chú chó mặc áo hoodie và thè lưỡi. Thông điệp của anh đến điện Kremlin rất rõ ràng: Tôi sẽ không làm theo những gì mà các vị muốn.

Tuy nhiên, sau đó anh mất dần kiểm soát VKontakte từ các nhà đầu tư có liên quan đến Chính phủ. Doanh nhân trẻ tuổi liên tục chống đối và dần không còn giữ được sản phẩm của mình.

Anh em nhà Dorov có kế hoạch dự phòng. Trước đó, họ đã bí mật thành lập một công ty có tên Digital Fortress tại Buffalo, New York, Mỹ và đưa một số nhân viên thân cận, trung thành tại VKontakte cùng sang làm việc cho công ty mới.

Dự án bí mật ở New York chính là Telegram, một ứng dụng nhắn tin được mã hóa mà khó có tổ chức nào có thể theo dõi hoạt động của người dùng. Dịch vụ nhắn tin cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường như WhatsApp khi hứa hẹn bảo vệ người dùng khỏi sự can thiệp của bên thứ ba.

Tháng 8/2013, Durov chính thức ra mắt Telegram. Anh dành khoảng 1 triệu USD tiền cá nhân mỗi tháng để duy trì hoạt động của công ty, trong thời gian ứng dụng chưa tạo ra bất cứ khoản doanh thu nào.

 

Năm 2016, doanh nhân từng tổ chức một bữa tiệc lớn tại Barcelona để ăn mừng cột mốc 100.000 người dùng hàng tháng của ứng dụng. Đến cuối năm 2017, lượng người dùng của Telegram là 180 triệu, vào nhóm những ứng dụng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Dù có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý muốn mua cổ phần, anh em nhà Durov vẫn liên tục từ chối. Anh không tiết lộ tên các công ty này nhưng cho biết họ định giá Telegram ở mức 3-5 tỷ USD.

“Dù có là 20 tỷ thì vẫn như vậy. Chúng tôi không phải thứ để bán”, anh khẳng định.

Khi Facebook mua WhatsApp năm 2014, họ trả 40 USD tương ứng với một người dùng. Với số lượng người dùng hiện tại, có thể dựa vào đó mà định giá Telegram. Mặc dù vậy, tỷ phú cho rằng so sánh này chưa hoàn hảo bởi thị trường về ứng dụng tin nhắn đang bão hòa.

Durov cho biết đã trả 750 USD cho bitcoin trong 4 năm, có thể mang đến giá trị 1,5-35 triệu USD với biến động của thị trường này. Anh nói rất lạc quan với tiền ảo vì đây là “vàng số”. Điều hành một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất thế giới, anh nói đặc biệt bị kích thích khi có thứ gì đó không đoán trước xảy ra.

Doanh nhân gốc Nga tự mô tả bản thân là một người theo chủ nghĩa tự do và ăn chay. Anh còn được biết đến với phong cách thời trang đặc biệt, khi lúc nào cũng diện trang phục màu đen, giống như nhân vật Neo trong bộ phim “The Matrix”.

 

Durov từng du lịch vòng quanh thế giới cùng bốn nhân viên và dùng Airbnb để thuê phòng ở các thành phố anh đi qua. Các nguồn tin từ truyền thông Nga cho biết nhà sáng lập Telegram có mối quan hệ tình cảm với người mẫu Alena Shiskova và cũng có mặt trong buổi tiệc sinh nhật mới đây của người đẹp.

Tuy nhiên, hồi tháng 12 năm ngoái, một số nguồn tin phát hiện Durov có sử dụng ứng dụng hẹn hò nổi tiếng Tinder. Dù vậy, ở mục giới thiệu cá nhân, anh mô tả là “không tìm kiếm bất cứ thứ gì nghiêm túc và không nghiêm túc tại đây, chỉ đơn giản muốn thử ứng dụng”.

Trong những năm qua, tỷ phú rất thường chuyển chỗ khắp nơi trên thế giới, cứ cách vài tháng lại thay đổi một địa điểm. Trở về Nga là một việc nhạy cảm với Durov nhưng ở quê hương, anh đã trở thành một người hùng cho các hoạt động vì quyền riêng tư.

Hiện Durov và các thành viên của Telegram sống và làm việc tại Dubai. Quyết định này được anh lý giải vì đây là quốc gia không đóng thuế, phù hợp với triết lý kinh doanh tự do mà doanh nhân theo đuổi.

“Đó là vấn đề về nguyên tắc. Nhiều người phương Tây không nhận ra rằng thuế giới hạn rất nhiều các lựa chọn của họ. Bạn có thể phải đóng thuế đến một nửa thu nhập, có nghĩa làm việc cho Chính phủ 180 ngày trong năm. Tôi nghĩ mình có thể tìm ra những cách tốt hơn để dùng số tiền kiếm được giúp ích cho cộng đồng”, anh nói.

 

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo