Độc đáo tục “bắt chồng” ngày Xuân của con gái Tây Nguyên
Câu chuyện Phật giáo về câu hỏi: Người chết có thể mang theo gì? / Đây là 3 ‘vùng cấm địa’ của người đàn ông, phụ nữ khôn ngoan đừng nên đụng chạm
Vào thời điểm cuối đông đầu xuân tiết trời ấm áp, những cánh hoa Pơ lang nở đỏ rực trên nền trời xanh Tây Nguyên cũng là lúc các thiếu nữ của một số dân tộc như Chu Ru, Cil, Cơ Ho…cũng rộn ràng với mùa “bắt chồng”.
Nguồn gốc của tục lệ độc đáo này bắt đầu từ việc các dân tộc kể trên ở Tây Nguyên họ vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, tức là đàn bà sẽ là người trụ cột làm chủ gia đình còn đàn ông thì phải đi ở rể. Vì vậy, khi các thiếu nữ tại các dân tộc này đến tuổi “cập kê” thì sẽ có quyền được “bắt chồng”.
Trước khi tiến hành “bắt chồng” các cô gái ở đây phải nhờ bà mai bà mối sang tận nhà trai để thăm dò trước một thời gian rất dài để tìm hiểu về thân thế cũng như lai lịch, nhân cách của đức lang quân tương lai của mình.
Khi đã phải lòng một chàng trai nào đó, cô gái liền về thông báo cho cả gia đình và dòng họ mình được biết. Gia đình sẽ đi nhờ bà mối cùng với ông cậu sang nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ cùng đồng ý thì họ sẽ bàn bạc và chọn một đêm đẹp trời, tốt lành để cô gái đến đeo nhẫn vào tay người con trai. Nếu sau đêm đẹp trời đó mà chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay thì có nghĩa là cách thể hiện sự chấp thuận muốn cưới cô gái đó về làm vợ.
Còn sau khi trao nhẫn cho người trong mộng mà người con trai không ưng thì họ cũng tìm cách khước từ một cách tế nhị. Nếu cô gái vẫn nhất quyết muốn bắt chàng trai này về làm chồng thì sau 7 ngày, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến nhà chàng trai để trao nhẫn lại cho đến khi anh ta chịu chấp nhận thì mới thôi.
Khi ngón tay của chàng trai đã có chiếc nhẫn của nhà gái thì chàng trai chính thức trở thành chàng rể. Nếu không đồng ý, chàng trai tháo nhẫn trả lại nhà gái (hay còn gọi là cưa nhẫn) thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị trâu, rượu đền cho nhà gái. Còn khi hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Nhà trai chủ động đưa ra yêu cầu về lễ vật dẫn cưới và được hai bên cùng chấp nhận.
Độc đáo tục “bắt chồng” ngày xuân của con gái Tây Nguyên (ảnh minh họa).
Chỉ đến khi gia đình 2 bên đồng ý, lễ hội bắt chồng mới được chuẩn bị. Trong thời gian chuẩn bị “bắt chồng” về nhà, cô gái được gia đình đưa đến nhà trai ở 7 ngày. Thời gian này, cô gái phải thể hiện năng khiếu và bản lĩnh của mình trong việc phụ giúp gia đình nhà chồng làm những công việc hàng ngày như: Nấu cơm, cắt cỏ, lên rừng lấy củi... Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Sang đến ngày thứ 8, không thấy con gái mình về thì lúc đó gia đình nhà gái sẽ mang lễ vật sang đón con gái và con rể về. Khi sang đón rể về nhà gái phải chuẩn bị lễ vật, đó có thể là một con heo hoặc trâu, bò và lương thực, thực phẩm đủ để làm cỗ cho cả hai nhà và thết đãi họ hàng, bà con chung vui.
Chuyện “bắt chồng” của những cô gái ở đây chỉ diễn ra vào một mùa trong năm. Thường thì mùa “bắt chồng” được tính từ mùng 1 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để các thiếu nữ tỏ tình và cầu hôn với người thương của mình. Điều đó không chỉ thể hiện ước muốn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, mà còn là cơ hội để các thiếu nữ thể hiện những phẩm chất đáng quý trong việc xây dựng tổ ấm gia đình.
Theo phong tục truyền thống, lễ hội “bắt chồng” diễn ra qua 4 nghi lễ: Nau Rwang (dạm); Nautơnia (hỏi); Bơng Khiang gơu (cưới) và Nau choă (thăm nhà). Nhà gái chuẩn bị lễ vật bắt chồng gồm: Một con gà, trầu cau, thuốc lá, rượu cần, nhẫn bạc và lễ tặng gia đình nhà trai gồm: 10 dây cườm, 10 lá khăn và một số lễ vật phục vụ chăn nuôi, sản xuất.
Sau khi trao đổi giữa đại diện nhà trai và nhà gái, cả hai bên thuận tình, đại diện nhà gái sẽ trao nhẫn cho chàng trai và cô gái cùng các lễ vật đã chuẩn bị sẵn cho nhà trai.
Trong đêm hội này, hai bên thông gia và khách mời ăn uống vui vẻ, múa hát và đấu chiêng mừng ngày vui của cô dâu, chú rể. Sau lễ cúng tổ tiên nhà trai, hai bên hát đối đáp, rồi cùng nhau ăn uống, nhảy múa cả ngày, cả đêm. Màn đấu chiêng cũng là một phần không thể thiếu trong lễ cưới. Qua phần đấu chiêng này, những mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui và vun đắp cho hạnh phúc lứa đôi.
Dù ở chung hay ở riêng thì chàng rể vẫn luôn tận tụy giúp việc cho nhà vợ, sống theo phong tục tập quán, yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giữ trọn đạo hiếu với dòng họ và cha mẹ hai bên.
Theo tục lệ của các dân tộc vẫn theo chế độ mẫu hệ thì người phụ nữ quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngay cả trong hôn nhân, họ cũng là người chủ động và con cái sinh ra đều mang họ mẹ. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người chồng không vì thế mà bị xem nhẹ.
Tục bắt chồng của các dân tộc ở Tây Nguyên hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên, góp phần tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn và đa dạng trong văn hóa của vùng đất này.
Đến thời điểm hiện tại, khi xã hội đã phát triển, mọi người tiếp cận gần hơn với văn minh, hôn nhân đã chủ động hơn, mọi người luôn tự do tôn trọng nhau, hầu hết các cặp đôi đều đã có thời gian yêu đương tìm hiểu nhau rồi mới quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên các dân tộc Tây Nguyên vẫn giữ phong tục này như một nét đẹp văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng miền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo