Văn hóa

Hành trình Trang Trần 10 năm làm mẹ cậu bé khuyết tật

Trang Trần nguyện thương yêu con nuôi Bảo Bảo như con ruột, trì hoãn kế hoạch sang Mỹ đoàn tụ ông xã vì không muốn để bé ở Việt Nam một mình.

- Kết hôn với chồng Việt kiều được hai năm nhưng chị chưa sang Mỹ đoàn tụ ông xã. Lý do là gì vậy?

- Có nhiều lý do khiến tôi chưa thể đi vào lúc này. Một là chính tôi không sẵn sàng với cuộc sống mới nơi xứ người, hai là con trai tôi - bé Bảo Bảo.

Bảo Bảo (áo xanh) trong gia đình Trang Trần.

Bảo Bảo là con trai nuôi của tôi. Không nhiều khán giả biết về bé ngoại trừ những người theo dõi Trang Trần từ ngày đầu tới giờ.

- Con trai chị là cậu bé thế nào?

- Ở tuổi 14, Bảo Bảo thực sự là một người đàn ông. Bé sinh ra khiếm khuyết về thân thể nhưng hiểu chuyện và đặc biệt giàu tình cảm.

- Cơ duyên nào giúp chị trở thành mẹ của bé?

- Tôi gặp con khi mình đầy khó khăn: mới vào Sài Gòn, trong tay không có gì, vừa trải qua cú sốc tình cảm đau khổ tới mức vài lần nghĩ tới chuyện muốn từ bỏ cuộc sống. Những ngày đó, hôm nào tôi cũng vào một ngôi chùa ở gần nhà để quỳ dưới tượng Quan Thế Âm khóc nức nở. Tôi thấy mọi cánh cửa như đóng lại: thất tình, sự nghiệp trì trệ, sống lay lắt ở Sài thành khi cát-xê đi diễn lúc đó vỏn vẹn vài trăm nghìn.

Một bữa, khi tôi đang khóc, cậu nhóc gầy gò là Bảo Bảo đứng phía xa dõi nhìn rồi rụt rè lại gần. Chúng tôi không quen nhau nhưng Bảo lấy tay lau nước mắt cho tôi. Khi ấy tôi chưa biết con bị câm điếc, chỉ thấy cậu nhóc tình cảm và đáng yêu quá. Sau đó "hai đứa" như đôi bạn, tôi mong mỗi cuối tuần được vào chùa làm công quả. Tôi quét sân thì Bảo Bảo quét phía sau, tôi nhặt rau thì con bắc chiếc ghế ngồi bên cạnh.

Tôi từng mơ về hạnh phúc gia đình khi yêu một người đàn ông trong hai năm. Nhưng sự đổ vỡ khiến tôi rơi xuống đáy tuyệt vọng, trở thành kẻ chẳng còn tin vào tình yêu hay điều gì tương tự thế. Tôi nghĩ mình sẽ sống độc thân cả đời, không lấy chồng, sinh con nên chính phút ấy đã muốn được Bảo Bảo gọi là mẹ. Nhưng phải 9 năm sau, trải qua nhiều khó khăn, chúng tôi mới được cùng sống dưới một mái nhà.

- Cuộc gặp gỡ với Bảo Bảo tác động thế nào đến Trang Trần - cô người mẫu không tình, không tiền, chán ghét cuộc sống - khi ấy?

- Vẫn là những ngày thiếu thốn trong căn nhà trọ và đi diễn mỗi tối trên chiếc xe cub, nhưng cảm xúc của tôi sau lần gặp Bảo Bảo thì khác hẳn. Tôi có thêm niềm vui để chờ đợi, có người bầu bạn, chia sẻ dù Bảo Bảo không nghe và nói được. Khi con chuẩn bị đi học, tôi chở Bảo ra chợ Xóm Chiếu ở quận 4 để mua cho bé chiếc cặp sách giá 110 nghìn đồng. "Hai đứa" đưa nhau về, trong lòng phơi phới, tôi cười ha há và hát nghêu ngao trên đường như thể hôm đó là ngày đẹp nhất cuộc đời.

Lúc đó Bảo Bảo 4 tuổi. Không nói thì chẳng ai biết con bị khuyết tật bởi mắt bé sáng, trông lanh lợi và dễ mến. Nhờ Phật pháp và Bảo Bảo mà Trang Trần bước ra khỏi chuỗi ngày đau khổ, khóc lóc triền miên.

- Với thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi show lúc bấy giờ, chị lo cho mình đã khó, lấy gì nuôi Bảo Bảo?

- Đời sống của người mẫu khi ấy khó khăn thực sự. Sài Gòn rất phát triển nhưng cũng không nhiều show, "đất sống" của chúng tôi chủ yếu là các chương trình thời trang trên truyền hình với mức cát-xê "bèo". Mỗi show được vài trăm nghìn, tôi phải chi tiền trang điểm, làm tóc, mua phụ kiện để khiến mình nổi bật. Làm không đủ ăn nhưng tôi vẫn muốn lo cho Bảo Bảo nên mỗi tháng gửi sư thầy 50-100 nghìn đồng gọi là thêm tiền chợ.

Trang Trần và con trai nuôi chụp ảnh dịp Tết 2015.

Thỉnh thoảng, "hai đứa" dẫn nhau ra công viên chơi đu quay cả ngày hết có 10 nghìn đồng. Chỉ thế thôi nhưng vui, cười phớ lớ quên cả sân si, phiền muộn.

- Và rồi chị hài lòng với cuộc sống ấy?

- Lúc đó tôi nhịn ăn mua cho con chiếc quần âu, cái áo sơ mi đã thấy vui nhưng nhận ra không thể sống mãi như thế. Tôi bước vào giai đoạn hết thời, cát-xê vốn thấp, nay show lại thưa dần. Tôi muốn kiếm tiền để lo cho mình, mặt khác tham vọng xây dựng nguồn tài chính tốt để đàng hoàng nhận nuôi Bảo Bảo. Vậy nên năm 2012, tôi đi bán bún đậu.

Trời thương cho tôi duyên kinh doanh, kể từ ngày mở quán, Trang Trần từng bước khấm khá. Có đồng ra đồng vào, tôi góp thêm với sư thầy nuôi con, thỉnh thoảng sắm món mày, món kia cho Bảo Bảo. Lần đó, sư thầy đưa Bảo sang Mỹ phẫu thuật cấy ốc tai hết hơn hai tỷ đồng, tôi có 10 triệu, cũng "vác" mặt đến xin biếu tiền uống nước. Tôi lúc đó độc thân nhưng luôn cảm thấy mình là mẹ của Bảo và muốn chịu trách nhiệm với con suốt đời.

- Khi có tiền từ việc bán bún đậu, chị làm gì cho con?

- Dịp đó tôi đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình thì nhận điện thoại từ chùa báo ốc tai nhân tạo của Bảo Bảo bị hỏng. Giá mua thiết bị thay thế khoảng 500 triệu đồng, trong két nhà tôi khi ấy còn khoảng 200 triệu. Suy nghĩ đầu tiên trong tôi là "nhất định phải để con nghe được" nên gọi điện bảo em gái mang số tiền đang có đi đặt cọc. Tiếp đến tôi quỳ trước mộ bác Giáp phát nguyện xin sức khỏe để "cày tiền" trong ba tháng sao cho kịp thanh toán khi thiết bị được chuyển từ Mỹ về nước.

Tôi chẳng nghĩ trong ba tháng ngắn ngủi sẽ kiếm đủ số tiền 300 triệu đồng nhưng cứ liều đi vay. Bạn bè tôi cho vay ngay, còn không lấy lãi vì biết tôi chỉ "ngửa tay" nhờ vả khi cần lo cho Bảo Bảo.

- Chị đã nói không còn tin vào tình yêu, sao vẫn kết hôn năm 2017?

- Có lẽ đúng người, đúng thời điểm.

Trước khi cưới, tôi và ông xã Louis có thời gian dài là bạn, quen nhau khi đi chùa làm công quả và cùng dành tình yêu cho Bảo Bảo. Thời ấy, chúng tôi giống tri kỷ hơn một đôi yêu nhau. Hai đứa chung sức nuôi Bảo Bảo rồi từ đó nảy sinh tình cảm.

Tôi không phủ nhận mình đã chai sạn sau cuộc tình thất bại. Với Louis, tình yêu không mãnh liệt như lúc trẻ mà là sự phù hợp. Tôi nghĩ người này hiểu mình, chấp nhận và thông cảm với mình, cùng mình làm những điều tử tế. Chúng tôi tin tưởng nhau nên trải qua mấy năm yêu xa cho đến khi là vợ chồng vẫn mỗi người một nẻo.

Trước khi có bé Kiến, tôi và Louis hòa hợp trong cách chăm sóc Bảo Bảo. Anh ở Mỹ lo cho con những lần bé sang đó chữa bệnh còn tôi phụ trách đầu Việt Nam.

Trang Trần tổ chức sinh nhật cho Bảo Bảo.

- Việc mẹ Trang lấy chồng, sinh em có khiến Bảo Bảo tủi thân vì phải chia sẻ tình cảm?

- Từ ngày có Kiến, tôi nhắc mình phải thương Bảo Bảo nhiều hơn để con không cảm thấy mất đi điều gì khi em ra đời. Tôi đặt sữa xịn, quần áo ngoại cho Kiến thì của Bảo cũng như vậy. Khi mang thai và sinh con, tôi bận rộn nên không có thời gian cho Bảo nhưng thằng bé tỏ ra rất hiểu chuyện. Nó loanh quanh chơi cùng em, âu yếm em cho tôi có thì giờ nghỉ ngơi, thư giãn.

- Tại sao chị tự nhủ phải đối xử với con nuôi tốt hơn con ruột?

- Tôi thương Bảo Bảo. So với Bảo, Kiến quá may mắn vì sinh ra lành lặn và đủ bố mẹ. Tôi dạy Kiến không được ghen tỵ với anh, vì anh không nghe và nói được. Kiến cũng thấm nhuần điều đó, luôn xác định nhận phần thiệt trong những hoàn cảnh mà điều kiện không đáp ứng đủ cho cả hai.

Thật khó giải thích nhưng ở Bảo Bảo có điều gì đó khiến người khác cứ muốn thương yêu và chăm sóc cho con một cách tự nguyện.

- Bảo Bảo giao tiếp với chị bằng cách nào?

- Con biết viết nên thường thể hiện suy nghĩ ra giấy cho tôi đọc. Bây giờ Bảo tiến bộ hơn trước, có thể nói những câu ngắn dù ngọng nghịu. Cách đây vài ngày, tôi có việc đi Hà Nội nên dậy sớm ra sân bay. Vừa thức giấc còn chưa kịp rửa mặt đã thấy "ông con" đứng trước cửa nói: "Ẹ ang i à ội".

Tất nhiên, để một đứa trẻ điếc bẩm sinh có thể đọc viết là quá trình không đơn giản. Tôi đầu tư để con được học các lớp dạy kỹ năng cho trẻ khuyết tật, thậm chí thuê giáo viên về nhà. Trước đó hai mẹ con rất khổ vì không thể hiểu nhau. Tôi bất lực khi chẳng thể giải thích cho con còn Bảo Bảo phản kháng trước sự dạy dỗ của mẹ.

- Cách chị dạy dỗ Bảo Bảo và bé Kiến có gì khác nhau?

- Kiến thông minh và hay "lý sự" nên tôi cũng phải nói lý với bé. Dạy Kiến, đôi khi giống cuộc tranh luận vì không phải nói thế nào con cũng nghe. Còn Bảo Bảo, con không giống đứa trẻ khác nên muốn bày tỏ điều gì cũng phải chọn cách phù hợp. Những lần tôi nổi giận không khiến Bảo sợ nhưng hễ tôi buồn và khóc, bé sẽ biết lỗi và đến gần ôm mẹ.

Bảo Bảo chăm sóc em Kiến.

- Chị chi bao nhiêu mỗi tháng cho việc nuôi dạy Bảo Bảo?

- Tốn hơn nuôi một đứa trẻ bình thường. Tôi không tiếc tiền cho con đi học tất cả những lớp mà tôi cho là tốt nhất. Ngoài ra con ăn uống thoải mái; quần áo, đồ dùng đều là hàng ngoại.

- Trang Trần nói hành trình nhận nuôi Bảo Bảo không dễ dàng. Chị gặp khó khăn gì?

- Sư thầy tin tưởng nên cho tôi đón Bảo về sống cùng để tiện chăm sóc, nhưng trên giấy tờ, tôi chưa phải mẹ hợp pháp của bé. Vì vậy nhiều năm qua, tôi chỉ được ghé chùa thăm nuôi con, cách đây một năm mới được đón Bảo về. Tôi mời luôn người vú đã chăm Bảo khi con ở chùa vì tin rằng cô ấy là người hiểu, yêu thương và thật tâm với Bảo Bảo nhất. Tôi cũng dành cho cô mức lương hợp lý để cô yên tâm chăm sóc Bảo những lúc tôi bận bịu.

- Rào cản pháp lý ảnh hưởng ra sao tới chuyện nuôi con của chị?

- Đầu tiên là tâm lý, tôi vẫn muốn một ngày được trở thành mẹ chính thức của bé, cho bé mang họ mình, có tên trong hộ khẩu nhà mình.

Bảo Bảo thích đi nước ngoài, mỗi khi thấy Kiến đi đâu, bé hay buồn nhưng tôi đành chịu vì thủ tục bảo lãnh con rất phức tạp trong điều kiện giấy tờ không đủ. Bảo có cuốn sổ nhỏ ghi tên các nước bé muốn đi, thỉnh thoảng lại viết: "Con thích đi Mỹ, Australia, Nhật Bản...". Sư thầy khuyên tôi đợi thêm ba năm khi Bảo Bảo tròn 18 tuổi, bé sẽ tự quyết có trở thành con trai của mẹ Trang hay không.

Ảnh cưới Trang Trần chụp năm 2017.

Tôi cũng mong ngày này để có kế hoạch cụ thể cho việc ra nước ngoài định cư. Vì không muốn Bảo Bảo ở lại Việt Nam một mình, tôi đã trì hoãn đề nghị sang Mỹ đoàn tụ của ông xã mấy lần rồi.

- Vì Bảo Bảo mà chị và ông xã chấp nhận cảnh chồng một nơi, vợ một nẻo?

- Tôi đã nguyện nuôi con suốt đời thì không bỏ bé lại nửa chừng, trừ trường hợp con không muốn sống cùng tôi nữa. Một lý do khác là tôi chưa sẵn sàng với cuộc sống mới khi chưa chuẩn bị đủ tiềm lực tài chính để ba mẹ con thoải mái ngay cả khi không làm gì. Tôi dám khẳng định: với Trang Trần bây giờ - tiền và con là quan trọng nhất. Tôi có thể không cần chồng nhưng các con tôi phải có cuộc đời đủ đầy hơn mẹ nó.

- Chồng chị là doanh nhân tại Mỹ, sao chị còn bận tâm chuyện tiền bạc?

- Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sống dựa dẫm, cũng không thể ngồi yên để người khác cung phụng. Vài năm nữa, tôi muốn có hệ thống bán hàng online hoạt động ổn định để khi sang Mỹ vẫn có thể điều hành công việc kinh doanh sinh lãi. Còn bây giờ, mỗi lần ông xã giục sang đoàn tụ, tôi lại bảo: "Để em kiếm tiền cái đã".

- Trước quan điểm này của vợ, chồng chị phản ứng sao?

- Thỉnh thoảng anh ấy lại hỏi tôi: "Em kiếm tiền chưa đủ à?".

- Chị có thông tin gì về mẹ ruột của Bảo Bảo?

- Tôi chưa được gặp trực tiếp nhưng có lần trông thấy chị ấy. Đó là dịp sinh nhật lúc Bảo Bảo con nhỏ, tôi đang chơi cùng con ngoài sân thì thấy một người phụ nữ đứng bên đường nhìn sang. Thoáng qua, tôi thấy chị ấy đẹp, hiền hậu nhưng có đôi mắt buồn ẩn chứa tâm sự. Chị ấy không vào nhà, chỉ đứng ngắm bé một lúc rồi rời đi.

Hôm sau, sư thầy gọi cho tôi để hỏi ý kiến về việc mẹ Bảo Bảo muốn nhận lại bé. Tôi trả lời: nếu chị ấy lo được cho Bảo tốt hơn tôi thì hãy nhận con về. Sư thầy hỏi Bảo, bé tỏ ý muốn ở với mẹ Trang. Kể từ đó không thấy chị ấy đề cập vấn đề này thêm lần nào nữa.

- 10 năm đồng hành cùng con, chị thấy bé thay đổi thế nào?

Trang Trần đưa Bảo Bảo đi du lịch.

- Con tiến bộ nhiều ở mặt kỹ năng còn sự tử tế, cách sống tình cảm là bản chất nên không thay đổi. Bảo rất thương em, bé quan sát em chơi, nếu thấy Kiến lại gần cạnh bàn sẽ giơ tay đỡ đầu để em khỏi đau và nhắc nhở: "au ấy". Mỗi lần sang đường, Bảo xách túi cho mẹ như một người đàn ông và đi bên trái để chắn xe. Những khi tôi làm việc thâu đêm rồi ngủ gục, Bảo nhìn thấy sẽ lấy gối và đắp chăn cho mẹ. Bé cũng biết mang cốc nước đặt lên bàn khi tôi livestream bán hàng quá lâu.

- Chị kỳ vọng điều gì cho con?

- Tôi muốn Bảo sống cuộc đời bình thường như những người bình thường. Khi con 18 tuổi, tôi cho Bảo tự quyết: hoặc là ra đời bay nhảy, hoặc về với mẹ ruột hay sang Mỹ cùng chúng tôi. Như đã nói ở trên, tôi nguyện nuôi con thì muốn ở bên và chăm sóc con cho đến lúc con không cần mình nữa. Tôi trì hoãn mong muốn đoàn tụ của ông xã cũng bởi muốn chờ Bảo đi cùng chúng tôi, trở thành một phần thực sự trong gia đình chúng tôi.

Theo PV/Ngôi sao
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo