Hồng Vân bật khóc trước câu chuyện xúc động của người thương binh nuôi hơn 100 trẻ mồ côi
NSND Hồng Vân đóng cửa sân khấu, Bích Phương hủy lịch bán vé concert vì dịch cúm corona / Trường Giang: "Phải là Hoài Linh, NSND Hồng Vân mới đủ đẳng cấp nói về hài, chứ tôi không có cửa để nói"
Tối qua (27/3), tập 11 chương trình Mẹ tuyệt vời nhất đã lên sóng, với sự xuất hiện của thương binh Bùi Công Hiệp, chủ nhân Mái ấm Thiên Thần, người đã gánh vác trách nhiệm cao cả của cả người cha lẫn người mẹ với 100 trẻ mồ côi.
Bằng tình thương yêu bao la, ông Bùi Công Hiệp đã dồn hết tài sản để thay 100 người mẹ nuôi 100 đứa trẻ không quen biết, không máu mủ ruột thịt.
Giải thích lí do mời ông Bùi Công Hiệp tới chương trình Mẹ tuyệt vời nhất, NSND Hồng Vân nói: "Những gì anh Hiệp làm được còn hơn cả một người mẹ bình thường, khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Bởi vậy, chúng tôi quyết định mời anh tới đây để chia sẻ câu chuyện của mình".
Được NSND Hồng Vân khen ngợi và mở lời, ông Bùi Công Hiệp đã bật khóc chia sẻ câu chuyện của mình.
Ông Bùi Công Hiệp và hai con mồ côi tên Giáp, Kim Anh
Người ta nói tôi bị khùng khi bỏ cả trăm triệu một tháng để nuôi những đứa trẻ không quen biết
Tôi thành lập trung tâm trẻ mồ côi của mình từ năm 2010, nhưng đến năm 2012 mới nhận nuôi bé đầu tiên là Bùi Kim Giáp.
Tôi nhớ mãi, vào tháng 10/2012, có một cuộc gọi cho tôi từ một người mẹ. Người mẹ này đang là sinh viên học năm cuối. Cô ấy nói với tôi rằng trót có con nhưng không muốn bỏ. Cô ấy nhờ tôi nuôi giúp và sẽ tới nhận lại trong tương lai.
Nghe vậy, tôi đồng ý và đáp: "Yên tâm, đó đang là ước mơ của tôi mà. Cô cứ lo học hành, ra trường kiếm công việc ổn định rồi nhận con lúc nào cũng được". Thế là tôi nhận nuôi bé Giáp từ ngày đó.
Nhiều người hỏi tôi tại sao các con không mang họ của tôi. Tôi không muốn như vậy, tôi muốn các con mang họ mẹ để sau này còn đoàn tụ lại. Với lại, tôi để họ mẹ vào khai sinh của các con cho chúng đỡ tủi thân. Sau này, các con trưởng thành thì người mẹ cứ tới nhận con về.
Việc nhận nuôi trẻ mồ côi của tôi từng vấp phải ý kiến phản đối của nhiều người, trong đó có cả anh chị em, họ hàng của tôi. Mọi người thắc mắc và cảm thấy khó hiểu về tôi.
Thậm chí, những người thân thiết cũng từng phản đối và nói với tôi rằng "Mày bị khùng hay sao mà tự nhiên bỏ một số tiền lớn, một tháng vài chục đến vài trăm triệu chỉ để nuôi những đứa trẻ không quen biết. Sao mày không lấy tiền đấy mà dưỡng già, mà ăn chơi đi". Tôi chỉ đáp lại, đây là ước muốn của tôi.
Từng bị vợ khóc lóc phản đối kịch liệt, con cái thì ghen tị chuyện nuôi 100 trẻ mồ côi
Trước khi thành lập Mái ấm Thiên Thần, tôi đã phải làm nhiều công việc để tích lũy đủ tiền bạc như đạp xích lô, phụ hồ, dán đồ mã... Khó khăn nhất là quá trình thuyết phục gia đình mình. Tôi cảm thấy điều này như một cuộc chiến giữa các vì sao.
Lần đầu tiên tôi ngỏ ý về việc nuôi trẻ mồ côi, vợ tôi phản đối kịch liệt. Tôi phải âm thầm nhờ bạn bè lo giấy tờ thủ tục, giấy phép thành lập.
Khi thành lập xong, tôi không nói gì với vợ. Đùng một cái, tôi ẵm hai bé đầu tiên là Giáp và Kim Anh về. Lúc này, vợ tôi khóc mắng tôi liều mạng.
Nhiều đứa trẻ tôi nhận về chỉ nặng có hơn một cân tới hai cân, mà lại không có mẹ chúng ở đó, nên nuôi rất khó, chỉ cần sơ sẩy một chút là gặp nguy hiểm.
Vợ tôi từng chỉ vào những đứa trẻ và mắng tôi: "Ông nghĩ kỹ đi! Hai đứa con sinh ra, ông có chăm sóc nó ngày nào không, nghĩ kỹ đi! Thôi, trả lại cho nhà nước đi!". Lúc đó, tôi chỉ biết giải thích cho vợ hiểu.
Để thuyết phục vợ, tôi phải chứng minh cho bà ấy thấy bằng cách bỏ nhậu và một mình chăm sóc các bé. Thực ra, tôi đi nhậu nhẹt hơn 10 năm thành thói quen rồi, nhưng cuối cùng cũng phải bỏ.
Một người mẹ chăm sóc con ra sao thì tôi cũng phải chăm sóc giống vậy, cũng phải cho bú, thay tã, ru ngủ... Có những đứa khóc đến nửa tiếng mới chịu ngủ, khiến tôi cảm thấy như bị tra tấn vậy, vì xưa giờ có nghe tiếng trẻ con khóc bao giờ đâu.
Vợ tôi khi ấy chỉ đứng chỉ đạo từ xa chứ không nhúng tay vào giúp. Bà ấy muốn tôi thấu hiểu nỗi cực nhọc của người mẹ.
Vợ tôi muốn thử thách tôi. Nếu tôi làm tốt thì bà ấy mới đồng ý cùng tôi chăm sóc các bé, còn không thì phải trả về cho nhà nước. Cuối cùng, đến tháng 3 năm 2013, tôi mới hoàn thành "kỳ thi" của bà xã và được nuôi các bé mồ côi.
Kể từ đó, cứ mỗi ngày, sau khi lo xong công việc gia đình, vợ tôi lại tới mái ấm để phụ tôi chăm sóc các con đến tận 9,10 giờ tối. Hiện tại, ngoài vợ chồng tôi, mái ấm còn có 15 cô bảo mẫu cùng chăm sóc hơn 100 bé. Tôi là người phụ trách việc nấu ăn.
Việc tôi dành nhiều thời gian nuôi trẻ mồ côi đã từng khiến con ruột mình ghen tị.
Hai đứa con tôi từng xuống thăm mái ấm và nói một câu khiến tôi cảm thấy có lỗi. Chúng bảo: "Ngày xưa bố ở nhà với tụi con có một ngày chủ nhật thôi mà bây giờ bố ở đây suốt với mấy bé, chúng con ganh tị đấy".
Nhưng nói vậy thôi chứ hai con tôi vẫn thường xuyên tới thăm. Chúng còn bảo: "Cho đi là tốt. Con hứa nếu sau này bố mất đi, con sẽ tiếp quản sự nghiệp này nên bố yên tâm". Nghe được những lời này, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Sẵn sàng từ chối tài trợ nếu không tốt cho các con
Khi nhận nuôi mấy đứa trẻ này, người ta đồn thổi chúng là con riêng của tôi. Vợ tôi còn tin lời họ rồi khuyên tôi nên thú nhận, khiến tôi phải giải thích.
Việc nuôi 100 trẻ mồ côi rất vất vả, khó khăn, nhưng không phải nhà tài trợ nào đến quyên góp tôi cũng chấp nhận.
Có những tổ chức đề nghị tài trợ, nhưng lại kèm theo điều kiện bất lợi cho các bé, tức là bắt hoạt động theo yêu cầu của họ.
Lúc đó, tôi sẵn sàng nói không vì đây là các con của tôi. Nếu lời đề nghị tốt cho các con thì không cho một xu tôi cũng làm theo. Ngược lại, lời đề nghị không tốt thì có tiền tỷ tôi cũng từ chối. Còn các mạnh thường quânm ai tới cho thùng sữa, cái bánh tôi cũng đều hoan hỉ đón nhận.
Tôi nuôi các con, chỉ mong chúng thành người tử tế. Tôi không mong các con thành đạt thế này, thành danh thế kia. Điều cuối cùng khi ra đời là các con phải thành người tử tế, có trái tim rộng mở với đồng loại. Đó mới là điều tôi muốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo