Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không quan tâm việc giàu hơn Tổng thống Donald Trump
Câu chuyện từ mì gói đến người giàu thứ 490 thế giới của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng được nhiều người gọi là “huyền thoại khởi nghiệp”. Tuy nhiên, khi nói đến nhu cầu, ông cho rằng mình đã đủ rồi “Cơm ăn áo mặc, nhà cửa, xe cộ... có rồi”. Thứ có vẻ như ông quan tâm nhất, đó là mong muốn làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình.
Và có vẻ như, dù đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 4,3 tỉ USD, đứng thứ 490 người giàu nhất thế giới, ông Phạm Nhật Vượng vẫn thích đá bóng, giải trí bằng xem phim, làm việc như điên để thực hiện khát vọng, đưa thương hiệu Việt ra thế giới nên ông đã giàu hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Vượt” Tổng thống Trump nhờ cổ phiếu Vincom Retail (VRE)
Ngày 6/11/2017, cổ phiếu VRE của Vincom Retail đã chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa lên tới hơn 64.256 tỷ đồng, tương đương 2,87 tỷ USD. hông tính đến các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngân hàng, mức vốn hóa này của Vincom Retail sẽ đứng thứ 5 trên sàn chứng khoán hiện nay, xếp sau các "ông lớn" Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB), Vingroup (VIC) và Petrolimex (PLX).
Ngay sau khi lên sàn, giá cổ phiếu VRE đã ngay lập tức tăng kịch trần (20%), lên 40,550 đồng/cổ phiếu cùng dư mua khối lượng lớn. Điều này đã giúp tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tiếp tục tăng thêm khoảng 650 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, cổ phiếu VIC cũng liên tục tăng giá trong các phiên giao dịch. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/11, cổ phiếu VIC là đạt 60.500 đồng/cổ phiếu – mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 8/2014 giúp gần 724 triệu cổ phiếu VIC của ông Phạm Nhật Vượng đạt giá trị hơn 43.800 tỷ đồng, tương đương 1,94 tỷ USD.
Nhờ những phiên tăng giá liên tiếp của cổ phiếu VRE và VIC, khối tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã tăng lên 3,4 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 665 trên thế giới sau khi VRE lên sàn ít ngày, cao hơn cả vị trí của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (hạng 738 thế giới, 3,1 tỷ USD).
“Mỏ vàng” trong khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Bên cạnh sự giúp sức của 2 cổ phiếu VIC và VRE, một mỏ vàng khác của tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT chính là bất động sản.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của mình, Vingroup cho biết tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong năm 2017 là 90.355 tỷ đồng, tăng 56,8% so với năm 2016, trong đó quý IV/2017 là 33.189 tỷ đồng, tăng 44,6% so với quý 4/2016.
Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý 4 năm 2017 đạt 24.512 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ các dự án lớn như: dự án Park Hill, Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Nha Trang, Vinhomes Central Park, Vinhomes Riverside - The Harmony được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.
Doanh thu mảng dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đạt 1.524 tỷ đồng, tăng 112,3% so với cùng kỳ năm trước với lượt khách du lịch trong và ngoài nước nghỉ dưỡng tại các thành phố nơi Vinpearl hiện diện tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Doanh thu các mảng hoạt động bán lẻ, cho thuê bất động sản đầu tư; giáo dục và các lĩnh vực khác trong quý IV.2017 đều duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ tăng từ 36,5% đến 103%.
Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản Vingroup đạt 214.855 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu đạt 52.306 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Vingroup đạt 8.915 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.440 tỷ đồng, tăng lần lượt 53,9% và 54,9% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, Vincom Retail - công ty con của Tập đoàn Vingroup, chịu trách nhiệm quản lý các trung tâm thương mại của Vingroup hiện đang vận hành 40 trung tâm thương mại gồm 4 loại Vincom Mega Mall, Vincom Center, Vincom Plaza và Vincom+.
Theo bản cáo bạch năm 2017, Vincom Retail hiện đang vận hành 40 trung tâm thương mại (TTTM) tại 21 tỉnh thành, từ Tuyên Quang, Yên Bái tới TP.HCM, với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ lên đến 1,11 triệu m2.
Trong quý IV.2017, Vincom Retail mở mới 5 trung tâm thương mại gồm 2 Vincom Plaza và 3 Vincom nâng tổng diện tích mặt bằng trung tâm thương mại lên gần 1,2 triệu m2, chiếm hơn 60% thị phần tại Hà Nội và Tp.HCM. Tổng số trung tâm thương mại Vincom trên cả nước đến 31/12/2017 đạt tới con số 46 tại 24 tỉnh thành.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, công ty dự kiến mở mới 16 TTTM và trong năm 2018 là 33 TTTM tại các vị trí trước đây chưa có sự hiện diện của các TTTM Vincom.
Tham vọng sản xuất ô tô “Made in Vietnam”
Trong một cuộc chia sẻ nhân dịp đầu năm mới 2018, một trong những điều Chủ tịch Vingroup chia sẻ khá tâm huyết chính là về dự án VinFast.
Về định hướng sản phẩm, ông cho biết: “Đầu tiên tôi định đầu tư vào bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu nước ngọt nhưng nếu làm những sản phẩm này thì không có "cửa" để xây dựng một thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Ví dụ như bia, còn lâu mới bằng Heineken, Carlsberg...; bánh kẹo còn xa nữa. Cứ thế “lọc dần” và ô tô được chọn”
Về tiềm năng thị trường, ông Phạm Nhật Vượng cho rằng thị trường ô tô dù đi sau nhưng có thể về trước vì đi trước cũng có vấn đề của nó. Ví dụ như các hãng xe hơi lớn đều có tình trạng là chi phí quá lớn, bộ máy quá cồng kềnh, nhiều nhà xưởng đã cũ và đầu tư tập trung chủ yếu vào xe xăng. Bản thân các hãng này đang phải thay đổi khi Tesla làm thành công xe điện.
“Năm 2008 khi Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, công bố làm xe điện thì cả thế giới cho rằng “điên”. Đến năm 2014 họ ra được mẫu xe, chúng ta thấy “bớt điên” một chút nhưng hiện nay, họ đã trở thành số 1 thế giới về xe điện. Còn bây giờ thì “cả làng” đầu tư vào xe điện… Cuộc cách mạng xe điện mới diễn ra 9 năm nhưng nó thực sự sẽ bùng nổ. Nó “vẽ” lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi. Mà “vẽ lại” thì mình khác gì các hãng kia đâu?”, ông Vượng đặt ra câu hỏi.
Về định hướng phân khúc, VinFast sẽ định vị dòng xe trung cao và ưu tiên nghiên cứu, phát triển đột phá ở xe điện. Tuy nhiên tỷ phú này cũng nhận định năm 2025-2030 xe xăng vẫn còn thịnh hành nên VinFast sẽ có 2 hướng đi đồng thời: Với xe xăng sẽ đi từ phân khúc cao xuống, với xe điện sẽ đi từ thấp lên.
Về vốn cho dự án, ông Vượng cho rằng làm kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro và phải đi vay vốn. Chủ tịch Vingroup cũng cho biết thêm so với trước đây, tập đoàn này hiện huy động vốn thuận lợi hơn cả trong và ngoài nước. Trong một cuộc trao đổi với Forbes châu Á, ông Vượng cũng từng kỳ vọng VinFast sẽ huy động được 1,5 tỷ USD, vượt qua thỏa thuận vay 800 USD với Credit Suisse.
Với tinh thần khởi nghiệp, ông luôn mong muốn Vingroup tiếp tục phát triển, tiếp tục đi lên, nỗ lực hết mình để làm đẹp cho đời. Đây chính là động lực cho sự ra đời của Vinfast và với những thành công hiện có, không có lý do gì mà thị trường, người tiêu dùng không hy vọng về một thương hiệu ô tô “made in Việt Nam”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo