Kiểm soát quảng cáo 'lố' của người nổi tiếng: Cần giải pháp xử lý mạnh tay
Lo ngại chuyện nghệ sĩ "tô hồng", “nói quá” thiếu kiểm chứng vềsản phẩm
Với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm đang trở nên phổ biến. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp quảng cáo các loại thực phẩm chức năng, thậm chí thực phẩm dành cho trẻ em nhưng không bảo đảm chất lượng hoặc nguồn gốc rõ ràng. Vấn nạn này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của những người nổi tiếng, khi ảnh hưởng của họ đối với quyết định mua sắm của người tiêu dùng ngày càng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng.
Ví dụ điển hình là thời gian qua,diễn viên nổi tiếng Quyền Linh, Cát Tường đã livestream giới thiệu loại sữa dành cho người lớn tuổi, khẳng định sản phẩm này có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường và giảm đau nhức xương khớp…
Sau khi cơ quan chức năng và truyền thông vào cuộc, hai diễn viên này đã phải thừa nhận nói quá công dụng từ sữa "hỗ trợ" thành sữa "trị bệnh". Và đáng tiếc, những tuyên bố thiếu căn cứ của các nhân vật nổi tiếng có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, đặc biệt là những người đang mắc bệnh, “có bệnh vái tứ phương” tin tưởng tuyệt đối vào lời nói của các ngôi sao.
Chưa hết, nhiều vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận. Một tài khoản TikTok là Yona Cươn (hiện đã đổi là Yona Lim) với 6,5 triệu lượt theo dõi đã livestream bán sữa tăng cân, chỉ sau vài buổi, người này bán gần 10.000 hộp. Sau đó, hãng sữa bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, buộc người quảng cáo phải lên tiếng xin lỗi.
Trước đó, một kênh TikTok khác là mẹ Linh Bí quảng cáo sản phẩm "thạch canxi" giúp cải thiện chiều cao cho trẻcũng đã phải lên tiếng xin lỗi vì thông tin không chính xác.
Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, khoảng 50% người tiêu dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các influencer, KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường). Do đó, các nhãn hàng cần thận trọng khi lựa chọn các influencer và KOL, KOC bởi lực lượng này có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng và hành trình mua sắm của NTD tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Influencer Marketing (tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng) đang phát triển rầm rộ và tác động mạnh đến hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách khách hàng đưa ra quyết định mua sắm. Statista dự báo chi tiêu cho quảng cáo sử dụng Influencer tại Việt Nam sẽ đạt 87,02 triệu USD trongnăm 2024. Tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến (CAGR 2024 - 2028) của chi tiêu cho hạng mục quảng cáo này tại Việt Nam là 11,67%, dẫn đến giá trị thị trường dự kiến là 135,30 triệu USD vào năm 2028.
Tuy nhiên trong sự phát triển rầm rộ đó, việc kiểm chứng sản phẩm trước khi quảng cáo hiện nay vẫn rất lỏng lẻo, phụ thuộc nhiều vào đạo đức nghề nghiệp của những người làm nội dung. Không phải ai cũng giữ vững được nguyên tắc khi tham gia vào lĩnh vực thương mại này. Chính vì thế, việc siết chặt quy định với người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng bá đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Siết chặt quản lý
Để chấm dứt tình trạng quảng cáo vô trách nhiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới đây. Trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo tập trung khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật, bổ sung cơ chế xử lý người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội.
Theo đó, Bộ đề xuất định nghĩa rõ "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" là những cá nhân trực tiếp quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội hoặc qua các hình thức quảng cáo khác. Những người này phải cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm, thu nhập từ hoạt động quảng cáo, nội dung quảng cáo và thông tin về doanh thu theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi sản phẩm không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Đặc biệt, người có tầm ảnh hưởng lớn (những người có từ 500.000 lượt theo dõi trở lên) phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về quảng cáo và cung cấp bằng chứng cụ thể khi đánh giá các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh rằng, hoạt động quảng cáo đang chuyển dịch từ truyền thống sang môi trường mạng với sự chiếm ưu thế của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok. Để quản lý hiệu quả lĩnh vực này, ngoài việc sửa đổi luật, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát hoạt động quảng cáo.
Ngoài ra, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương cũng là một phần quan trọng trong nỗ lực xử lý vi phạm. Bộ cũng kiến nghị nâng cao trình độ cho các cán bộ quản lý phụ trách lĩnh vực quảng cáo, nhằm đảm bảo hoạt động này được quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Căn cứ khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, không chỉ riêng nghệ sĩ mà tất cả mọi người đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố… sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo