Asia Artist Awards (AAA) là lễ trao giải mới được tạo ra từ năm 2016. Trải qua 3 lần tổ chức, chương trình đã vướng phải nhiều điều tiếng về quy mô và sự minh bạch.
Mới đây, thông tin hàng loạt nghệ sĩ Việt, từ ca sĩ đến diễn viên như Erik, Đức Phúc, Ninh Dương Lan Ngọc, Sơn Tùng, Nhan Phúc Vinh... đều rút khỏi danh sách đề cử của lễ trao giải Asia Artist Awards (AAA) 2019 đã thu hút sự chú ý của khán giả.
Các nghệ sĩ đều đưa ra lý do không muốn fan phải tốn khoản tiền lớn đề bầu chọn giành giải thưởng cho mình. Theo đó, việc phải bỏ tới 15.000 đồng/tin nhắn là quá đắt đỏ, đặc biệt với đối tượng người hâm mộ chủ yếu thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên của các sao Việt.
Đứng trước sự rút lui của hàng loạt sao Việt, ban tổ chức buộc phải phải hủy bỏ một hạng mục, đồng thời thay đổi quy chế bình chọn. Tuy nhiên, việc này cũng không thể thay đổi được thực tế là lễ trao giải đã tạo nên ấn tượng xấu trong mắt khán giả.
Áp dụng hình thức bình chọn tính tiền tại Hàn Quốc
Trước những ý kiến của phía nghệ sĩ đưa ra, ban tổ chức (BTC) AAA cho biết lễ trao giải tại Việt Nam được áp dụng đúng quy trình những năm trước đó ở Hàn Quốc. Việc mở cổng bình chọn tính phí cũng làm theo format của chương trình gốc. Ngoài ra, theo BTC, đơn vị chủ quản cũng đã thống nhất về cách thức cũng như mức phí bình chọn.
Cụ thể, vòng bình chọn ban đầu (pre-vote) là miễn phí. Tuy nhiên, khi bước qua vòng tiếp theo (primary vote), người hâm mộ buộc phải tốn tiền để bình chọn cho thần tượng của mình qua hai hình thức: nhắn tin và bình chọn trên trang web.
Ban đầu, với primary vote, chương trình tính giá 15.000 đồng/tin nhắn và 25.000 đồng cho 2 lượt bình chọn (tương đương 2 phiếu) trên trang web chính của giải thưởng. Sau khi vấp phải sự phản đối của khán giả và chính nghệ sĩ, chương trình đã hạ mức giá của mỗi lượt bình chọn.
Cụ thể, ban tổ chức cho phép bình chọn miễn phí tối đa 2 lượt/ngày tại vòng primary vote. Những fan mong muốn bình chọn nhiều hơn 2 lượt/ngày sẽ phải bỏ ra 25.000 đồng cho 10 phiếu.
Trước đó, vòng primary vote không hề có 2 lượt bình chọn miễn phí mỗi ngày. Khi biết về mức giá quá trên, chính người hâm mộ BTS tại Hàn Quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích ban tổ chức tăng giá phiếu bầu để trục lợi.
Thực tế, AAA không phải lễ trao giải hoặc chương trình âm nhạc duy nhất tính phí bình chọn tại Hàn Quốc. Một số giải thưởng lớn như Golden Disc Awards, Seoul Music Awards… hay các show âm nhạc cuối tuần cũng áp dụng hình thức trả tiền để bỏ phiếu ủng hộ thần tượng.
Phần bình chọn bằng tiền trên thường sẽ chiếm từ 20-30% tiêu chí lựa chọn người chiến thắng giải thưởng. Vì vậy, người hâm mộ thường cố gắng bỏ tiền bình chọn để thần tượng đạt giải cao.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, mức phí gửi tin nhắn tại Hàn Quốc là khá thấp, thường 200 won/tin nhắn (khoảng 5000 đồng). So với mức sử dụng tiền của người dân xứ sở kim chi, vài trăm won là khá nhỏ và không đáng kể đối với một cá nhân, trừ khi người này bình chọn từ vài trăm tới cả nghìn lần.
"Ai tới cũng có giải"
AAA là lễ trao giải có "tuổi đời" khá non trẻ, chỉ mới bước sang lần tổ chức thứ 4. Giải thưởng xuất hiện lần đầu năm 2016 với tiêu chỉ vinh danh các tài năng nghệ thuật khắp châu Á.
Dù đặt ra mục tiêu lớn lao nhưng thực tế các nghệ sĩ tham gia giải thưởng AAA có tới 90% là người Hàn Quốc. Có đôi lần, một số nghệ sĩ Hong Kong, Singapore, Việt Nam được mời tới để trao tặng những giải thưởng mang tính động viên.
Chất lượng của khâu tổ chức lễ trao giải cũng có xu hướng giảm dần theo từng năm. Người hâm mộ thần tượng Kpop từng chỉ ra khu vực nghệ sĩ đã "thụt lùi" dần từ ghế ngồi rạp hát trong buổi lễ năm 2016 trở thành ghế ngồi quây quanh bàn tròn vào năm 2017, và tới AAA 2018, tất cả khách mời chỉ được ngồi những chiếc ghế nhựa đơn rẻ tiền.
Ngoài ra, AAA cũng được cho là quá tham khách mời, luôn có hàng chục nghệ sĩ từ ca sĩ tới diễn viên góp mặt trong buổi lễ. Và AAA còn được mệnh danh là "ai tới cũng có quà mang về" khi trao giải cho tất cả những cá nhân góp mặt trong chương trình.
Ban tổ chức chương trình sẽ tạo ra hàng chục giải thưởng được cho là khá khó hiểu nhằm chia đều cho tất cả nghệ sĩ tới dự lễ. Ví dụ, sau khi trao giải thưởng Nghệ sĩ mới của năm (Rookie Of The Year), AAA tạo ra thêm Rising Star, New Wave Award để trao cho những nghệ sĩ mới khác chưa có "phần".
Popularity Award là giải dành cho nghệ sĩ được khán giả bình chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, AAA lại có thêm Choice Award, Favorite Award có tên gọi và tính chất tương tự.
Chi Pu từng góp mặt trong mùa đầu tiên của lễ trao giải vào năm 2016. Cựu hot girl Hà thành nhận giải Nghệ sĩ mới châu Á dành cho diễn viên. Thời điểm đó, nhiều người bày tỏ quan điểm không "phục" khi Chi Pu được vinh danh ở lĩnh vực điện ảnh.
Đỉnh điểm của việc chia giải tại AAA phải kể tới việc 20 ca sĩ và diễn viên cùng được vinh danh Nghệ sĩ của năm (Artist Of The Year) tại AAA 2018.
Tại các lễ trao giải khác của Hàn Quốc, Nghệ sĩ của năm là giải thưởng cao quý, chỉ dành để vinh danh người có nhiều cống hiến và thành tích nổi bật nhất trong năm. Nhưng với AAA, giải này được trao một cách tràn lan, không cần tuân thủ các tiêu chí khắt khe như các buổi lễ khác.
Việc này khiến khán giả Hàn Quốc khá bất bình, thường xuyên chỉ trích ban tổ chức về các vấn đề từ quy mô đến số lượng giải thưởng.
AAA và những lễ trao giải "tiền mất tật mang" của Hàn Quốc
Không chỉ trao giải một cách "vô tội vạ", AAA thậm chí còn vướng vào lùm xùm gian lận phiếu bầu. Năm 2018, giải thưởng này bị tố ăn gian tới 100.000 phiếu bình chọn của Yoona (SNSD).
Theo đó, Yoona liên tục dẫn đầu lượng bình chọn ở hai vòng pre-vote và primary vote tại hạng mục Nữ diễn viên được yêu thích nhất. Tuy nhiên, khi bước sang vòng second vote, người hâm mộ phát hiện nữ diễn viên bị trừ tới 100.000 phiếu không lý do.
Người hâm mộ mỹ nữ nhóm SNSD đã bỏ ra tới hơn 24.000 USD để mua phiếu bầu ủng hộ thần tượng. Theo tính toán, số phiếu bầu bị xóa bỏ (100.000 phiếu) cũng trị giá tới hơn 8.000 USD. Do bức xúc với cách làm việc của BTC, fan của Yoona tuyên bố tẩy chay lễ trao giải AAA 2018.
Cũng trong lễ trao giải này, EXO cũng rơi vào tình trạng bị trừ phiếu bầu một cách khó hiểu. Theo thống kê của người hâm mộ, ban đầu nhóm nhạc nhà SM có 2.030.189 phiếu, nhưng sau khi BTC đóng cửa hệ thống bình chọn, số phiếu bầu chỉ còn lại 1.757.283.
MAMA 2017 từng trừ hàng triệu phiếu bầu của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Khi bị người hâm mộ phát hiện và đe dọa tẩy chay, chương trình chỉ đưa ra lý do "phiếu không hợp lệ" nhưng không hề giải thích cụ thể điểm vi phạm.
Ngoài ra, người hâm mộ còn phát hiện hệ thống bình chọn cho EXO trên trang web không thể hoạt động. Trong khi đó, hệ thống của các nhóm nhạc khác vẫn tính phiếu bầu bình thường.
Tuy nhiều lần nảy sinh nghi vấn gian lận, đồng thời gây bức xúc cho cộng đồng fan, hình thức bình chọn bằng tiền vẫn "sống" tốt và "sống" dai qua rất nhiều lễ trao giải và show âm nhạc. Người hâm mộ dù ca thán hay tức giận nhưng vẫn ngậm ngùi bỏ tiền ra giúp thần tượng giành được chiến thắng tại các hạng mục đề cử.
Vào những lúc như vậy, chính nghệ sĩ mới là người có tác động lớn nhất, có thể giúp fan ngừng "tiền mất tật mang" bằng cách rút khỏi giải thưởng hoặc từ chối được đề cử. Nhưng thực tế, không giống các nghệ sĩ Việt, thần tượng và diễn viên Hàn không thể tự quyết định được vấn đề trên. Vì vậy, hàng năm, người hâm mộ vẫn tốn một khoản tiền khổng lồ cho các hệ thống bình chọn giải thưởng.
Theo Nghiêm Ngọc/Zing News