Văn hóa

Đạo diễn phim “Phượng khấu” Huỳnh Tuấn Anh: Tôi không biến phụ nữ Việt thành những người xấu xí, ác độc

Trong buổi tọa đàm "Cổ phục Việt - từ đời sống đến điện ảnh", đạo diễn phim "Phượng khấu" Huỳnh Tuấn Anh đã có những chia sẻ về bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam.

Điểm mặt hội ái nữ nhà sao Việt: Còn nhỏ đã có năng khiếu nghệ thuật, xinh đẹp chuẩn mỹ nhân tương lai / Phát hiện lý do khiến sao Việt sở hữu body quyến rũ "vạn người mê"

1

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn và diễn viên Diễm My 9X. Ảnh: TL

"Cuộc hành hương" tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc

Xin chào đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh! Bộ phim mới của anh có tên "Phượng khấu" khiến nhiều khán giả thắc mắc. Anh có thể giải thích rõ tên phim được không?

- Tôi lấy ý tưởng đặt tên cho bộ phim từ cúc áo được chạm trổ hình chim phượng - phượng khấu - một loại trang sức bộ đôi đi chung với chiếc áo Nhật Bình, vốn là trang phục dành cho phụ nữ thuộc bậc tôn quý của hậu cung nhà Nguyễn.

Bộ đôi áo Nhật Bình - cúc phượng đó có 2 nghĩa: Nghĩa đen là khát vọng của tất cả những người đàn bà trong cung: Được sủng ái, có địa vị... Nghĩa bóng thì là vật để những người đàn bà trốn chạy sự cô đơn: Khi ở đỉnh cao trọng vọng mà vua không còn yêu thương. Vậy nên, phượng khấu là bùa mê thuốc lú, là bắt nguồn của những tranh đấu trong cung.

Nhiều ý kiến cho rằng "Phượng khấu" với đề tài cung đấu là sự "ăn theo" những phim cổ trang Trung Hoa, Hàn Quốc?

 

- Tất nhiên là cũng có. Phim cung đấu Trung Quốc hay Hàn Quốc đang khá hấp dẫn khán giả Việt khiến tôi cũng có chút tự ái. Bởi Việt Nam là nước có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều triều đại, trong đó có hẳn một triều đại vẫn còn di tích và hiện vật khá đầy đủ ở cố đô Huế. Trong lịch sử Việt Nam thì chuyện các bà hậu và phi tần tranh giành đấu đá nhau đâu có thiếu, mình dư sức làm, hấp dẫn không thua kém. Nhưng sự thật tôi chỉ mượn phong trào, mượn sở thích của giới trẻ để chuyên chở các giá trị văn hóa dân tộc.

Riêng tôi, tôi cũng bắt đầu làm cuộc hành hương tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc khi làm bộ phim này.

Nói như thế nghĩa là qua bộ phim, anh đang muốn định hướng những người trẻ?

- Đúng vậy, đối tượng mà bộ phim nhắm tới là từ 16-25 tuổi. Việc của tôi là mang lịch sử nước nhà đến gần giới trẻ và không sai, cho nên bộ phim sẽ mang rất nhiều bất ngờ, tình huống giải nhanh, gọn, lẹ, ý thoại rất hiện đại nhưng câu thoại vẫn mang tính văn học vì chúng tôi không làm phim cho sử gia xem.

Nói đối tượng trẻ dễ tiếp cận nhưng nhiều khi không phải vậy. Làm thế nào để anh truyền tải một cách tốt nhất?

 

- Người trẻ dễ bị hấp dẫn bởi cái nhìn. Sau nhiều buổi nói chuyện với các bạn trẻ tôi phát hiện các bạn mê cái đẹp của hanbok, thậm chí còn nói: "Áo dài Việt Nam của mẹ mặc không đẹp bằng Hanbok của con" nên tôi ngờ ngợ nhận ra chuẩn mực của cái đẹp hiện đại.

Lúc đầu tôi định làm một drama chiếu free trên youtube nhưng sau khi chụp bộ ảnh phục trang thì rất nhiều người ủng hộ nên tôi quyết định thông qua "Phượng khấu" giới thiệu bộ sưu tập cổ phục Việt đẹp như thế nào? Khán giả Việt thấy được hậu cung các triều đại cũng hỉ nộ ái ố lạc ra sao? Và thông qua đó như hồi chuông, tiếng gõ để các bạn trẻ trở về với niềm tự hào văn hoá việt Nam. Mà niềm tự hào đó hoàn toàn có cơ sở.

Mục tiêu của phimlà giáo dục, giải trí chỉ là phương tiện

Qua ngôn ngữ điện ảnh làm sao thể hiện được từng đó thông điệp vì còn vấn đề thời lượng hạn chế?

- Cơ bản nhất là shot quay cận cảnh, cao hơn nữa là đưa Nội vụ phủ phụ trách thêu thùa, tình tiết thêu trang phục thành chi tiết trong phim.

 

Ví dụ như sau khi vua Minh Mạng mất và Hiền Phi không được sắc phong thì bà ấy cầm phượng bào đưa ra. Bộ quần áo trở thành tình tiết, thành cái đẹp và mâu thuẫn gây chú ý người xem.

Lâu nay chúng ta xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc và đều ngạc nhiên vì sao trang phục cung điện của họ phong phú vậy? "Phượng khấu" cũng sẽ trả lời câu hỏi đó luôn. Trang phục của người phụ nữ Việt Nam trong chốn hậu cung cũng không thua kém độ đẹp, tinh tế, phong phú. Nghệ thuật dệt, đính, đặc biệt là thêu của người Việt đã đạt đến đỉnh cao thể hiện được đặc sắc, tri thức của người Việt. Đặt cổ phục Nhật bình đứng cạnh cổ phục nước ngoài chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào đứng ngang bằng họ, không thua kém.

Nói là thế nhưng "cái bóng" của những phim cổ trang Trung - Hàn quá lớn. Anh có nghĩ sẽ rất khó khăn để "cạnh tranh" được không?

- Thay vì làm phim về chuyện đấu đá và tranh quyền đoạt lợi, hãm hại nhau bằng mưu sâu kế bẩn như phim cổ trang Trung Quốc, "Phượng khấu" xử lý mối quan hệ giữa các nhân vật bằng mối quan hệ của một gia đình, một gia tộc, nơi mà một ông chồng có rất nhiều bà vợ và giải quyết câu hỏi ai sẽ là người thừa kế tài sản của ông.

Tất cả những bi kịch sinh ra từ việc thương con, chứ họ không ghét nhau. Tất cả những người đàn bà trong cung Việt Nam đều đáng thương. Và tôi xử lý tất cả bằng ngôn ngữ của một gia đình. Đó mới chính là lý do tôi chọn cách làm sử - mượn chuyện xưa mình nói chuyện nay. Câu chuyện xuất phát từ những cái vụn vặt, thường tình của đàn bà như yêu chồng, chiếm hữu, thương con, bảo vệ con. Mình có thể chết nhưng con mình sẽ được hạnh phúc. Tôi xử lý những chuyện đó và nó sẽ khác rất nhiều so với Trung Quốc.

 

Do không có phim trường dành cho phim cổ trang, khó có thể chế tác hoành tráng được như phim cổ trang Trung Quốc nên "Phượng khấu" dùng phục trang, cũng như kỹ xảo để tạo độ hoành tráng cho phim. Chắc chắn sẽ không làm khán giả thất vọng khi theo dõi.

Nếu thế, giữa yếu tố giáo dục và giải trí, "Phượng khấu" nhắm đến mục tiêu nào?

- Mục tiêu cuối cùng vẫn là giáo dục, giải trí chỉ là phương tiện.

Nếu giáo dục là yếu tố hàng đầu thì chắc chắn sẽ bị khán giả "soi" rất nhiều?

- Tôi không sợ bị soi. Tôi giáo dục cái gì mới quan trọng. Bởi vì tôi chọn câu chuyện về gia đình, về chuyện phụ nữ thương con, thương chồng, không biến người phụ nữ Việt Nam thành một loại xấu xí, ác độc. Đấy là một loại giáo dục. Ngoài ra là còn giáo dục về phục trang. Chưa chiếu phim thì tôi đã giáo dục phục trang rồi. Trước tôi đâu phải không có chiếc áo Nhật Bình, rất nhiều nhà thiết kế đã làm, rất nhiều đội nhóm đã may, nhưng tôi đã đưa chiếc áo Nhật Bình lên một bước mới, trở thành một icon (biểu tượng) của nhà Nguyễn. Khác nhau hoàn toàn với các nước đồng văn, không giống Tàu, không giống Hàn, không giống Nhật. Tôi nói thẳng, tôi chưa làm gì mà đã thắng rồi, thắng bằng giáo dục. Thậm chí có thể dự án dừng ở đó, tôi vẫn thắng. Ở đây không phải thắng ai cả mà là thắng chính mình.

 

Một bộ phim nhiều thông điệp như thế nhưng mới đây scandal "vạ miệng" của Diễm My 9X - một diễn viên trong phim đã dấy lên phong trào tẩy chay Phượng khấu. Anh nghĩ sao về điều này?

- Công tâm mà nói, ai cũng có đời tư. Tất nhiên khi bạn tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật nào thì cũng nên cẩn thận. Với trường hợp của Diễm My theo tôi đó chỉ là "tai nạn" trên trời rơi xuống, không phải scandal nhưng nó cho ta một bài học đáng giá.

Sau đó, tôi cũng đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với diễn viên về những điều không đáng có đó. Tuy nhiên, những người yêu phim cũng hiểu rõ được sự việc và hoàn toàn cảm thông với diễn viên cũng như ekip. Sóng gió qua rồi!

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Theo Ngọc Mai/Gia đình
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm