Văn hóa

Điều đặc biệt ít biết về anh trai tài năng của Khánh Thi

Trong khi Khánh Thi Nam tiến từ lâu và ngày càng có ảnh hưởng trong làng giải trí thì Xuân Huy âm thầm làm công trình tưởng như không tưởng: Chế tác đàn violin bằng sứ.

Nghệ sỹ Xuân Huy biểu diễn cùng cây đàn violin bằng sứ mạ vàng

Không thích “lộ mặt” song ai quan tâm đến Xuân Huy chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ “biết tuốt”: Học đàn violin từ năm 8 tuổi, vào Nhạc viện năm 9 tuổi. 13 tuổi tham gia cuộc thi vĩ cầm trẻ tại Ba Lan, đứng thứ 16 trên tổng số hơn 100 thí sinh và giành giải phụ…

Năm 1988, đỗ thủ khoa Khoa violin, Nhạc viện Hà Nội, nhận học bổng du học tại Liên Xô. 18 tuổi, được các giáo sư giới thiệu thi vào dàn nhạc giao hưởng Century do công nương Diana tài trợ, có cơ hội biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Xuân Huy chiến thắng hàng trăm thí sinh để đứng trong top 15 thành viên của dàn nhạc….

Anh về nước 21 năm nay. Nhưng khán giả hiếm khi được thưởng thức tài năng của Xuân Huy, bởi anh có “qui tắc” riêng: Không bao giờ “đánh” nhà hàng, “đánh” tiệm để kiếm tiền, ngay cả khi “đói” nhất. Không phải vì anh cố giữ sự sang chảnh mà vì mỗi người có một lựa chọn khác nhau: “Tôi là người dám bỏ đi tất cả, bỏ cả biên chế nhà nước. Mỗi năm tôi chỉ biểu diễn ở Nhà hát Lớn 1,2 lần. Đã chơi, chỉ chơi trên sân khấu lớn”, anh bày tỏ quan điểm. Chơi trên sân khấu lớn thì lấy đâu ra tiền? Bởi thù lao có khi chỉ một, hai triệu đồng mà phải tập hàng tháng.

Cho nên, khi Xuân Huy lao vào chế tác đàn violin bằng sứ, người thân của anh, nhất là cô em gái Khánh Thi không khỏi lo lắng. “Nữ hoàng dancesport” từng giãi bày trên báo chí: Cô không hiểu vì sao anh trai không chịu an phận đi kiếm tiền nuôi gia đình, lại lao vào chế tác đàn violin? Nhưng chẳng ai ngăn được Xuân Huy. Mất một năm xây dựng ý tưởng chế tác đàn violin bằng sứ nhưng anh mất 4 năm để biến ý tưởng thành hiện thực.

Lựa chọn sứ để chế tác đàn violin, Xuân Huy thấy “sứ là chất liệu trường tồn theo thời gian”. Nghệ sỹ đến gõ cửa các lò, xưởng nổi tiếng, họ nói với anh không thể làm được một cây đàn violin bằng sứ. Anh vẫn tin ở mình và tự mày mò. Anh tự đặt áp lực cho mình, phải làm được cây đàn đẹp về hình thức, phát ra âm thanh đạt chuẩn so với nó: “Đừng so sánh sứ với gỗ hay thủy tinh. Gỗ kêu theo tiếng gỗ, thủy tinh kêu tiếng của thủy tinh. Đừng qui đồng mẫu số khi đánh giá một sự việc”, anh nhấn mạnh.

Chế tác đàn violin bằng sứ, Xuân Huy hướng tới mục đích trưng bày, giống như tranh, nên đòi hỏi tính mỹ thuật cao. Tôi muốn Xuân Huy kể thêm về những gian nan trải qua, anh hài hước dẫn lời Beethoven: “Ông ấy nói: Tôi viết bản nhạc này chỉ bằng lọ mực. Chế tác đàn cũng thế thôi, chỉ là tí đất cho vào… nung ra cây đàn. Đừng nói chuyện mồ hôi, công sức ở đây”.

Đàn violin bằng sứ chỉ nặng 800gr. Tác phẩm có tính trưng bày này là tâm huyết lớn của nghệ sỹ: “Cây đàn do tôi làm ra sẽ có chữ ký của tôi. Giống như họa sỹ vẽ tranh, mỗi một cây đàn do tôi làm ra đều là độc bản, không có 1, số 2, hay số 3”. So với một tác phẩm hội họa, đàn violin bằng sứ ngoài trưng bày còn có thể sử dụng vì có ưu điểm phát ra âm thanh, đáp ứng được người chơi trên nó.

Nghệ sỹ Xuân Huy từng biểu diễn với cây đàn violin bằng sứ mạ vàng do mình chế tác cùng dàn nhạc thính phòng Yokohama Sinfonietta dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Toshiki Usui. Đó là buổi biểu diễn tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (tối 1/6/2018), trước sự chứng kiến của Nhật hoàng Akihito, hoàng hậu cùng nhiều quan chức cấp cao của Nhật Bản và Việt Nam.

Chế tác một cây đàn như một tác phẩm nghệ thuật kỳ công, nên giá của nó cũng không hề rẻ. Không tiết lộ giá cả cụ thể, anh chỉ nói bóng gió: “Giá của nó thì... rất là giá”. Cho nên phân khúc khách hàng của đàn violin bằng sứ còn hẹp hơn tranh. Có lẽ, người sở hữu nó phải là khách “VIP”.

Đã chọn phân khúc cao sang nhưng Xuân Huy còn kén chọn khách hàng. Không phải ai có nhu cầu và đủ sức mua đàn, anh cũng bán: “Tôi phải xem người ta đối xử với nó như thế nào. Bán đàn tôi giải quyết được vấn đề tài chính nhưng nếu người ta chỉ đem đàn cất vào tầng hầm thì tôi không muốn bán. Tôi cần lan tỏa câu chuyện về cây đàn của tôi, giống như câu chuyện cổ tích, cần kể cho người khác nghe”. Tò mò hỏi, anh đã bán được cây đàn nào chưa, Xuân Huy khai: “Có đâu mà bán”. Anh kể, có 4 “đứa con” thì đều được “rước” hết rồi.

Cả năm qua anh cũng chưa làm thêm một cây đàn nào. Xuân Huy vừa được trao bằng xác lập kỷ lục “Người chế tác và biểu diễn đàn violin bằng sứ đầu tiên tại Việt Nam”. Một kỷ lục thế giới cũng là điều nghệ sỹ hướng đến. Anh cũng mong muốn “đứa con” do mình sinh ra trong tương lai sẽ được góp mặt ở những viện bảo tàng danh giá trên thế giới.

Theo PV/Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo