Cuộc đời sóng gió của tài tử 'đẹp nhất thế gian'
Nhan sắc nhóm tân binh nữ bước ra từ Sáng tạo doanh 2020 / 4 'nữ thần' Black Pink 'dậy thì thành công' thế nào?
Hiện tại, ở tuổi 65, Björn Johan Andrésen vẫn thường xuyên góp mặt trong các dự án phim cũng như thi thoảng biểu diễn cùng nhóm nhạc Sven-Erics. Nam diễn viên Thụy Điển có thể không phải cái tên nổi tiếng với khán giả đại chúng ngày nay, nhưng non nửa thế kỷ trước, ông từng khiến cả thể giới phải xôn xao.
Chết ở Venice
Björn Johan Andrésen sinh ngày 26/1/1955 tại Stockholm, Thụy Điển. Thời thanh niên, Andrésen đã ghi danh vào trường âm nhạc Adolf Fredrik. Tuy nhiên, số phận lại sắp đặt để sự nghiệp của ông rẽ sang một con đường khác.
Năm 1970, khi mới 15 tuổi, Björn Andrésen xuất hiện trên màn ảnh lần đầu tiên bằng vai diễn trong bộ phim En kärlekshistoria (Một chuyện tình Thụy Điển). Tuy chỉ là vai nhỏ, nhưng lần xuất hiện chóng vánh ấy cũng đủ để Andrésen lọt vào mắt xanh của biên kịch kiêm đạo diễn Luchino Visconti.
Khi ấy, Visconti đang tìm kiếm một gương mặt thiếu niên cho bộ phim mới, tác phẩm sẽ đi vào lịch sử điện ảnh thế giới và còn được hậu thế vinh danh, Morte a Venezia (Chết ở Venice). Björn Andrésen, với vẻ đẹp như bước ra từ thần thoại, chính là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn cậu thiếu niên người Ba Lan Tadzio.
Björn Andrésen vào vai Tadzio năm 16 tuổi. Nguồn ảnh: IMDb.
Bộ phim thể loại chính kịch sản xuất năm 1971 xoay quanh cuộc đời và cái chết của Gustav von Aschenbach (Dirk Bogarde), một nhạc sĩ tới Venice nghỉ dưỡng vì sức khỏe không được tốt.
Tại đây, ông đã gặp gỡ, và bị ám ảnh bởi vẻ đẹp ngất ngây của cậu thiếu niên Tadzio (Björn Andrésen). Tadzio cùng gia đình tình cờ cũng lưu lại tại khách sạn nơi Aschenbach dừng chân.
Cậu thiếu niên đã truyền cho Aschenbach ước mong được trẻ lại một lần nữa. Ông nhuộm lại mái tóc hoa râm, thoa phấn trắng mặt và tô môi hồng nhằm thay đổi diện mạo già nua của mình.
Suốt cả bộ phim, Aschenbach luôn hướng về Tadzio, nhưng cậu không bao giờ biết đến sự tồn tại của ông. Rồi Tadzio cuối cùng cũng liếc nhìn Aschenbach, dù chỉ một khoảnh khắc vô thức lướt qua, người đàn ông khi ấy đã chết vì đau tim.
Chết ở Venice chính là tác phẩm đã bảo lưu vĩnh viễn vẻ đẹp thanh xuân của Björn Andrésen trong những khung hình điện ảnh.
Nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Lawrence J. Quirk đã viết trong cuốn The Great Romantic Films (1974) rằng: “Một vài cảnh của Björn Andrésen, người vào vai cậu thiếu niên Tadzio trong phim, có thể được cắt ra khỏi bộ phim và trưng bày trong viện bảo tàng nghệ thuật”.
Theo Quirk, Tadzio, hay chính Andrésen, không chỉ là một mỹ thiếu nam, biểu hiện của những khao khát sắc giới phức tạp bên trong Aschenbach, cậu còn là một biểu tượng của sắc đẹp từng được ngợi ca trong David của Michelangelo hay Mona Lisa của Da Vinci…”
"Thiếu niên đẹp nhất thế gian"
Cùng với thành công, và sự lan tỏa của Chết ở Venice, Björn Andrésen được giới truyền thông dành tặng danh xưng “Thiếu niên đẹp nhất thế gian”. Thậm chí, người ta còn nói, vẻ đẹp của Andrésen ở tuổi 16 có thể khiến những người đứng trước cậu cảm thấy hổ thẹn.
Vẻ đẹp phi thường của Björn Andrésen những năm tháng thiếu niên giúp nam diễn viên gặt hái thành công tại thị trường Nhật Bản. Nam diễn viên đã xuất hiện trong rất nhiều quảng cáo trên truyền hình, cũng như ghi âm nhiều ca khúc nhạc pop trong thời gian khác dài lưu lại đất nước mặt trời mọc.
Björn Andrésen cũng là người đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của cụm từ “mỹ thiếu nam” (bishounen) – danh từ dùng để chỉ những chàng trai trẻ có vẻ bề ngoài mềm mại, nữ tính. Anh cũng là chàng thơ để nhiều họa sĩ hoạt hình Nhật Bản sáng tạo ra nhân vật của họ.
Vẻ đẹp thời niên thiếu của Björn Andrésen mang lại cho nam diễn viên sự nổi tiếng, nhưng cũng là khởi nguồn của bi kịch. Nguồn ảnh: IMDb.
Tại Mỹ, thành công của Chết ở Venice lại mang đến cho Andrésen nhiều rắc rối hơn là một bước đà mạnh mẽ đưa anh lên hàng tài tử. Cụ thể, sau khi phim ra mắt, anh dính tin đồn là người đồng tính. Và dù Björn Andrésen có cố gắng thanh minh tới đâu, công chúng vẫn chỉ tin vào thứ họ muốn.
Chính Andrésen đã từng chia sẻ: “Sau khi tôi tham gia vào Chết ở Venice (1971), rất nhiều tờ báo ở Mỹ đã viết rằng tôi là người đồng tính luyến ái. Tất cả đều là suy diễn từ nội dung một bộ phim!"
"Tôi cứ phải lặp lại hết lần này đến lần khác rằng không, tôi không đồng tính – điều này khiến tôi nghe như một kẻ đã tuyệt vọng cùng đường, hoặc đầy định kiến… nên tôi nghĩ điều tốt nhất với mình là cứ bỏ ngoài tai những chuyện như thế” - ông hồi tưởng.
Andrésen cũng từng được đạo diễn Luchino Visconti của Chết ở Venice dẫn tới một hộp đêm dành cho người đồng tính. Phần lớn thành phần đoàn làm phim đều không phải người dị tính. Cậu bé 16 tuổi khi ấy đã được dẫn đến một nơi hoàn toàn không thuộc về mình.
Bị nhầm là người đồng tính, Andrésen nói những người trong hộp đêm đã nhìn mình “hau háu như hổ rình mồi”. Nhưng hóa ra, trải nghiệm ấy mới chỉ là khởi đầu của khoảng thời gian khó khăn trong cuộc đời, cũng như sự nghiệp của nam diễn viên Thụy Điển.
Nhiều tờ báo đưa tin, vì ghen tuông, người tình đồng tính của Luchino Visconti từng thêu dệt rất nhiều lời đồn đại gây bất lợi cho Björn Andrésen. Những lời đồn đại, cùng hiểu lầm về giới tính và xã hội thập niên 1970 vẫn quá khắt khe với người đồng tính đã khiến sự nghiệp điện ảnh của Andrésen vụt tắt một cách oan uổng.
Khi vẻ đẹp là nỗi ám ảnh cả cuộc đời
Nói về sự nghiệp điện ảnh của mình, Björn Andrésen nhận xét bản thân là một trong số ít những diễn viên khởi nghiệp từ vị trí đỉnh cao của thành công và danh vọng trước khi dần dần đánh mất mọi thứ. “Đó là một hành trình cô đơn” – ông nói.
Dù muộn phiền vì con đường công danh gặp nhiều trắc trở sau cái bóng quá lớn của Chết ở Venice, nhưng Björn Andrésen vẫn kiên trì với nghiệp diễn. Trong 50 năm qua, ông đã tham gia vào 31 dự án phim lớn nhỏ, chủ yếu là các series truyền hình tại quê nhà Thụy Điển.
Để tránh khơi lại tin đồn giới tính từng khiến mình lao đao một thuở, Björn Andrésen luôn chủ động từ chối những vai diễn đồng tính luyến ái, hay gạt bỏ các phần trong tạo hình, hay tính cách nhân vật quá tập trung tới vẻ ngoài ưa nhìn của ông.
Không chỉ trắc trở trong đường sự nghiệp, hạnh phúc riêng của Björn Andrésen cũng chẳng thể vẹn tròn. Ông kết hôn với vợ là nhà thơ Suzanna Roman vào năm 1983.
Họ có hai con một trai, một gái. Tuy nhiên, vào năm 1986, con trai cả của Andrésen đã qua đời vì Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Nỗi mất mát đã đẩy cuộc hôn nhân của ông và vợ đến bờ vực tan vỡ.
Dù đã ở tuổi xế chiều, những đường nét thanh tú ngày nào vẫn vẹn nguyên trên khuôn mặt Björn Andrésen. Nguồn ảnh: Twitter.
Năm 2003, những ám ảnh trong quá khứ ngỡ đã ngủ yên lại một lần nữa sống dậy trong Björn Andrésen khi nhà văn ủng hộ phong trào nữ quyền Germaine Greer sử dụng ảnh chụp của ông làm bìa cuốn sách Beautiful Boy.
Về mặt pháp lý, Greer đã nhận được sự cho phép của nhiếp ảnh gia David Bailey, người nắm bản quyền bức ảnh, sử dụng bức ảnh làm bìa sách. Tuy nhiên Björn Andrésen vẫn kiên quyết ông có quyền được thông báo, và lấy ý kiến khi bức ảnh được sử dụng.
Nam diễn viên cũng khẳng định, nếu Germaine Greer có thông báo trước cho ông dự định sử dụng bức ảnh làm bìa sách đi nữa, ông cũng không chấp thuận. Sau ba thập kỷ, diện mạo thanh xuân năm 16 tuổi vẫn là nỗi ám ảnh với người đàn ông khi ấy đã sắp bước sang tuổi ngũ tuần.
Giờ đây, “thiếu niên đẹp nhất thế gian” Björn Andrésen năm nào giờ đã thành một người đàn ông 65 tuổi. Độ lùi thời gian khiến những điều một thời từng là bi kịch gây ra biết bao sóng gió cho cuộc đời một con người trở thành những giai thoại.
Björn Andrésen hiện vẫn đang sống và làm việc tại Stockholm, Thụy Điển, gần bên con gái và các cháu ngoại. Năm 2019, ông góp mặt trong Midsommar, bộ phim kinh dị mới nhất của đạo diễn Ari Aster.
End of content
Không có tin nào tiếp theo