Việt Nam có thu nhập đứng thứ 8 Đông Nam Á, nhưng về mức tiêu thụ rượu, bia lại đứng đầu khu vực.
Việt Nam có thu nhập đứng thứ 8 Đông Nam Á, nhưng về mức tiêu thụ rượu, bia lại đứng đầu khu vực. Một thứ hạng chẳng có gì đáng để tự hào nếu không muốn nói là rất đáng lo ngại. Và thông tin trên cũng không có gì là mới nữa, đã được nêu lên từ mấy năm nay rồi. Điều đáng ngạc nhiên là tình trạng ấy hình như lại không tìm được cách giải quyết, không tìm được cách giảm đi mà lại có xu hướng tăng lên.
Ông chú tôi ở quê, trong nhà lúc nào cũng có sẵn vài can rượu trắng tự nấu. Có khách đến là uống, không có khách cũng rủ bạn bè, hàng xóm đến nhậu. Uống vào, lời ra, ầm ĩ cả lên... có khi còn cãi nhau, đánh nhau.. nhưng vài bữa vẫn lại phải tụ tập uống với nhau. Có cảm tưởng họ tìm thấy trong đó niềm vui, một cái gì đó khuấy động cuộc sống vốn lặng lẽ ở làng quê này. Chỉ khổ vợ con, không uống được mà cứ phải chịu những chuyện bực mình.
Còn ở thành phố lại càng nhiều lý do để mà uống: Bàn công việc, khao nhà mới, xe mới, sinh nhật con, lên chức... hay đơn giản là bạn bè tụ tập...
Được mời đến nhà một người bạn dự tiệc, anh chị bàn nhau đi taxi cho an toàn vì đến đó thể nào cũng phải uống. Chủ nhà nhiệt tình mời, có bao nhiêu rượu ngon, rượu quý mang cả ra, khách thì nhiệt tình hưởng ứng, nâng lên đặt xuống... Để đến lúc chia tay, cả chủ lẫn khách đều líu cả lưỡi. Sáng hôm sau dậy vẫn còn mệt rũ.
Anh cũng phải than thở, biết đến bao giờ mới hết được cái văn hóa rượu này.
Thế mới biết không phải ai cũng thích uống rượu, mà nhiều khi họ buộc phải uống, như một phép xã giao, thể hiện sự nhiệt tình, hết lòng vì bạn bè... Có người uống nhiều, uống say, cũng mệt mỏi, cũng biết là hại sức khoẻ... nhưng không thể từ chối được.
Không có quy định thành văn, nhưng lâu nay cái sự nhiệt tình trăm phần trăm ấy đã thành ra một thứ khó mà tránh được, nó như một tiêu chuẩn để đánh giá người này người nọ có tin tưởng được không, có chơi được hay hợp tác làm ăn được hay không. Có thể gọi đó như là một thứ văn hóa rượu.
Điều nguy hiểm là chúng ta đã để nó bám rễ quá sâu, thành một thói quen, một thước đo, một thứ văn hóa... nên dù có thấy là nó gây ra biết bao hệ lụy, bao chuyện phiền toái thậm chí đau lòng... nhưng, không dễ mà xóa bỏ được.
Theo Kiến thức