Văn hóa

Giấc mơ về làng

Nắng như đổ lửa trên các cung đường, mái nhà, ngọn cây, cửa hiệu. Không khí phố thị như đặc quánh lại trong những ngày nắng oi ả tháng 6.

Hương Tràm - Quán quân The Voice mùa đầu tiên 'làm mưa làm gió' năm 17 tuổi giờ ra sao? / Vẻ 'ngố tàu' của mỹ nam mỹ nữ mới vào nghề: Trấn Thành trẻ măng, Lan Ngọc khó nhận ra

Nhà bố mẹ chồng tôi, phía trước nhà là con mương nhỏ, kênh dẫn nước cho nội đồng. Vượt ra ngoài con mương ấy là ruộng đồng rộng thoáng đãng. Ngày trước, khi bố mẹ chồng tôi còn sống, ông bà thường mắc võng vào cây nhãn ngoài bờ ao, trưa hè hoặc chiều tối cả nhà ra đó nằm võng hóng mát. Hàng xóm cũng qua chơi uống chén trà tươi mẹ chồng tôi nấu. Ngồi đây nhìn ra cánh đồng, thấy xanh mát dịu nhẹ, thích thú vô cùng.

Giờ đây bố mẹ chồng tôi đã khuất núi, cánh võng cũng buông rơi. Con mương giờ nước đen đặc, nhiều nhà xả thải thẳng ra mương, nhiều ngày tích tụ lại thành ra ô nhiễm.

Nhưng sức nóng của ngày hè tháng sáu thì dường như vẫn đang thử thách sự chịu đựng của con người. Cơn nóng khiến tôi nhớ về làng. Mà hình như, làng quê bây giờ cũng nóng hơn trước đây thì phải. Dù có thoáng khí hơn do có ruộng đồng, bờ bãi, ao hồ, nhưng cơn nóng cũng như vắt kiệt sức của nhiều người. Cùng với bê tông hoá đường làng, tấc đất tấc vàng, nhà nào cũng rào giậu xây tường giữ đất. Ao nhà gần như biến mất hoặc thành ao tù nước đọng, khiến ngọn gió cũng khó có thể mát mẻ.

Những ngày tháng sáu trước năm chín mươi của thế kỷ trước, làng quê tôi còn chưa có điện. Đêm đến, trải chiếu ra hè hóng cơn gió từ đồng ruộng thổi vào, cho đến khi sương đêm rơi mới vào nhà. Chiếc quạt nan, quạt mo cau là vật dụng gắn bó với người dân làng quê. Quạt dùng đến khi nan bung ra thì đan nan mới, hoặc lấy vải khâu lại, đến khi từng sợi nan giòn, đứt rụng gần hết mới mua chiếc khác. Nhiều đêm nóng quá không ngủ được, đến khi chợp mắt lại giật mình thức giấc vì mồ hôi ròng ròng ướt đẫm áo.

Sức nóng của tháng sáu, thật như miêu tả của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ nổi tiếng “Hạt gạo làng ta”: “Giọt mồ hôi sa/Những trưa tháng sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy”. Vì thế, người dân trong làng đi cấy đêm để tránh nóng; tát nước cũng ban đêm, nên thơ ca viết “múc ánh trăng vàng đổ đi” là vậy.

Nhưng quê tôi giờ gần như không còn ai cấy tay nữa (có chăng chỉ những góc ruộng mà cơ giới hoá không thể vào được) mà là gieo sạ, mà máy gieo chứ không cần đến người. Làm nghề nông hiện đại, xu thế tất yếu, cũng là sự phát triển của nông thôn mới. Nhưng cuộc sống cần, kiệm của làng thì vẫn còn đó. Trong nhiều thứ phải tiết kiệm, dù cuộc sống đã khá lên, thì điện là thứ gần như được tiết kiệm số một ở nhiều làng quê. Đèn led được dùng phổ biến, tận dụng gió trời, mắc võng ngoài bờ ao để giảm nhiệt những ngày nóng bức. Nhiều nhà khá giả đã dùng điều hoà nhưng cũng chỉ bật rất hạn chế, mà thực tế, không dùng hạn chế cũng không được. Cắt điện luân phiên, quá tải khiến mất điện cũng thường xảy ra ở làng.

Ở làng quê thì vậy, phố thị thì sao? Những ngày này, Bắc Bộ và miển Trung đang hứng đợt nắng nóng cao điểm. Nhiệt độ trung bình từ 37-39 độ C, có trưa ghi nhận ngoài đường nơi phố thị ở mức năm mươi độ C. Không quá khi cư dân mạng chụp ảnh đăng facebook có thể rán trứng trên mặt đường nhựa. Một hình ảnh cho thấy sức nóng như lửa!

Nhiều thời gian trong ngày 1/6 tại Hà Nội, nhiệt độ đạt ngưỡng 52 độ C. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Mỗi ngày, từ sớm ra, đã thấy oi ả, mồ hôi vã ra như tắm. Giờ đi làm, các mẹ, các chị trùm kín mít, kính râm, kem chống nắng, áo chống nắng, không ai còn nhận ra ai. Đến các đấng nam nhi, thường chả khi nào che chắn áo này áo kia dù nắng đến mấy, giờ ra đường cũng phải mặc áo dài tay cài kín, hoặc khoác thêm cái áo che kín người. Những tài xế xe ôm, xe ôm công nghệ còn trang bị găng tay dày, mũ kính.

Nhưng ở thành phố gần cả chục triệu dân như Hà Nội, sức nóng trong ngày tăng lên theo giờ tỷ lệ thuận với độ cao của mặt trời. Càng về trưa và giữa chiều, hơi nóng càng hầm hập, cộng với hơi nóng phả ra từ cục nóng điều hoà hoạt động hết công suất của văn phòng, nhà cao tầng, cao ốc, các trung tâm thương mại, và của nhà dân, khiến không khí như cô đặc lại.

Nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến người dân Hà Nội, đặc biệt là những người bán hàng rong, dễ kiệt sức, mất nước khi phải ở ngoài trời trong thời gian dài. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chiều đến, nhiều người nán lại cơ quan, đợi trời dịu chút đỉnh mới về. Tối đến, khu vực nào thoang thoáng, có hồ nước thì càng hút dòng người đổ về. Một lực hút tự nhiên, với hy vọng giải toả cơn nóng.

Trong cái nóng như nung ấy, vất vả nhất vẫn là những người lao động tự do, những gánh hàng rong, buôn thúng bán bưng khi họ phải liên tục di chuyển ngoài trời. Dưới những tán cây, gầm cầu, trong công viên, không khó bắt gặp hình ảnh những người lao động trú tránh nắng, khuôn mặt đỏ bừng, mệt nhọc.

Và khi cơn nóng chưa dứt, trong gánh nắng cơm áo, nhiều người lại mơ về làng, như một nơi trong lành mát mẻ, mặc cho nhiều nơi làng đã dần lên phố, với nhà cao tầng, điều hoà nhiệt độ và đường bê tông ra tận ruộng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm