Ứng phó thế nào với nguy cơ cháy nổ?
Những vụ cháy kinh hoàng
Báo cáo tình hình cháy nổ 6 tháng đầu năm đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố xảy ra 84 vụ cháy, 1 vụ nổ làm 7 người chết, 11 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 13 tỷ đồng.
Theo Đại tá Sơn, tình hình cháy nổ tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra 3 vụ cháy gây chết người, trong đó 1 vụ làm 5 người chết tại Tương Mai (quận Hoàng Mai) và 3 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản.
Gần đây nhất vào 2 giờ sáng nay, ngày 18/6 ở khu lán công nhân công trình HH4 đường Linh Đường, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) lửa đã bốc cháy dữ dội khiến 4.000 công nhân chạy tá hỏa vì đám cháy.
Khoảng 30-40 lán tôn, gỗ bị thiêu rụi, cả xe máy và xe đạp không kịp đưa ra ngoài cũng bị cháy. Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người. Vụ cháy được dập tắt lúc 5 giờ sáng cùng ngày.
Trước đó, khoảng 17h54 ngày 16/6 một đám cháy nhỏ đã xuất hiện tại trường quay S1 tại tòa nhà trụ sở VTV, đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Do có nhiều vật liệu dễ cháy tại khu vực này (mút xốp) nên đám cháy đã gây khói đen ngùn ngụt.
Trong quá trình tháo dỡ, phá bỏ tòa nhà cũ tại trụ sở của Đài Truyền hình Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, lửa từ máy hàn đã bén vào các phế liệu dễ cháy gây ra một đám cháy nhỏ. Đám cháy không gây thiệt hại về người và tài sản.
Thương tâm nhất là vụ hỏa hoạn rạng sáng 11/6 tại một căn nhà 3 tầng ở trong ngõ 190 đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã cướp đi sinh mệnh của 5 con người, 3 thế hệ trong cùng một gia đình.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng PCCC đã phối hợp với công an khu vực, công an phường, công an quận để tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, ngôi nhà cháy nằm trong hẻm nhỏ nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Vụ cháy đã thiêu rụi nhiều đồ đạc và 5 chiếc xe máy tại tầng 1. Nhiều dây điện trước nhà cũng bị cháy nham nhở.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, điều kiện hạ tầng phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội chưa đáp ứng kịp yêu cầu khi thành phố đang phát triển rất nhanh.
Hơn nữa, giao thông thường xuyên ùn tắc, đường hẹp, ngõ ngách, dây điện nhằng nhịt ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ.
Chủ động phòng cháy tại chỗ
Sau vụ cháy kinh hoàng khiến 5 người trong một gia đình thiệt mạng tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã có công điện khẩn chỉ đạo về công tác PCCC.
Theo công điện số 05/CĐ – UBND về việc khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy, Chủ tịch UBND thành phố đã ra yêu cầu hoạt động kiểm tra, hướng dẫn phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư cần được tăng cường.
Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC Thành phố duy trì lệnh trực 24/24 giờ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có xảy ra cháy, nổ.
Đối với Tổng công ty Điện lực Hà Nội: chỉ đạo việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các quy định an toàn điện.
Nhân dân trên địa bàn nêu cao ý thức phòng chống cháy nổ và có phương án tại chỗ để đề phòng; đặc biệt trong việc sử dụng các thiết bị điện, nhiệt hằng ngày.
Đối với các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong khu vực quản lý, không câu mắc các thiết bị điện trái phép, thắp nhang thờ cúng trong nhà lồng chợ.
Đối với các khu dân cư phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức PCCC; các hộ gia đình khi sử dụng nguồn lửa để đun nấu phải thật kỹ lưỡng, khi đun nấu không nên bỏ đi nơi khác; không nên tích trữ xăng dầu trong nhà; kiểm tra, ngắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà.
Theo đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của các vụ hỏa hoạn là do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 200 ngõ nhỏ, phố nhỏ xe cứu hỏa không vào được. Chính vì vậy, người dân cần nắm rõ về kiến thức phòng cháy đề phòng nguy cơ cháy nổ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo