Văn hóa

Gần 100 năm, bộ phim “Kiều” thứ hai được ra mắt công chúng

DNVN - Mười năm ấp ủ, hai năm thực hiện, phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền ra rạp các suất chiếu đặc biệt từ 19 giờ, từ ngày 7 đến hết ngày 8/ 4 và công chiếu chính thức từ ngày 9/4 trên các rạp toàn quốc.

Có 1 tài tử cứ đi ăn cưới là chị em thi nhau muốn bắt về... cưới luôn: Visual "nghẹt thở", chụp vội cũng thành poster phim / "Trở về giữa yêu thương" tập 32, phần 2: Toàn mang đơn ly hôn đưa cho Yến

Phim "Kiều" của đạo diễn Mai Thu Huyền chính thức ra rạp từ ngày 7/4/2021.

Phim "Kiều" của đạo diễn Mai Thu Huyền chính thức ra rạp từ ngày 7/4/2021.

Như vậy có thể nói là gần 100 năm kể từ 1923 đến nay, đây là lần thứ hai Truyện Kiều được dựng thành phim. Theo Từ điển mở Wikipedia, vào năm 1923, Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương tiến hành sản xuất bộ phim truyện Kim Vân Kiều. Phim do Famechon và nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh chuyển thể thành kịch bản điện ảnh mà không có sự thay đổi đáng kể nào về tình tiết. Phim dài 1500m, phần ngoại cảnh được quay ở các vùng phụ cận của Hà Nội: Dinh Từ Hải là sân Chùa Láng, nơi Kiều viếng mộ Đạm Tiên là nghĩa trang Yên Thái, cổng làng Thọ là nhà Tú Bà. Các vai diễn do các đào kép của ban tuồng Quảng Lạc đảm nhiệm. Phim được công chiếu vào ngày 14 tháng 3 năm 1924 tại nhà Cinéma Palace phố Tràng Tiền.

Gần 100 năm sau, phim Kiều của Mai Thu Huyền không tái hiện toàn bộ Truyện Kiều như phim Kim Vân Kiều của Famechon, mà chỉ là lát cắt về cuộc đời của Thúy Kiều ở giai đoạn sau khi bán mình chuộc cha và rơi vào lầu xanh. Nó không phải là một bộ phim chuyển thể mà là bộ phim lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, có những chi tiết sáng tạo hơi khác so với nguyên tác nhưng vẫn giữ những cái cốt lõi của tác phẩm. Phim xây dựng theo thể loại cổ trang, fantasy (giả tưởng), xoay quanh mối quan hệ tình cảm và những ràng buộc giữa 3 nhân vật chính: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư với thông điệp đề cao khát vọng tình yêu và tự do. Phim dài 90 phút và được thực hiện với một đội ngũ chuyên nghiệp: Mai Thu Huyền đạo diễn kiêm Giám đốc sản xuất của phim, Phi Tiến Sơn tác giả kịch bản và đạo diễn hình ảnh, Nguyễn Đăng Khoa phó đạo diễn, Trần Bửu Lộc điều hành sản xuất, hoạ sĩ thiết kế Vi Ngọc Mai, nhà thiết kế phục trang Thủy Nguyễn, giám đốc âm nhạc Bùi Huy Tuấn. Về diễn viên, có những tên tuổi nổi tiếng: NSND Lê Khanh trong vai Hoạn Bà; Hiếu Hiền trong vai Hiền Bá; Cao Thái Hà trong vai Hoạn Thư; Long Đẹp Trai trong vai Mã Giám Sinh; Ca sĩ Phương Thanh trong vai Tú Bà; Mỹ nam Lê Anh Huy trong vai Thúc Sinh; Người mẫu, diễn viên Trình Thị Mỹ Duyên trong vai Thúy Kiều…Phim được thực hiện trong gần 2 năm với một lượng kinh phí không hề nhỏ, trên hàng chục tỷ đồng, bấm máy tại 6 tỉnh thành là Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và TP.HCM với ê-kíp hơn 100 con người.

Diễn viên Trình Thị Mỹ Duyên giao lưu với khán giả Hà Tĩnh.

Diễn viên Trình Thị Mỹ Duyên giao lưu với khán giả Hà Tĩnh.

Có thể nói, thực hiện phim “Kiều” là một quyết định rất dũng cảm của Mai Thu Huyền vì rằng nó rất khó. Điều này được minh chứng qua một con số rất giản dị: gần 100 năm, Truyện Kiều được thể hiện qua rất nhiều các loại hình nghệ thuật: sân khấu, âm nhạc, hội hoạ, ba lê… nhưng về điện ảnh chỉ mới có bộ phim thứ hai. Nhà thơ Vương Trọng, một người mê, thuộc, am hiểu Truyện Kiều đã phân tích rất rõ về cái sự khó này: “Làm phim về Truyện Kiều thật khó hay, không chỉ vì nàng Kiều trong thơ quá đẹp làm cho điện ảnh khó theo, mà chính là phim thì phải dựa vào cốt truyện của Kim Vân Kiều Truyện, không có gì thật đặc sắc. Cái hay của Truyện Kiều là ở lời thơ, ở văn chương, chứ ko phải ở cốt truyện. Bởi vậy, với Truyện Kiều, thì dựng kịch thơ, kịch hát dân ca sẽ có nhiều ưu thế hơn phim truyện, vì lúc đó tác phẩm khai thác được cái hay văn chương của Truyện Kiều”.

Đoàn làm phim và lãnh đạo huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm trước tượng Nguyễn Du.

Đoàn làm phim và lãnh đạo huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm trước tượng Nguyễn Du.

 

Mai Thu Huyền tâm sự, khó nhất khi thực hiện phim “Kiều” là tìm được điễn viên đóng vai nàng Kiều. Vì vậy thành công của phim Kiều là đã tìm ra được nàng Kiều Trình Thị Mỹ Duyên. Đúng là “trà Thái, gái Tuyên” cô người mẫu Trình Thị Mỹ Duyên sinh năm 1995 đến từ tỉnh Tuyên Quang từng gây ấn tượng với khán giả tại chương trình The Face 2017, là người đẹp đoạt danh hiệu "Người đẹp áo dài" trong cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 đã nhập vai rất thành công. Đạo diễn Phi Tiến Sơn trong chuyến cùng đoàn làm phim về Hà Tĩnh dâng hương Đại Thi hào Nguyễn Du (ngày 23/3/2021) đã tâm sự với tôi: “Mỹ Duyên đến giờ vẫn chưa thoát khỏi vai diễn. Anh thấy đấy gần hai ngày đi với chúng ta cô ấy rất ít khi cười, khuôn mặt cứ phảng phất một nỗi buồn sâu lắng, rất khác với Duyên trước khi đóng Kiều”.

Riêng Mai Thu Huyền, ngoài nhiệm vụ đạo diễn kiêm giám đốc sản xuất, cô Thanh Trúc của “Những ngọn nến trong đêm” ngày nào nhập vai Đạm Tiên. Đạo diễn Phi Tiến Sơn rất tự hào cho rằng đây là một sự sáng tạo rất đáng nói của phim “Kiều”. Vì trong Truyện Kiều Đạm Tiên là nhân vật “ma”, không rõ hình hài và xem như là một định mệnh báo trước của Kiều. Trong phim “Kiều”, nàng Kiều luôn phải đấu tranh chống lại Đạm Tiên, phản kháng lại Đạm Tiên để thoát khỏi định mệnh. Và ngược lại Đạm Tiên luôn cố buộc cái định mệnh xấu vào Kiều.

Còn có nhiều cái mới, cái hấp dẫn mà trong khuôn khổ bài viết này không cho phép vì vậy khán giả nên chiêm nghiệm qua xem phim “Kiều”. Có thể có rất nhiều ý kiến khác nhau về phim “Kiều” của Mai Thu Huyền nhưng với tôi, phim “Kiều” là một thành công, một nỗ lực đáng ghi nhận, đáng trân quý và đáng ủng hộ. Và không chỉ tôi, ngay buổi chiếu đầu tiên trong toàn quốc, vào 19h30 ngày 7/4, Rạp CGV Vincom Hà Tĩnh có sức chứa 242 chỗ ngồi đã không còn chỗ trống.

Thái Văn Sinh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm