Gọt hoa thuỷ tiên - thú chơi tao nhã ngày xuân
Bất ngờ trước mức giá quảng cáo trong chương trình Táo Quân: 30 giây bằng 1 chiếc ô tô / Dấu ấn chương trình nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”
Thủy tiên là loài hoa xứ lạnh, chỉ nở vào mùa xuân, nên được coi là loài hoa báo hiệu mùa xuân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với nhiều gia đình ở miền Bắc, chơi hoa thủy tiên dịp Tết Nguyên đán trở thành nét văn hóa từ nhiều đời và thú chơi hoa thủy tiên dịp Tết đã được đẩy lên thành nghệ thuật đúng nghĩa.
Thời học cấp ba, trong một lần tới nhà bạn chơi, tôi rất lấy làm tò mò khi thấy bố của bạn, một thầy giáo dạy môn toán, đang còng lưng tỉ mật gọt tỉa "một củ hành rất to".
Bác ấy đã bật cười ha hả khi nghe tôi thắc mắc: "Bác tỉa hành làm món gì mà kỳ công vậy ạ?". Khi nghe thấy từ "củ thủy tiên", tôi bị "ngợp" mất một lúc rất lâu. Té ra, củ thủy tiên và gọt củ thủy tiên mà mình được đọc rất nhiều lần nó là như vậy...
Tôi ngồi im như tượng, đến hơi thở cũng gần như biến mất để dõi theo từng đường dao xén bén ngọt bóc từng lớp áo" củ trắng muốt, mọng nước. Vết gọt củ phẳng lừ, đẹp mê mẩn. Khi lớp "áo" cuối cùng được bóc ra, một bao hoa nhỏ xíu, xinh xắn he hé hiện ra giữa những lớp bẹ lá xanh vàng óng mượt khiến tôi bật lên tiếng reo đầy ngạc nhiên và thích thú. Lần lượt 9 bao hoa được bàn tay khéo léo của bác ấy "phẫu thuật" bắt ra như vậy.
"Năm nay hứa hẹn có một bát thủy tiên tuyệt hảo. 9 bao hoa mập mạp thế này mà giữ được cả thì không còn gì hoàn hảo hơn", bác ấy thì thầm tựa như đang trò chuyện với củ hoa trên bàn tay đã nhăn bợt vì ngâm nước lâu.
Sau khi gọt xong, bác ngâm củ xuống một chậu nước mưa to, dùng cây chổi lông mềm nhẹ nhàng quét trên bề mặt các vết cắt và các kẽ củ để vệ sinh sạch sẽ, rồi đặt úp củ sang một chậu nước mưa sạch khác.
"Đây là công đoạn "ngâm cầu" để vết cắt củ thủy tiên ra hết nhựa, tự lành. Bác thường "ngâm cầu" khoảng 2 ngày, khoảng 8 tiếng lại thay nước và làm sạch nhựa củ một lần", bác "thuyết minh" cho kẻ ngoại đạo của thú chơi hoa thủy tiên là tôi như vậy.
Kể từ hôm đó, tôi thường xuyên tìm đến để xem bác chăm sóc thủy tiên, cảm nhận sự biến đổi thần kỳ của củ thủy tiên mỗi ngày. Như một sự chia sẻ niềm vui, hôm nào bác cũng chờ tôi tới nhà mới bắt đầu công việc chăm sóc "nàng tiên" đỏng đảnh ấy.
Qua 2 ngày "ngâm cầu", bề mặt vết cắt trên củ thủy tiên đã "liền sẹo", không còn tiết nhựa nữa, bộ rễ đã đâm ra tua tủa trắng ngần, mập ú và những bao hoa đã vươn ra khỏi lớp bẹ lá đang chuyển sang màu xanh đậm, bác tiếp tục dùng dao tỉa tỉ mẩn "xén lá, phá ngọc", cạo cuống bao hoa để làm cho lá, cuống hoa xoăn theo ý.
Sau đó, củ được chuyển sang bình đất nung được thiết kế chuyên dùng để chăm sóc hoa thủy tiên, nom như bó mạ với phần loe phía trên để củ và phần trụ cao 30cm phía dưới làm không gian cho bộ rễ thủy tiên phát triển.
Bắt đầu từ đây, việc dưỡng hoa đòi hỏi phải công phu hơn rất nhiều. Người chăm sóc sẽ phải tự cảm nhận nhiệt độ của nước để duy trì trong khoảng 10-13 độ C.
Nếu trời lạnh hơn, phải đặt chậu ở trong nhà, thậm chí pha thêm chút nước ấm để hoa không bị nở quá muộn. Ngược lại, nếu trời ấm hơn thì phải đặt chậu hoa ở nơi lạnh nhất, phải dùng một số thủ thuật đặc biệt như phết lòng trắng trứng ra ngoài bao hoa để "hãm", không cho hoa nở sớm.
Việc "thúc" hoặc "hãm" được coi là thành công nếu hoa thủy tiên hàm tiếu vào đúng thời khắc giao thừa, dâng lên bàn thờ gia tiên bát thủy tiên hoa nở rộ được xếp, cài theo đúng chủ đề "hạc múa", "rồng bay" hay "phượng hót", lá xoắn xuýt như mây vờn, gió cuốn, bộ rễ hoa trắng muốt, dài như thác nước đổ.
20 ngày trời ngâm tay trong nước buốt lạnh hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày, tỉ mẩn vệ sinh cho từng chiếc bẹ, từng kẽ củ, từng chiếc rễ, bảo đảm bẹ củ giữ được màu trắng ngần, đặc biệt là bẹ rễ, lá và cuống hoa không bị thối, gãy; uốn, tỉa lá, cuống hoa theo chủ đề. Sự công phu, tỉ mẩn và gian nan ấy càng tôn thêm giá trị của bát hoa thủy tiên ngày Tết.
Sau này, khi ra Thủ đô lập nghiệp, tôi có điều kiện hơn để tiếp cận với thú chơi rất tao nhã nhưng cũng rất mực công phu, nhọc nhằn này.
Gần đây, giới trẻ Hà Nội, nhất là học sinh, sinh viên cũng ưa chuộng loài hoa đặc biệt này. Theo đó, dịp giáp Tết, tại các chợ hoa lớn, có tiếng ở Hà Nội như chợ Bưởi, Quảng Bá hay trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đều bán rất nhiều.
Khách hàng có thể mua củ hoa về tỉa hoặc các chậu hoa đã được gọt, tỉa, tạo hình sẵn. Các cửa hàng cũng cung cấp cho người chơi chậu thủy tinh, dụng cụ gọt, đồng thời hướng dẫn cách gọt và chăm sóc.
Mấy năm nay, trời nồm, ẩm nhiều, việc gọt và chăm sóc hoa thủy tiên càng khó khăn hơn nhiều lần bởi củ rất dễ bị thối, hỏng. Những người yêu thủy tiên vẫn đang miệt mài thử nghiệm cách thức chăm sóc mới để thích ứng.
Vốn là người yêu hoa lá nên dịp cuối năm tôi thường mua nhiều loại hoa, cây cảnh, trong đó không thể thiếu hoa thuỷ tiên. Dù bận bịu đến mấy tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để tỉa gọt vài chậu hoa như một cách để thư giãn, rồi chờ đợi, ngắm nhìn thành quả.
Hương thơm dịu ngọt của hoa thủy tiên không biết tự bao giờ đã trở thành một phần Tết tuyệt đẹp của gia đình tôi mỗi năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cát-xê của Ngân 98 là bao nhiêu mà đòi Lương Bằng Quang kiếm 5 tỷ/tháng mới cưới?
Hoa hậu Quế Anh bị bắt gặp qua camera thường, liệu có gây thất vọng?
Trong mắt người nước ngoài Dương Mịch đứng cuối danh sách sao đẹp nhất Trung Quốc, ngạc nhiên khi nhìn thấy vị trí đầu tiên
Sau khi xem các người đẹp trong Tây Du Ký phiên bản 1986, bạn sẽ biết vì sao sao nữ hiện nay không được yêu thích
'Ký ức' bên sông Hàn: Chương trình nghệ thuật chạm đến trái tim
Bà là 'người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc', từng kết hôn hai lần và không có con, hiện đã 72 tuổi mà vẫn xinh đẹp đáng ghen tị