Văn hóa

Karen Nguyễn: 'Khủng hoảng tuổi 25 quá lớn'

Loay hoay tìm cơ hội đóng phim và áp lực nhìn bạn bè thành đạt, diễn viên Karen Nguyễn rơi vào khủng hoảng tuổi 25 và từng có ý định bỏ nghề.

Vì sao diva Hồng Nhung không muốn giữ quan hệ tốt đẹp với chồng cũ? / Cuộc sống của 2 em ruột “ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn giờ ra sao?

Karen Nguyễn sinh năm 1993. Cô tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM và hoạt động trong vai trò diễn viên, người mẫu. Cô bắt đầu gây chú ý qua loạt bốn MV ADODDA của ca sĩ Hương Giang. Năm nay, Karen chính thức chạm ngõ điện ảnh với vai diễn sát thủ trong Sắc đẹp dối trá (Hương Giang, Puka, Tuấn Trần đóng chính) và vai diễn bác sĩ trong Người cần quên phải nhớ (Hoàng Yến Chibi, Trần Ngọc Vàng, Huyme đóng chính, Đức Thịnh đạo diễn, Charlie Nguyễn sản xuất). Mùa phim giáp Tết này, Karen là một trong những gương mặt trẻ của màn ảnh Việt.

Diễn viên Karen Nguyễn.

Diễn viên Karen Nguyễn.

- Hai năm qua kể từ bốn MV ‘ADODDA’ của ca sĩ Hương Giang, cái tên Karen Nguyễn được nhắc tới nhiều và chị được mệnh danh là "tiểu tam quốc dân". Cuộc sống của chị thay đổi thế nào?

- Sự nghiệp của tôi giống như sang trang mới vậy. Khi ra đường, tôi được nhiều người nhận ra, gọi là "chị Hân" (tên nhân vật trong MV - PV). Cơ hội nghề nghiệp, lời mời công việc đến với tôi nhiều hơn. Mức cát-xê tôi nhận được cũng cao hơn trước. Những thứ tôi ao ước và chờ đợi bấy lâu cuối cùng cũng đến với tôi. Điều tôi trăn trở nhất bây giờ là làm sao duy trì những điều tốt đẹp này.

Tuy nhiên, chuyện gì cũng có tính hai mặt. Hình ảnh Hân "tiểu tam" ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống riêng của tôi. Thỉnh thoảng, tôi đọc được bình luận nói tôi mặt ác, đóng dạng vai đó thì chắc ở ngoài cũng lăng loàn, ác độc. Năm 2019, liên tục từ 30 tới mùng 3 Tết, hàng loạt tài khoản ảo bình luận vào các bức ảnh trên Instagram của tôi với lời lẽ nặng nề. Hôm trước tôi xóa thì hôm sau họ lại bình luận. Một lần tôi đi massage cùng nhóm bạn. Nhân viên ở đó nhận ra tôi và nói với nhau về tôi bằng đủ thứ ngôn từ tục tĩu.

Khi xảy ra những chuyện đó, chị gái và bạn bè tôi đều tức thay cho tôi. Nhưng tôi luôn khuyên mọi người bỏ ngoài tai, im lặng và nhịn vì tranh cãi qua lại càng làm chuyện phức tạp. Tôi cố gắng nhìn vào mặt tích cực rằng tôi diễn đạt và vai Hân "tiểu tam" đã giúp độ nhận diện của tôi trở nên rộng rãi.

- Vậy trước dự án đó, chị gặp những khó khăn nào trong nghề diễn?

 

- Thực sự, tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ nghề ngay trước khi nhận vai Hân "tiểu tam" trong dự án âm nhạc của chị Hương Giang.

Từ nhỏ, tôi đã học diễn xuất và tham gia các hoạt động ở nhà thiếu nhi. Sau này, tôi lựa chọn thi vào ngành đạo diễn sân khấu với mong muốn mở rộng tư duy phân tích nhân vật và nâng cao kỹ năng diễn xuất của bản thân. Dù vậy, tôi chưa từng từ bỏ đam mê nghề diễn. Trước ADODDA, tôi trượt casting rất nhiều lần, phải rẽ hướng làm người mẫu, đóng quảng cáo một thời gian để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chờ đợi cơ hội đóng phim.

Những ngày đầu làm nghề, tôi nhiều lần bị bắt nạt, gạ gẫm tình cảm. Tôi nhớ có lần tôi tự chạy xe máy giữa trưa nắng xuống Hóc Môn quay. Nhưng tới nơi, tôi ngồi đợi bốn tiếng vẫn không được quay. Tôi ức phát khóc. Một lần khác, tôi bị quỵt tiền cát-xê. Hai triệu đồng có thể chỉ là số tiền lẻ với nhiều người, nhưng với đứa sinh viên như tôi khi đó, nó rất lớn. Một số người trong các đoàn phim cố ý đụng chạm rất khiếm nhã. Tôi chỉ biết tế nhị né tránh, ngồi lẫn vào đông người để tự bảo vệ mình.

Nhưng kinh khủng nhất có lẽ là cơn khủng hoảng tuổi 25 rất lớn trong tâm lý của tôi. Nhìn bạn bè có những vị trí nhất định, có nhà, có xe, trong khi mình vẫn ở nhà của ba mẹ và sự nghiệp không có gì khởi sắc, tôi áp lực vô cùng. Mặc dù không phải xin tiền ba mẹ để chi tiêu, tôi cũng chưa chăm lo được gì cho người nhà. Gia đình thì hối thúc chuyện cưới hỏi vì thấy tôi lông bông hoài.

Tôi tự hỏi liệu có phải mình không hợp với nghề này hay không mà tìm cơ hội chật vật quá. Tôi quyết định sang nước ngoài với người bạn trai khi đó, học thêm một chuyên ngành và làm một công việc hoàn toàn khác, kể cả lao động chân tay. Đúng lúc đó, đạo diễn Kawaii mời tôi vào vai Hân "tiểu tam". Vì quen biết với Kawaii từ trước, tôi nhận lời nhưng không nghĩ MV và vai diễn tạo hiệu ứng lớn đến vậy.

 

Lúc chị Hương Giang làm MV ‘Em đã thấy anh cùng người ấy’ (ADODDA phần 2), tôi đã không còn niềm tin với nghề diễn. Nhưng vì đợt đó tôi về Việt Nam ăn Tết với ba mẹ và mới chia tay bạn trai, tôi nhận lời đóng tiếp mà không kỳ vọng gì nhiều. Ai ngờ MV phần 2 còn được yêu thích hơn phần 1. Chính vì sự bùng nổ của MV, tôi quyết định ở lại Việt Nam và trở lại con đường làm diễn viên. Tôi không biết mình chọn nghề hay nghề chọn mình nữa. Tôi vài lần nghĩ đến bỏ nghề rồi nhưng đâu có bỏ được!

Karen Nguyễn đi qua khủng hoảng tuổi 25 và tiếp tục lo nghĩ về khủng hoảng tuổi 30.

Karen Nguyễn đi qua khủng hoảng tuổi 25 và tiếp tục lo nghĩ về khủng hoảng tuổi 30.

- Sau những thành công đầu tiên, chị định hướng ra sao về nghề nghiệp và cuộc sống sắp tới?

- Tôi mới được biết đến chút xíu qua bốn MV ADODDA của chị Hương Giang và MV ‘Không thể cùng nhau suốt kiếp’ của Hòa Minzy. Mấy MV cộng lại cũng chỉ khoảng 30 phút. Tôi nghĩ là mình còn quãng đường rất xa với các vai diễn dài hơi để được công nhận thực lực và yêu mến.

Cơn khủng hoảng tuổi 25 đã qua nhưng cơn khủng hoảng tuổi 30 vẫn chờ tôi phía trước. Tính tôi vậy đó, lúc nào cũng lo lắng về tuổi tác (cười). Diễn viên là công việc người ta có thể làm lâu dài, nghĩa là đến 40, 50 tuổi, tôi vẫn tìm được vai diễn. Nhưng sức hút và sự tỏa sáng chỉ có thời nhất định. Nếu tôi không biết nắm bắt cơ hội, không ý thức trau dồi kinh nghiệm thì thời điểm này của tôi qua nhanh lắm.

 

Tôi sốt ruột với chính mình vì tôi bắt đầu muộn hơn nhiều người. Giai đoạn hai năm khởi đầu của tôi gần đây, những người khác đã đi qua lâu rồi. Tới giờ họ đã đầy đủ khả năng và vật chất, có thể tự làm dự án riêng. Còn tôi vẫn được xem là gương mặt mới. Bởi vậy, tôi muốn mình phải chạy nước rút.

Năm tới, tôi sẽ tiếp tục tập hát, học nhảy và đi học võ trở lại. Tôi không có ý định lấn sân làm ca sĩ đâu, chỉ là trang bị các kỹ năng bổ trợ cho nghề diễn thôi. Tôi dự định sẽ tích cực tham gia nhiều gameshow, để khán giả hiểu được tính cách thật của tôi, thấy tôi gần gũi, thân thiện, thay vì chỉ biết đến tôi qua các sản phẩm.

Về đời sống, thu nhập của tôi ổn định hơn trong hai năm qua. Tôi đã dọn ra ở riêng. Dù chỉ ở nhà thuê, tôi rất vui và thoải mái vì tự lo được cho mình, sắm sửa được quần áo, túi xách phục vụ công việc và còn dành dụm một khoản tiết kiệm. Tôi muốn mình cố gắng hơn nữa để có thể sắm sửa cho ba mẹ.

Karen kỳ vọng những thay đổi tích cực.

Karen kỳ vọng những thay đổi tích cực.

- Từ các MV tới hai hai phim điện ảnh ‘Sắc đẹp dối trá’ và ‘Người cần quên phải nhớ’, chị đều vào vai phản diện. Tại sao chị lựa chọn bắt đầu với dạng vai gai góc như vậy, trong khi đa số diễn viên nữ đi lên từ vai chính diện?

 

- Bạn cũng nói là đa số, không phải tất cả mà. Trong mắt các đạo diễn, nhà sản xuất, vai chính luôn có cả trăm sự lựa chọn. Tôi không biết bao giờ mới đến lượt mình. Cuộc đời này đâu phải ai cũng dễ dàng có được vai chính.

Sau thành công của dự án bốn MV ADODDA của ca sĩ Hương Giang, tôi bị gắn mác vai phụ. Nhiều người không tin tôi có thể làm người tốt. Ban đầu đến casting phim Người cần quên phải nhớ, tôi thử vai chính (sau này do Hoàng Yến Chibi đóng - PV). Nhưng đạo diễn Đức Thịnh nói tôi thử thêm vai bác sĩ Hân vì trông mắt tôi rất sắc. Lắm lúc tôi chỉ biết kêu trời rằng ai cho tôi lương thiện (cười).

Nhưng sau này tôi nghĩ tại sao mình không dựa vào hiệu ứng đó để tiếp tục đi lên. Bởi vậy, hình ảnh gai góc, nội tâm phức tạp và đôi khi cần đến yếu tố hành động, đánh đấm sẽ là dạng vai tôi tìm kiếm trong thời gian tới. Nhiều khi tôi cũng buồn lắm chứ, vì ai chẳng muốn đóng vai chính. Nhưng tôi nghĩ chuyện đó cần thời điểm, cần có duyên. Tôi không thể đòi hỏi quá nhiều, nếu không chỉ làm mình thất vọng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm