Khi diễn viên sẵn sàng chi tiền tỷ sắm phục trang cho vai diễn
‘Choáng’ với nhan sắc dàn diễn viên đóng thế y bản chính của dàn sao đình đám Hoa Ngữ / Top diễn viên vĩ đại nhất thế kỷ 21: Có cả 'cô hầu gái' giật chồng bị mẹ từ mặt
Bỏ tiền tỷ sang trời Tây sắm phục trang
Theo một số đạo diễn, trước đây, mỗi đoàn phim đều có một tổ phục trang. Tổ này có nhiệm vụ chuẩn bị phục trang cho các vai diễn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhiều diễn viên đã tự bỏ tiền túi để sắm phục trang cho nhân vật theo ý của mình. Số tiền để sắm phục trang nhiều khi vượt cả tiền cát-sê mà họ được trả cho vai diễn.
Lã Thanh Huyền từng lặn lội sang trời Tây để sắm phục trang cho vai diễn trong phim "Tình yêu và tham vọng".
Lã Thanh Huyền cho biết, khi nhận lời đóng vai Tuệ Lâm trong bộ phim "Tình yêu và tham vọng", cô đã nghiên cứu kịch bản rất kỹ. Ngoài tính cách nhân vật, cô rất chú trọng đến việc tạo hình. Bởi cô quan niệm, một nhân vật muốn tạo được ấn tượng phải kết hợp được cả diễn xuất lẫn tạo hình.
Vì lẽ đó, cô đã mất 3 tháng trời "lăn lộn" ở nhiều nước để sắm cho mình đủ 5 va-li quần áo và phụ kiện trước khi bước vào quay. Từ những phụ kiện nhỏ như kính mắt, thắt lưng, khuyên tai... đến những bộ cánh sang trọng đều được người đẹp "chăm chút" kỹ lưỡng. Trong số 5 va-li này, phần lớn đều là đồ của các thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới. Và số tiền bỏ ra cho khoản phục trang cũng phải lên đến bạc tỷ.
Tương tự, Phương Oanh khi nhận vai Thiên Trang trong "Lựa chọn số phận" cũng đã chịu chơi khi bỏ ra trên dưới 1 tỷ đồng để sắm phục trang cho vai diễn. Không chỉ riêng quần áo, nữ diễn viên còn chuẩn bị kỹ từng món phụ kiện đi kèm.
"Tạo hình trong phim là cô gái đẹp, con của nhà tài phiệt, nên mình không làm đại khái được. Ở mỗi phân cảnh, tôi xuất hiện với một bộ đồ khác. Vì thế, việc phải nhớ sao cho đúng rắc-co (raccord) không đơn giản chút nào. Nói chung, mỗi lần đi quay, tôi phải vác theo 3 va-li, 1 va-li quần áo, 1 va-li phụ kiện và 1 va-li giày - túi xách. Mỗi lần vào hóa trang phải có 3 - 4 người phụ giúp mới kịp giờ quay", Phương Oanh kể.
Bản thân Quỳnh Nga khi nhận vai Nhã trong "Về nhà đi con" và Quỳnh Trinh trong "Sinh tử" cũng tự bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để sắm phục trang cho vai diễn. Riêng với vai "gái ngành" trong "Sinh tử", nữ diễn viên đầu tư trên dưới 100 bộ đồ. Trong đó, một nửa được nhãn hàng tài trợ, một nửa tự chi tiền sắm.
Theo Quỳnh Nga, cô thường chuẩn bị nhiều hơn để có sự lựa chọn. Sau khi đóng máy, có thể những bộ đồ này không phù hợp để mặc ngoài đời nhưng cô vẫn muốn đầu tư tốt nhất cho vai diễn của mình.
Muốn có vai diễn ấn tượng thì phải chịu chi
Theo Lã Thanh Huyền, cát-sê có thể không đủ để trang trải những khoản đầu tư cho vai diễn, nhất là những nhân vật sang chảnh. Tuy nhiên, cô cho rằng, diễn viên vẫn phải tự đầu tư nếu muốn có vai ấn tượng. Bản thân cô không bao giờ cho phép mình xuất hiện xuề xòa trên màn ảnh bởi như vậy có thể khiến nhân vật của mình kém hấp dẫn.
"Mỗi cảnh quay, tôi mặc một bộ đồ mới, không lặp lại. Mỗi lần đi quay, tôi đều kéo theo vài va-li đồ. Mọi người trong đoàn phim ai cũng trêu vì chưa lần nào thấy tôi mặc lại đồ cũ. Tôi chuẩn bị rất kỹ cho vai Tuệ Lâm vì tôi hiểu nhân vật mà mình hóa thân", Lã Thanh Huyền cho biết.
Phục trang tự sắm với toàn đồ hiệu đắt tiền của Phương Oanh trong "Lựa chọn số phận".
Phương Oanh cho rằng, nhìn sang các nước có nền điện ảnh phát triển, thấy diễn viên xuất hiện đầy ấn tượng trên màn ảnh khiến cô lúc nào cũng ngưỡng mộ. Và từ cảm giác đó, cô suy nghĩ nghiêm túc hơn về sự đầu tư chỉn chu cho vai diễn, từ cả tạo hình cho đến diễn xuất.
"Trước đây, tôi toàn giao đóng vai gái quê nên không có cơ hội được mặc đẹp. Nhưng tôi luôn đề cao sự chỉn chu và phù hợp hoàn cảnh. Chẳng hạn, với vai cô giáo Uyên trong "Cô gái nhà người ta", dù là cô giáo làng nhưng tôi nghiên cứu từ chiếc áo cho đến túi xách, đồng hồ", Phương Oanh bộc bạch.
Thực tế là không phải diễn viên nào cũng được mặc phục trang do mình chuẩn bị vào phim. Bản thân Diễm My 9x khi đóng "Tình yêu và tham vọng" đã chuẩn bị khá nhiều phục trang đắt tiền. Song, do yêu cầu của vai diễn nên đạo diễn không cho cô mặc đồ sành điệu. Mãi đến gần cuối phim, sau nhiều lần ý kiến, cô mới được đạo diễn đồng ý cho mặc váy.
Nhân viên phụ trách phục trang của phim "Lựa chọn số phận" cho biết, đạo diễn và stylist sẽ lên ý tưởng về phục trang cho từng nhân vật. Kể cả việc diễn viên tự sắm phục trang thì sau đó cũng phải thông qua ý kiến của hai vị này. Nếu bộ nào không phù hợp là không được mặc.
Nhiệm vụ chủ yếu của người phụ trách phục trang là hỗ trợ diễn viên chọn đồ hoặc chuẩn bị đồ thích hợp cho mỗi cảnh quay. Điều này sẽ giúp diễn viên đỡ lo về phục trang, tập trung hết sức cho diễn xuất. Nhân viên phụ trách phục trang cũng không cố định một người duy nhất. Nghĩa là mỗi phim sẽ hợp đồng với một người. Chỉ có một vài người là phụ trách phục trang cho vài ba đoàn phim liên tục.
"Trang phục của nhân vật thường là kết hợp giữa trang phục sẵn có của diễn viên và trang phục đi mượn hoặc thuê bên ngoài. Vì thế, vai trò của nhân viên phụ trách phục trang phim truyền hình không nặng nề như phim điện ảnh.
Đa phần là hỗ trợ diễn viên trong việc quản lý, chuẩn bị phục trang và phối phụ kiện với trang phục sao cho phù hợp với yêu cầu của vai diễn trong từng cảnh quay. Chuyện diễn viên sắm đồ hiệu đắt tiền và lộng lẫy ra phim trường mà không được đạo diễn đồng ý cũng xảy ra rất nhiều ở các đoàn phim", nhân viên phục trang chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo