Đón Tết Nguyên đán của đồng bào Khmer miền cực Nam Tổ Quốc
Về Cà Mau nao nao nhớ khúc dồi đẻn / Nếm thử đặc sản “ăn một lần, nhớ một đời” ở Cà Mau
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh tất bật chào đón Tết, trang hoàng nhà cửa, mua sắm để đón Tết. Nhiều gia đình mua các loại bánh mứt để tiếp đãi người thân, bạn bè vào đầu năm mới. Mặc dù, Tết Nguyên đán không phải là Tết cổ truyền của bà con đồng bào dân tộc Khmer nhưng từ lâu Tết Nguyên đán đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vào những ngày Tết, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, ý nghĩa được tổ chức càng làm tình cảm của bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer càng thêm gắn bó, đoàn kết.
Đồng bào dân tộc Khmer trang hoàng nhà cửa đón Tết Nguyên đán 2023.
Theo ông Đào Tư, ngụ ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh cho biết, Tết Nguyên đán hàng năm, thường bà con mình cũng tham gia các hoạt động chung vui cùng với đồng bào dân tộc Kinh. Ngày đầu năm mới chúng tôi thường đến thăm nhà và chúc nhau những điều may mắn trong năm mới. Năm 2023, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bà con mình ai cũng bình an, hạnh phúc và làm ăn ngày càng khấm khá để vươn lên.
Theo ông Danh Hoài Riêm, Trưởng ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, ngày Tết Nguyên đán thường là dịp con cháu được nghỉ để về sum họp với gia đình. Do đó, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị bánh mứt và cùng ngồi quây quần để chung vui bên nhau. Đã thành thông lệ rồi, nên ngày Tết Nguyên đán cũng ý nghĩa như Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer mình vậy, ai cũng vui vẻ và cầu chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Năm 2022 vừa qua, do tác động của dịch COVID-19 nên đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer xã Khánh Hòa, huyện U Minh đối mặt với không ít khó khăn. Mặc dù vậy, với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với quyết tâm và nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất đã giúp cho bà con đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 6 có những đổi thay tích cực. Phần lớn các hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chăm lo hỗ trợ vốn, phát triển sản xuất, nhiều hộ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Lâm Cường, ngụ ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh thì chia sẻ, trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, do không đất sản xuất nên đời sống cũng bấp bênh dữ lắm. Nhờ sự hướng dẫn hỗ trợ tận tình từ phía chính quyền địa phương, gia đình cũng quyết tâm phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo. Vừa qua, gia đình tôi được hỗ trợ căn nhà, vợ chồng mừng dữ lắm. Tết này, được đón Tết trong căn nhà mới, vợ chồng tôi cũng bảo nhau ráng cố gắng làm ăn, không để phụ lòng những người đã quan tâm, hỗ trợ mình.
“Gia đình tôi có 6.000m² đất trồng rau màu. Năm nay, ngoài trồng các loại dưa leo, rau cải truyền thống thì tôi cũng trồng thêm bắp, khổ qua... để phục vụ thị trường Tết. Giá cả vụ màu năm nay có tăng hơn mọi năm nên gia đình rất phấn khởi khi có nguồn thu nhập khá để đón Tết. Tôi mong trong năm mới mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, bà con mình làm ăn ngày càng tấn tới”, đó là chia sẻ của ông Kim Tây, ngụ ấp 6, xã Khánh Hòa.
Tết Nguyên đán Quý Mão đã về, không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp các nẻo đường. Những đổi thay tích cực trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh đã góp phần làm cho mùa Xuân ngày càng ý nghĩa và trọn vẹn hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hoà, huyện U Minh Phạm Mỹ Cầm cho biết, ấp 6, xã Khánh Hòa là địa phương có đông bà con đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hiện tại trên địa bàn ấp có 131 hộ đồng bào dân tộc Khmer nhưng có hơn 80 hộ khá giàu và chỉ còn 25 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo.
"Đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay bà con trên địa bàn ấp 6, xã Khánh Hòa có thêm nhiều niềm vui khi nhiều hộ gia đình có những đổi thay tích cực trong cách nghĩ, cách làm, phấn đấu lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày thêm khởi sắc”, Phó chủ tịch Phạm Mỹ Cầm nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo