Văn hóa

"Hành trình thống nhất": Đồng hành, lắng nghe và chữa lành vết thương tinh thần còn rỉ máu trong nhiều gia đình

DNVN - Phim tái hiện những câu chuyện đời thường nhưng đầy ám ảnh của các cựu binh và thân nhân người đã mất - những người vẫn còn mang trong mình những mất mát, chia lìa sau cuộc chiến đã kết thúc hơn nửa thế kỷ.

#VN1945 - dự án làm mới nhạc cách mạng của nhóm Oplus / Lý Nhã Kỳ tri ân cựu chiến binh Long Đất dịp đại lễ 30/4

Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim tài liệu đặc biệt với tựa đề “Hành trình thống nhất”, nằm trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Hình ảnh trong phim tài liệu "Hành trình thống nhất"

Hình ảnh trong phim tài liệu "Hành trình thống nhất"

Đây là một trong những tác phẩm tài liệu hiếm hoi khai thác nỗi đau chiến tranh và hành trình hòa giải dân tộc theo góc nhìn song hành từ hai phía chiến tuyến, tạo nên tiếng nói trung thực, xúc động và nhân văn về những vết thương quá khứ và nỗ lực hàn gắn của hiện tại.

Phim tái hiện những câu chuyện đời thường nhưng đầy ám ảnh của các cựu binh và thân nhân người đã mất - những người vẫn còn mang trong mình những mất mát, chia lìa sau cuộc chiến đã kết thúc hơn nửa thế kỷ. Qua lối kể đa tuyến tính, phim không chỉ khơi gợi ký ức, mà còn phản ánh những nổi đau âm ỉ trong các gia đình và quá trình đi tìm tiếng nói chung sau nhiều năm im lặng.



“Hành trình thống nhất không chỉ là một bộ phim tài liệu - mà còn là một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc giữa những con người từng ở hai đầu chiến tuyến, nay ngồi lại cùng nhau để lắng nghe, hiểu và chữa lành” - đại diện ê-kíp sản xuất chia sẻ.

Một điểm nhấn quan trọng của phim là câu chuyện về Nghĩa trang Nhân dân Bình An (trước đây là Nghĩa trang Biên Hòa), nơi từng được xem là vùng “nhạy cảm” trong lịch sử chiến tranh. Bộ phim ghi lại hành trình tiếp cận các nhân chứng, cựu binh và thân nhân của những người đã nằm lại nơi đây - không phân biệt bên thắng hay thua - để kể lại ký ức với một tinh thần hướng tới hòa giải và tưởng niệm nhân văn.

 



Việc chọn Nghĩa trang Nhân dân Bình An như một biểu tượng của chuyển hóa và bao dung cho thấy bước tiến lớn trong cách tiếp cận lịch sử - không phải để xét đoán, mà để hiểu, để nhớ và để tha thứ. Đồng thời khơi lại trong bối cảnh hậu chiến, mở ra một góc nhìn toàn cầu về khái niệm thống nhất - không chỉ trên bản đồ, mà trong tâm thức mỗi người.

“Hành trình thống nhất” không đi theo mô típ kể chuyện lịch sử truyền thống. Thay vào đó, phim lựa chọn cách dựng mang tính điện ảnh trực tiếp, sử dụng nhiều ngôn ngữ hình ảnh giàu biểu cảm.



Đội ngũ sản xuất đã dành nhiều tháng để khảo sát, xây dựng niềm tin và thuyết phục các nhân vật tham gia. Quá trình này không chỉ là làm phim - mà là một hành trình đồng hành, lắng nghe và chữa lành vết thương tinh thần còn rỉ máu trong nhiều gia đình.

Mộc Lam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm