Đạo diễn phim bom tấn "Tenet": Hiệp sĩ Hoàng gia với óc sáng tạo phi thường
Nọc cực độc của rắn hổ có thể cứu sống con người / Tạo hình 'xấu điên đảo' của sao phim Hoa ngữ vẫn không địch nổi hình ảnh 'lố quá đà' của Địch Lệ Nhiệt Ba
Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Christopher Nolan là một trong những đạo diễn thành công nhất trên mọi phương diện. Mỗi bộ phim của Nolan đều được người hâm mộ điện ảnh chờ đợi và bàn tán xôn xao ngay từ khi đó còn là dự án nằm trên giấy và lập tức gây sốt khi được ra rạp. Tính tới trước khi “Tenet” - bộ phim mới nhất của ông - ra rạp, 10 bộ phim trước của Christopher Nolan đã đạt tổng doanh thu gần 5 tỷ USD, đồng thời mang về 34 đề cử và 10 chiến thắng Oscar.
Cá nhân được đề cử 5 lần nhưng chưa một lần chạm tay tới tượng vàng Oscar – giải thưởng điện ảnh danh giá nhất, Christopher Nolan vẫn khiến những “đàn anh” như James Cameron, Martin Scorsese hay Steven Spielberg phải thán phục bởi tư duy điện ảnh.
Tài năng xuất chúng
Sinh ra và lớn lên tại London (Anh), Christopher Nolan bắt đầu tập làm phim từ năm 7 tuổi khi mượn chiếc camera Super 8 từ cha là một giám đốc sáng tạo. Khi theo học tại Đại học London, Christopher đã gặp người vợ tương lai mà sau này trở thành nhà sản xuất cho hầu hết các tác phẩm của ông là Emma Thomas.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Cử nhân Văn học Anh, Christopher Nolan bắt đầu hoạt động với vai trò là người đọc kịch bản, phụ quay phim và đạo diễn cho một số video quảng cáo. Tới năm 1998, bằng số tiền 6.000 USD tiết kiệm của hai vợ chồng, ông ra mắt bộ phim đầu tay là “Following” với vai trò là đạo diễn, biên kịch, quay phim và dựng phim. Phim kể về một nhà văn trẻ thất nghiệp bám theo những người xa lạ ở đường phố London để tìm kiếm ý tưởng, dựa trên chính trải nghiệm thật của Nolan. Phim gây ấn tượng tại một số liên hoan phim nhỏ và tạo tiền đề để nam đạo diễn thực hiện “Memento” - bộ phim tạo nên cú đột phá trong sự nghiệp của Nolan.
Với kinh phí 9 triệu USD, “Memento” ra đời, gây xôn xao tại các liên hoan phim quốc tế lớn vì ngôn ngữ điện ảnh độc đáo. Và rồi ở tuổi 32 với tác phẩm thứ hai, Christopher Nolan có được đề cử Oscar đầu tiên cùng người em trai là Jonathan Nolan ở hạng mục “Kịch bản gốc hay nhất”. Từ tác phẩm này, Christopher Nolan đã dần hình thành nên một “đế chế điện ảnh” mới của thế kỷ 21.
Ngay sau “Memento”, Christopher Nolan và vợ là nhà sản xuất Emma Thomas đã thành lập hãng phim Syncopy Inc. Tới năm 2005, “Batman Begins” không chỉ là bộ phim đầu tiên của hãng mà còn là tác phẩm vực dậy thanh danh của siêu anh hùng Batman vốn đã bị đạo diễn Joel Schumacher hủy hoại trong tác phẩm thảm họa là “Batman & Robin” (1997). Nolan cũng nâng thể loại phim siêu anh hùng lên một tầm cao mới với hai tập tiếp theo là “The Dark Knight” và “The Dark Knight Rises”.
3 tập phim về Batman của Nolan thành công rực rỡ với tổng doanh thu lên đến 2,4 tỷ USD và 9 đề cử Oscar. Tập phim thứ hai “The Dark Knight” chính là đỉnh cao của bộ 3 này, với cuộc đối đầu giữa Batman và Joker.
Bộ phim không còn đơn thuần là một phim siêu anh hùng mà giống một tác phẩm đỉnh cao của nhiều thể loại: sở hữu những cảnh hành động, rượt đuổi gay cấn; sự phức tạp trong nhân vật và các câu thoại của dòng phim tâm lý; đầy rẫy nút thắt bất ngờ như một tác phẩm ly kỳ. Nolan thể hiện tài năng giữ nhịp của mình dù pha trộn nhiều thể loại với hàng loạt tình tiết xảy ra, bộ phim vẫn giữ được sự cân bằng hoàn hảo với một phần kết bi tráng.
“Midas” của làng điện ảnh
Sau thành công của “Memento”, “The Prestige” và bộ 3 “The Dark Knight”, Christopher Nolan trở thành tên tuổi đình đám và được coi như “Midas của điện ảnh”. Trong “Thần thoại Hy Lạp”, Midas là một vị vua có khả năng biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng.
Với điện ảnh, Christopher Nolan cũng trở thành một “Midas” khi mọi tác phẩm của ông từ sau “The Dark Knight” (2008) đều trở thành bom tấn triệu đô được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn hiệu ứng thương mại.
Khi Hollywood càng lúc càng đi vào lối mòn với những câu chuyện vay mượn từ truyện tranh, văn học hoặc làm lại, phim của Christopher Nolan luôn tạo dấu ấn với kịch bản gốc đầy sáng tạo và bất ngờ. “Inception” đưa khán giả đến với thế giới trong mơ, nơi những kẻ cắp tung hoành, khai thác những bí ẩn giấu kín trong tâm trí. “Interstellar” kể về những chuyến du hành vũ trụ, bí mật của hố đen, sự giãn nở thời gian và không gian 5 chiều.
Các bộ phim của Christopher Nolan nặng tính triết lý về nhân sinh nhưng luôn hấp dẫn, mang tính giải trí cao. Từ “Inception”, “Interstellar” cho tới “Dunkirk”, không có phim nào của Nolan có doanh thu dưới 500 triệu USD.
Hiệp sĩ Hoàng gia Anh
Với những cống hiến của mình cho bộ môn nghệ thuật thứ 7, cùng tầm ảnh hưởng rộng khắp trên toàn Thế giới, năm 2019, đạo diễn Christopher Nolan đã được Hoàng gia Anh trao tặng Huân chương Đế quốc Anh - cấp bậc Chỉ huy Đế chế Anh (CBE).
Trên tay huân chương Hoàng gia cao quý, Nolan chia sẻ: “Là một tín đồ nhiệt thành của điện ảnh, cũng là người hiểu được tầm quan trọng của môn nghệ thuật này đối với cuộc sống, tôi vô cùng tự hào và xúc động khi phim ảnh được vinh danh theo cách như thế này”.
“Tenet” - cột mốc mới của Christopher Nolan
Là bộ phim thứ 11 trong sự nghiệp đạo diễn, Christopher Nolan nhen nhóm ý tưởng thực hiện “Tenet” từ cách đây 20 năm và mất tới 7 năm để hoàn thành kịch bản.
Vẫn với ý tưởng về thời gian và tác động của công nghệ tới con người, “Tenet” được coi là bộ phim đánh dấu những cột mốc mới trong sự nghiệp của Christopher Nolan, nhất là khi nó ra mắt trong thời điểm rất đặc biệt là năm 2020 - khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới và gây xáo trộn cuộc sống của hàng tỷ người.
Christopher Nolan tự nhận mình là một người không thích dùng điện thoại di động hay e-mail. Anh từng nói: “Tôi không hẳn là người không thích công nghệ nhưng tôi không bao giờ quên được cái thời kỳ khi tôi mới chuyển tới Los Angeles vào năm 1997, chẳng mấy ai có điện thoại di động nên tôi không phải sử dụng nó”. Phải chăng đây là lý do khiến nhiều nhân vật trong “Tenet” sử dụng điện thoại nắp gập hay điện thoại “không thông minh” xưa cũ để lưu trữ và truyền đi thông tin cho người tương lai.
“Tenet” đã ra rạp tại nhiều nước trên khắp thế giới từ 28/8 và khởi chiếu tại thị trường lớn Trung Quốc và một số bang của Mỹ từ ngày 4/9. Bộ phim đã vượt qua doanh thu 100 triệu USD, một con số khả quan cho bộ phim "bom tấn" trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo