Văn hóa

Di sản văn hóa Huế - Bài 2: Số hóa di sản – Tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa

Sở hữu kho tàng đồ sộ di sản văn hóa cung đình đặc sắc không chỉ đem lại lợi thế to lớn cho Thừa Thiên – Huế mà còn đặt ra bài toán cho các nhà quản lý địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang “bắt tay” cùng các công ty công nghệ số triển khai số hóa 3D khoảng 11.000 cổ vật, hiện vật.

Rục rịch chuẩn bị đám cưới 'thế kỷ', Lương Bằng Quang - Ngân 98 tiết lộ 1 điều khiến cả 2 hoang mang / Nghệ sĩ Việt Nam từng nhận cát-xê 1 cây vàng/đêm, làm chủ cả đoàn hát, U70 phải đi dọn vệ sinh, xin gạo ăn qua ngày

Đây chính là tiền đề quan trọng, giải quyết bài toán khai thác nguồn tài nguyên di sản phục vụ cho công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ bế mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Đưa di sản lên không gian số

Thực hiện Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đối tác về công nghệ triển khai số hóa các di sản cũng như ra mắt khu dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo “Đi tìm Hoàng cung đã mất”, tạo mã QR để du khách tra cứu thông tin liên quan bằng thiết bị di động. Ngoài ra, Trung tâm thực hiện scan (chuyển các giấy tờ, tài liệu giấy thành các file hình ảnh) 3D, dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc, tạo cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu, quảng bá lên không gian số.

Từ tháng 10/2023 đến nay, Trung tâm cùng Công ty Cổ phần Phygital Labs đã thực hiện định danh số 10 cổ vật đầu tiên tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế gồm ngai vàng, kiệu rước, hia, cành vàng lá ngọc... Mỗi cổ vật được gắn chip NFC, liên kết với mã định danh số duy nhất của cổ vật bằng công nghệ Nomion, cho phép du khách dùng điện thoại thông minh tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin của cổ vật.

Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phygital Labs Nguyễn Huy cho hay, chip NFC Nomion có khả năng mã hóa dữ liệu, bảo mật cao và chống bị làm giả, đảm bảo sự độc bản, liên kết 1-1 giữa phiên bản vật lý, phiên bản số. Bằng công nghệ blockchain (chuỗi khối), phiên bản số của cổ vật mang giá trị chứng thực sở hữu cũng như tạo ra tài sản số từ tài sản thật là cổ vật.

Bằng giải pháp Nomion, bản quyền các cổ vật được khai thác qua 3 ý tưởng chủ đạo: Tạo nguồn thu từ việc bán vé tham quan triển lãm số; sản xuất, phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số hay chợ vật lý số.

 

Bước đầu, hai bên đã cho ra mắt không gian triển lãm số “museehue.vn” mà bất cứ ai, ở đâu đều có thể tham quan, tìm hiểu. Đây là một trong số ít các nền tảng vũ trụ ảo cho phép người dùng có trải nghiệm đa giác quan trên nhiều thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm kính thực tế ảo Apple Vision Pro, Meta Quest. Không gian số mở ra cơ hội để giới thiệu câu chuyện lịch sử văn hóa Việt Nam đến hơn 20 triệu người trên thế giới đang sở hữu các thiết bị điện tử hiện đại. Trong tháng đầu tiên ra mắt, “museehue.vn” đã đón nhận hàng ngàn lượt truy cập, tương tác. Con số ấn tượng hơn hẳn so với số lượng người thực tế đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trong cùng khoảng thời gian.

“Chúng tôi đang đẩy nhanh hành trình định danh số cổ vật. Cuối năm 2024, dự kiến sẽ có thêm 98 cổ vật được giới thiệu trên không gian triển lãm số “museehue.vn”. Không gian này tiếp tục được thiết kế với nhiều phòng trưng bày theo các chuyên đề, thời điểm khác nhau như Huế thời bình, Huế dưới thời thực dân Pháp, các cuộc trỗi dậy của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX…”, ông Nguyễn Huy tiết lộ.

Ở ý tưởng sản xuất, phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao cổ vật triều Nguyễn có chứng thực, đội ngũ Phygital Labs đang thực hiện giai đoạn sản phẩm mẫu. Một khi ra đời, đây sẽ là mặt hàng lưu niệm mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan quản lý di sản, du khách. Thị trường quà lưu niệm phục vụ du khách đến Huế sẽ được định hình lại và đa dạng hơn. Du khách có thêm lựa chọn, tin tưởng vào sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, mang giá trị biểu trưng cao. Đặc biệt, cơ quan quản lý di sản có doanh thu thông qua phí bản quyền trên mỗi sản phẩm bán ra.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đánh giá, việc hợp tác với Công ty Phygital Labs cũng như các công ty công nghệ số khác là bước tiến mới trong việc tích hợp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng xu thế số hóa di sản, phát triển công nghiệp văn hóa. Qua đó, số hóa và lưu trữ cơ sở dữ liệu các giá trị di sản văn hoá triều Nguyễn không chỉ giúp việc tra cứu, tham khảo, nghiên cứu diễn ra thuận tiện mà còn là nơi để giáo dục thế hệ trẻ tìm hiểu về di sản hiệu quả.

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế năm 2024 diễn ra vào tháng 6 vừa qua với một chuỗi sự kiện lễ hội đặc sắc cũng đã tạo được điểm nhấn bằng việc ứng dụng công nghệ ánh sáng hiện đại làm nổi bật không gian Hoàng cung Huế về đêm, tạo ra sự hoành tráng, huyền ảo, đánh thức mọi giác quan của người xem. Những tinh hoa của Cố đô Huế tỏa sáng qua phần dàn dựng kết hợp trình chiếu Laser, Led Matrix, Hologram, 3D Mapping trên nền sân khấu nghệ thuật bán thực cảnh tại Điện Kiến Trung. Bên cạnh đó, tại công trình Thái Bình Lâu lần đầu tiên diễn ra Lễ hội ánh sáng với 12 tác phẩm sắp đặt âm thanh và ánh sáng đem đến sự ngỡ ngàng, bất ngờ, thú vị cho người xem. Đây là tiền đề để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các đối tác xây dựng sản phẩm, chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ thường xuyên.

 

Kinh nghiệm của thế giới

Chú thích ảnh
Cố đô Huế lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dưới góc độ phát triển bền vững của UNESCO, di sản vừa là đối tượng phục vụ con người nhưng cộng đồng xã hội cũng có trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị. Di sản không thể bán đi nhưng những hình ảnh, phiên bản, bản sao của chúng thì có thể được giao dịch và đem lại giá trị kinh tế. Nhiều quốc gia phát triển đã sáng tạo các mô hình khai thác tốt giá trị văn hóa từ các di sản.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phygital Labs Nguyễn Huy chia sẻ, quà tặng văn hóa Ai Cập là một ví dụ cho việc khai thác bản sao chính xác từ các cổ vật, đi kèm cùng giấy chứng nhận của cơ quan chức năng, qua đó vừa thu được lợi ích kinh tế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, di sản văn hóa của xứ sở “kim tự tháp”.

Hay gần đây là cuộc bùng nổ xu hướng hộp mù ở Bảo tàng Hà Nam (Trung Quốc). Bên trong những hộp mù là bản sao các cổ vật như chuông đồng thời nhà Chu, tượng ngọc bích có niên đại hai thiên niên kỷ… Những bộ quà hộp mù này được sản xuất giới hạn giúp gia tăng giá trị, tạo giá bán cao đối với những người có nhu cầu sưu tầm. Không dừng lại, Bảo tàng Hà Nam kết hợp với Alipay (một ví điện tử tại Trung Quốc do Tập đoàn Alibaba sở hữu, phát triển) tạo ra trò chơi để người chơi khai quật các hiện vật ảo trước khi mua hộp mù thực tế. Cách tiếp cận sáng tạo này đã trở thành hiện tượng, thu hút hàng triệu người truy cập tham gia.

Những mô hình trên có thể áp dụng tương tự ở Thừa Thiên - Huế, nơi đang lưu giữ, bảo tồn lượng lớn di sản đặc trưng của Việt Nam được UNESCO công nhận. Mặt khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý các di sản hoàn toàn có đủ năng lực, uy tín và khả năng cấp chứng nhận bản quyền đối với các bản sao của chúng, ông Nguyễn Huy nói.

 

Ông nhận định, khai thác di sản cần mang đến trải nghiệm thú vị và có tính cá nhân hóa, liên kết đối với du khách. Họ có nhu cầu cực kỳ lớn và chịu chi để sở hữu, sưu tầm những món đồ sao chép nguyên bản của vật phẩm văn hóa, được chứng thực bởi đơn vị có uy tín. Vậy nên, với hệ thống quầy hàng lưu niệm đã có sẵn nhưng chưa khai thác bản quyền thì mô hình kinh doanh phiên bản quà lưu niệm có chứng thực sẽ dễ dàng thực hiện, có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Để tạo nên những sản phẩm này, cần có sự góp sức từ các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực về công nghệ, số hóa. Điều đó đặt ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là xã hội hóa việc khai thác di sản. Đây chính là một hướng đi đúng đắn, hợp thời khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ nguồn lực, năng lực, đội ngũ và kinh nghiệm thực hiện.

Tuy nhiên, di sản là một lĩnh vực khó khai thác bởi những yêu cầu khắt khe do có liên quan đến văn hóa. Đặc biệt, hành lang pháp lý trong khai thác không gian số, bản quyền di sản ở nước ta còn chưa rõ ràng. Không ít doanh nghiệp gặp phải khó khăn, lúng túng khi tiếp cận vấn đề pháp lý khi khai thác giá trị di sản.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung nhận định, nếu xã hội hóa đúng hướng thì di sản sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, du lịch cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại số đơn vị có khả năng và kinh doanh lĩnh vực này hiện vẫn còn hạn chế. Hy vọng trong thời gian tới, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn, thống nhất các quy phạm pháp luật ở những luật liên quan; tạo hành lang rộng mở, thuận lợi về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư tham gia khai thác nguồn tài nguyên di sản./.

Bài cuối: Công nghiệp văn hóa di sản – Hướng đi của Huế

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm