Văn hóa

Diễn viên Hồng Đăng: 'Làm nghệ thuật bây giờ đâu phải chạy chọt, xin xỏ để được vai'

'Trước đây có thể đạo diễn quý người này mến người kia mà cho vai nhưng bây giờ có cả hội đồng đánh giá, phân tích ưu/nhược điểm từng diễn viên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng', diễn viên Hồng Đăng chia sẻ.

Hồng Đăng chia sẻ Hồng Diễm là bạn diễn ăn ý nhất của anh.

"Tôi nhận vai vì Hồng Diễm"

Sau vai hình sự trong phim "Mê cung", anh quay lại với chất vai sở trường liệu có gì đặc biệt hơn không?

- Mặc dù dạng vai tình cảm là thế mạnh nhưng đọc kịch bản 10 tập đầu "Hoa hồng trên ngực trái" tôi cũng khá hoang mang định hình nhân vật vì Bảo không phải hình ảnh mang tính chất khuôn khổ, kiểu mẫu như trước đây.

Nhân vật Bảo là anh chàng đặc biệt cái gì cũng có từ ngoại hình, địa vị, kinh tế nhưng hôn nhân lại không ra gì. Ban đầu đạo diễn định chọn Bảo là người xù xì, khô khan thì chuyện bị cắm sừng là hết sức bình thường, không mới mẻ. Vì thế Bảo "hoàn hảo" được lựa chọn thay thế. Khi một người phụ nữ đã đặt ra những tiêu chí nhất định cho người đàn ông mà người này lại đạt đến 8 điểm nhưng vẫn bị cắm sừng thì khá khó diễn. Tôi đã phải cố gắng rất nhiều trong việc tìm kiếm lối diễn sao cho Bảo với em gái phải khác biệt so với người yêu cũ hay cả người tình mới…

Từ sau vai Minh Khang của "Cầu vồng tình yêu", hình như phải đến giờ Hồng Đăng mới lại bị gọi bằng tên nhân vật - "Bảo tuần lộc"?

- À, sau "Mê cung" cũng bị gọi Khánh búa nhưng không nhiều như "Bảo tuần lộc" bây giờ. Mặc dù hơi "ngượng" chút nhưng cũng vui vì đó là dấu ấn nhân vật - dù đất diễn không nhiều.

Theo anh, lý do gì khi đất diễn của Bảo tuần lộc không nhiều nhưng lại nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả?

- Diễn viên đa dạng vai diễn là điều tốt nhưng không phủ nhận hiện tại dòng phim tình cảm gia đình đang chiếm lĩnh số đông khán giả.

Nhân vật Bảo từ đầu phim đến giờ xuất hiện không nhiều nhưng lại là nhân vật đang được tìm kiếm nhiều trong đời sống. Hình ảnh những người phụ nữ nhẫn nhịn, bị ngược đãi vẫn đầy rẫy và như thế thì cần phải có 1 người đàn ông "cứu vớt" mảnh đời tận cùng khốn khổ hôn nhân.

Bảo rơi đúng vào "điểm rơi" đó nên được yêu quý. Anh ta yêu thích còn tính cách công nghệ, máy móc, sửa chữa, yêu công việc hơn tình cảm. Hoặc cũng có thể do anh ta chưa tìm được đúng một nửa để yêu hơn, đam mê hơn công việc.

Tất nhiên cũng phải thừa nhận khán giả cảm thấy thích thú với hình ảnh trở lại thú vị này của tôi nữa (cười).

Với sở thích chơi xe ngoài đời nên nhiều người cho rằng lý do anh nhận vai Bảo là vì nghề nghiệp trong phim đúng với đam mê?

- Thú thật lý do đầu tiên tôi nhận vai này là vì Hồng Diễm. Quay "Mê cung" khá vất vả vì nhiều pha hành động rất mất sức nên tôi đã nghĩ sau khi xong phải nghỉ ngơi một thời gian, "refresh" lại mình và bình tĩnh lựa chọn vai mới. Nhưng khi đạo diễn Vũ Trường Khoa kể tên những diễn viên tham gia "Hoa hồng trên ngực trái", có người tôi chưa từng làm việc như Kiều Thanh, Ngọc Quỳnh... hoặc khá lâu chưa "tái hợp" như Diệu Hương. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là Hồng Diễm.

Cộng với nghề nghiệp trong phim liên quan đến xe cộ và tần suất của nhân vật Bảo không quá dày đặc thì tôi đỡ mệt và có thời gian chăm chút vai diễn hơn.

Rất nhiều lần hợp tác với Hồng Diễm nhưng anh vẫn "say đắm" đến thế sao?

- Tôi và Hồng Diễm đã đóng cặp với nhau khá nhiều nhưng hầu hết đều là cặp tình nhân duyên nợ, trắc trở. Đến bộ phim này thú vị là vạch xuất phát rất trớ trêu khi ai cũng bước qua đổ vỡ, rồi hiểu lầm sẽ tạo ra tình huống, mối quan hệ khác.

Rõ ràng một thanh niên chưa vợ, không vướng bận sẽ "cưa gái" khác cách "cưa" của một người đàn ông từng trải, từng bị "cắm sừng" đổ vỡ. Đó là điều mới nên dù là bạn diễn cũ thì vẫn mới như lần đầu.

Đóng cặp với khá nhiều bạn diễn nữ xinh đẹp nhưng anh từng chia sẻ không bao giờ để cảm xúc ngoài phim với họ. Đó là từ phía anh, còn các bạn diễn thì thế nào?

- Người ta có nói với tôi đâu mà biết (cười). Nhưng đúng là chưa bao giờ tôi được bạn diễn "thả thính".

Có thể một phần do tính cách khi xong việc tôi chỉ muốn về nhà chứ không hay la cà cafe, trà đá, quán xá... Những phim mà nói có mặt tôi ở các buổi chơi chắc đếm trên đầu ngón tay, 1-2 lần. Vì sở thích cá nhân của tôi hơi nhiều.

Diễn viên Hồng Đăng (ảnh nhân vật cung cấp).

Chưa bao giờ hỏi cát-sê

Sở hữu khá nhiều bộ phim nổi tiếng của VFC nhiều người cho rằng anh đang là "con cưng" của nhà đài?

- Đó là suy diễn. Khán giả ngày càng khó tính nên làm nghệ thuật bây giờ yêu cầu thực lực chứ đâu phải chạy chọt, xin xỏ, dùng tình cảm để được vai.

Bây giờ không phải chỉ với VFC mà TVAD khi bỏ tiền đầu tư thì bài toán kinh tế là điều tất yếu. Họ không mạo hiểm đâu!

Trước đây có thể đạo diễn quý người này người kia mà cho vai nhưng bây giờ có cả hội đồng đánh giá, phân tích ưu/nhược điểm từng diễn viên trước khi quyết định cuối cùng. Diễn xuất tốt là vấn đề tiên quyết nhưng không phải tất cả. Kèm theo đó là ý thức, đạo đức nghề nghiệp… Sức trẻ ham chơi nhưng không có ý thức lỡ may xảy ra vấn đề ảnh hưởng sức khỏe, gãy chân, gãy tay… thì đồng nghĩa phim hỏng.

"Mảnh đất VFC" màu mỡ như thế nên gần đây một số diễn viên miền Nam đã ra Bắc và thành công. Anh có nghĩ sự cạnh tranh khó khăn không?

- Tôi không nghĩ đó là khó khăn mà là một phương án tìm kiếm sự mới lạ khá hay của VFC.

Còn sự cạnh tranh thì cũng có và hoàn toàn cần thiết. Diễn viên cần có sự cạnh tranh để liên tục làm mới mình. Ví dụ anh Việt Anh chẳng hạn, anh ấy đi làm mặt để trẻ hơn, có cơ hội thử sức vai diễn khác hơn so với tuổi. Cạnh tranh đấy chứ.

Tôi từng gặp nhiều diễn viên "bê" nguyên hình ảnh từ phim này đặt qua phim khác, bao nhiêu phim vẫn từng ấy bộ quần áo, kiểu tóc tai... Họ không có ý thức làm mới mình thì đạo diễn nhìn cũng chán làm sao có vai diễn mới?

Thành công như thế rồi, cát-sê của anh chắc đã thay đổi khá nhiều?

- Nói thật là 15 năm làm nghề chưa bao giờ tôi hỏi cát-sê. Đoàn làm phim trả bao nhiêu thì tôi nhận. Cách đây 7-8 năm khi tôi xác định làm nghề vì tiền nhưng cũng không hỏi cát-sê. Tôi chỉ muốn làm thật nhiều phim để kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng làm rồi thì biết, cát-sê đóng phim không mang lại kinh tế quá lớn.

Vì miền Bắc làm phim quá cẩn thận, thời gian làm phim gần gấp 2-3 lần so miền Nam mà kinh phí lại thấp hơn nhiều. Tôi đã từng không ít lần phải bỏ nghề để đi làm kinh tế. Đến khi kinh tế tạm ổn, tôi quay lại với nghề. Ở lần cuối quay lại với nghệ thuật là trong tâm thế "chơi với nghề".

Bây giờ đi làm vì đam mê nên diễn xuất thăng hoa, hiệu quả hơn thì lại có những thu nhập ngoài nghệ thuật (cười).

Có lần anh chia sẻ thu nhập phần lớn anh dành cho sở thích chơi xe?

- Chơi gì thì chơi nhưng gia đình vẫn phải ưu tiên chứ. Sở thích chơi xe cũng là để phục vụ giải trí cá nhân sau những ngày đi quay quá mệt. Chơi chừng mực chứ không thể chơi hết phần các con được.

Trong phim "Hoa hồng trên ngực trái" nhân vật chồng cũ của Khuê (Hồng Diễm) khá nặng tư tưởng con trai - con gái. Anh có hai cô con gái, vậy có khi nào nghĩ chuyện nếp - tẻ không?

- Tôi không quá quan trọng chuyện nếp - tẻ, nếu không thì đã đẻ thêm lâu rồi dù vợ cũng rất muốn. Đẻ một đứa trẻ không phải khó, chọn nếp chọn tẻ không phải vấn đề mà cơ bản là nuôi dạy con thế nào mới quan trọng. Thực tế là hiện tại 2 vợ chồng tôi đều bận rộn công việc. Hai con lớn rồi nên có thời gian thì cùng nhau vui vẻ, đưa cả gia đình đi du lịch đây đó. Thế là hạnh phúc rồi!

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Theo Ngọc Mai/Gia đình & Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo