Đinh Hoài Xuân - Nữ tiến sĩ Cello đầu tiên của Việt Nam
Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân được biết tới với các dự án nhạc nhẹ hóa cello. Với 2 MV công phu nhạc Trịnh Sóng về đâu và bán cổ điển Hướng về Hà Nội, Hoài Xuân bắt đầu có chỗ đứng trong thị trường. Tuy nhiên, khi cái tên dần đến với công chúng, Đinh Hoài Xuân lại gây bất ngờ bởi quyết định bỏ lại tất cả để theo học Tiến sĩ chuyên ngành Cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bucharest, Rumani.
Sau nhiều năm miệt mài rèn rũa trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp của Rumani, Đinh Hoài Xuân đã hoàn thành việc học, chính thức nhận tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành Cello. Cùng lắng nghe những chia sẻ của người nghệ sĩ tài năng này qua cuộc trò chuyện ngắn dưới đây.
Cảm xúc của chị khi nhận tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành Cello ra sao?
- Đối với Xuân, việc học không bao giờ là đủ cả.
Để có được tấm bằng này, chắc hẳn chị đã trải qua không ít khó khăn?
- Quãng thời gian học ở Romania là quãng thời gian vừa gian khó nhất, cực khổ nhất của tôi vừa là quãng thời gian tôi được lớn lên rất nhiều. Nó gắn với những chuyển giao giai đoạn của tôi trong âm nhạc và cuộc sống. Tôi vẫn luôn nghiêm túc với việc tập luyện và biểu diễn cổ điển. Để mong có những chương trình hòa nhạc ngày càng chất lượng chuyên nghiệp hơn bắt buộc tôi tập luyện không ngừng nghỉ. Đầu ngón tay có chai sạn, rồi lại đỡ, rồi lại chai. Chuyện đó với tôi là chuyện bình thường.
Điều gì khiến chị quyết định tạm dừng công việc vốn đang khá thuận lợi để theo học tiến sĩ?
- Xuân cảm thấy nếu có cơ hội để được học thì đó là điều tốt, học để biết, để hiểu, để trưởng thành hơn. Biết về khả năng và giới hạn của bản thân, hiểu về chuyên môn và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Và sau những khó khăn đó, chị đã trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên ngành biểu diễn Cello ở Việt Nam...
- Những năm qua, tôi cũng có nhiều dịp đươc gặp gỡ, tiếp xúc, nghe giảng dạy và nghe biểu diễn của nhiều nghệ sẽ Cello nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nghệ sỹ mà tiếng đàn của họ làm say đắm mê mẩn lòng người, không một trường lớp nào có thể có khuôn mẫu để đào tạo ra được những điều tuyệt vời như vậy. Và cũng có nhiều người vừa là tiến sỹ, vừa là giáo sư và cũng là nghệ sỹ biểu diễn Cello tuyệt đỉnh.
Tôi nghĩ dù là người đầu tiên hay người cuối cùng đều không quá quan trọng mà quan trọng hơn cả là người nghệ sỹ đó có thể truyền tải được những cảm xúc và ý nghĩa thực sự của âm nhạc đến với cuộc sống, đến với khán giả hay không.
Chị có thể chia sẻ thêm về dự án mới - Cello Fundamento?
- Học phần của tôi thì bắt buộc có phần hoạt động biểu diễn. Nhưng với đề tài của tôi là "Cello in Vietnam-performing and popularizing" (biểu diễn và phổ biến cây đàn Cello tại Vietnam) thì hiện tại chưa có nhiều tài liệu để nghiên cứu. Vì vậy, tôi đã sáng lập nên một dự án Cello Fundamento gọi tắt là CF để có luôn những chỉ số thực tiễn về cả biểu diễn lẫn phổ biến để đưa vào đề tài nghiên cứu và chứng minh được đề tài đó có tính khả thi thực tế thể hiện trên dạng văn bản khoa học.
Chị có có đặt kỳ vọng dự án CF của mình sẽ được để cử giải thưởng Cống hiến?
- Tôi không nghĩ đến những giải gì ngoài việc luyện đàn và kiên định với con đường đi của mình.
Cây Cello đã và đang trở nên hot trên thế giới với nhiều phong cách khác nhau, liệu sẽ có một Đinh Hoài Xuân với Cello cũng trở nên hot hơn ở Việt Nam?
- Bởi tôi xác định chinh phục âm nhạc cổ điển bằng các buổi diễn trên thế giới và cả ở Việt Nam là con đường đi của tôi, nên các phong cách khác có lẽ tôi chưa để ý đến nhiều, nhưng nếu có dịp kết hợp để làm cây đàn Cello ngày càng phổ biến hơn với khán giả Việt Nam thì tôi cũng muốn tìm hiểu. Nhưng thú thật, thế giới âm nhạc cổ điển về Cello đã chiếm hết toàn bộ tâm hồn âm nhạc của tôi rồi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo