Văn hóa

Lê Âu Ngân Anh: 'Là giảng viên, tôi không cho học viên chụp hình hay quay phim khi đang giảng bài'

Ngân Anh cho biết, cô đã nỗ lực rất nhiều để trở thành giảng viên của trường Đại học Quốc tế Hoa Sen. Cô muốn mọi người công nhận năng lực, không phải dùng hai chữ giảng viên đánh bóng tên tuổi.

Lê Âu Ngân Anh "tái xuất" khoe body nuột nà "đốt mắt" / Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh ái mộ Quang Hải

Chào Ngân Anh! Cũng một thời gian khá dài rồi kể từ khi bạn đăng quang Hoa hậu Đại Dương, bước qua những lùm xùm và những lời chê bai, nhìn lại quãng thời gian đó bạn có cảm thấy ám ảnh không?

- Cũng gần 3 năm rồi, để nói nhớ từng chi tiết, từng cảm xúc tôi sẽ không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ đó là đợt khủng hoảng của tôi và gia đình. Mặc dù cũng phải mất hơn 3 tháng đầu, tôi loay hoay để cố chứng minh mình không như những gì dư luận bàn tán, thậm chí là mất phương hướng vì tôi không biết nên làm gì tiếp theo. Tôi là người sống tình cảm nên cũng khá nhạy cảm và tổn thương với những lời chê bai, đặc biệt những lời lẽ không đúng về mình. Tôi đi học chỉ có bạn bè, thầy cô, người thân góp ý. Sau một đêm, khi mở báo, mở mạng ra tôi đọc được những lời nói tiêu cực từ những người không quen biết, tôi khá sốc. Nhưng sau tất cả, tôi may mắn vì được gia đình định hướng, được anh chị trong nghề yêu thương, cho tôi thấy được ánh sáng nên ám ảnh về chuyện đó không còn nhiều. Đến bây giờ, tôi đã thấy mình vững vàng hơn, bình tĩnh đối diện và biết cách xử lý khéo léo hơn với những lời không hay về mình.
Đến bây giờ mọi người công nhận bạn xinh hơn trước rất nhiều nhưng danh hiệu “Hoa hậu xấu nhất lịch sử” hay “Người đẹp có những khoảnh khắc không đẹp nhất” vẫn gắn liền với tên bạn, Ngân Anh có thấy khó chịu không?

- Thật sự đến bây giờ, khi tôi Google tên mình để xem chuyện gì về mình được mọi người quan tâm nhiều nhất, thì những hình ảnh đêm đăng quang vẫn hiện ra đầu tiên. (Cười) Hồi đó thì tôi có không vui, nhưng bây giờ tôi còn đùa vui với mọi người đó là dấu ấn trong lịch sử mà, chắc còn lâu lắm mà cũng không bao giờ có một cô Hoa hậu đăng quang với tai nạn hình ảnh dở khóc dở cười vậy đâu. Cũng chính từ những ấn tượng đầu tiên đến khán giả về tôi không đẹp, nên họ mới thấy rõ được sự khác biệt của tôi ngày hôm nay với một phiên bản bản lĩnh hơn, hoàn thiện hơn từ nhan sắc đến phong cách và tư duy qua những cố gắng và sự cầu tiến học hỏi.

106767486_3284760688416025_5265082044032640205_o-ngoisaovn-w636-h960 3

Lê Âu Ngân Anh

105976597_3284776191747808_1142894993753398756_o-ngoisaovn-w1332-h2000 2

Từ đầu, bạn không được công nhận về nhan sắc, cũng không dính liền đến hàng hiệu hay đồ xa xỉ nên bạn chọn hướng đi riêng là về giáo dục, khác với mọi người hay làm về nhà cửa, xe cộ, nhan sắc…?

- Tôi ấp ủ dự án YouTube này từ đầu năm nay, trong thời gian dịch bệnh nên tôi cũng có nhiều thời gian hơn. Tôi thích xem YouTube về những nội dung phát triển bản thân và lĩnh vực tài chính - kinh doanh. Tôi cảm thấy mình được truyền cảm hứng và thôi thúc ngay ý nghĩ tạo lập một kênh riêng cho mình. Tôi nhận thấy YouTube bây giờ không chỉ là kênh để giải trí, đã có nhiều Youtuber thành công trong việc sáng tạo ra những nội dung có ích để học hỏi, nó như một nền tảng tìm kiếm thông tin như Google vậy.
Tôi nhớ khoảng 7-8 năm về trước khi mình còn là học sinh, mỗi lúc thắc mắc hay muốn tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống nhưng không thể hỏi trực tiếp gia đình hay thầy cô, tìm kiếm trên Google cũng chỉ toàn là những lời khuyên qua văn bản, không có cảm giác có người đang chia sẻ để tạo sự tin tưởng, thời gian đó việc sáng tạo nội dung qua hình thức video không quá phổ biến. Bản thân tôi không tự nhận mình có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng về những vấn đề học hành, trải nghiệm khi bắt đầu đi làm như thế nào thì tôi nghĩ mình cũng thu lượm được kha khá vấn đề để chia sẻ lại với các bạn trẻ. Tôi mong muốn kênh Youtube của mình có thể là một người bạn để các bạn có thể tin tưởng chia sẻ những điều các bạn đang băn khoăn.
Tuy nhiên, khi mình manh nha bắt tay vào làm một dự án nào đó, mình cũng cần sự tìm hiểu về thị trường giống như khi khởi nghiệp vậy, làm Youtube cũng thế. Tôi nhận thấy làm về nội dung giáo dục cũng khá kén khán giả nhưng mục tiêu của tôi là xây dựng một kênh có giá trị về mặt nội dung và đầu tư cho chất lượng hình ảnh đã, tôi chưa đặt nặng việc lượt xem phải đạt đến bao nhiêu. Sắp tới tôi cũng đi dạy cho các bạn sinh viên Đại học. Tôi muốn trong năm nay định hướng hình ảnh và công việc của tôi sẽ tiếp cận với lĩnh vực giáo dục nhiều hơn.
Đợt ra mắt YouTube cũng rơi vào thời điểm tuyển sinh cho kì thi THPT Quốc gia nên tôi muốn đưa chủ đề học hành lên trước. Bên cạnh đó, tôi cùng ê-kip đã lên kế hoạch về kịch bản để linh hoạt sản xuất nhiều chủ đề khác về du lịch - ăn chơi, thời trang, tips làm đẹp,... để gần gũi và cũng cho mọi người được nhìn thấy nhiều khía cạnh khác của tôi ở ngoài đời.
Bạn đã chuẩn bị những gì để có thể làm một giảng viên?

- Đó cũng là may mắn của tôi. Tôi có bằng Thạc sĩ ngành Quản trị Sự kiện Quốc tế. Trước giờ, chương trình đào tạo ở Việt Nam hầu như không có chuyên ngành dạy riêng về môn này, thường chỉ là học phần trong ngành Ngoại Thương, Marketing hoặc Quản trị Khách sạn & Du lịch. Trường Đại học Hoa Sen trong năm học mới sẽ mở ngành Quản trị sự kiện, nên phía bên nhà trường có chủ động liên hệ với tôi mời hợp tác.
Tôi biết mình mới có bằng thạc sĩ thì chỉ là điều kiện cần thôi, muốn đi dạy thì tôi cần phải trau dồi nhiều thêm nữa. Nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội tốt, cứ thử xem thế nào. Tôi bắt đầu học bổ sung khoá chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm, rồi đi dự giờ, làm trợ giảng, tham gia sinh hoạt chuyên môn. Tôi còn có một buổi giảng dạy thử trước phòng nhân sự, thầy Phó khoa để đánh giá phong cách đứng lớp và phương pháp giảng dạy của tôi có phù hợp không. Nói chung, cần trải qua 6 tháng tập sự, tôi mới được duyệt trở thành Giảng viên chính thức, dự kiến vào cuối năm nay. Còn hiện tại, tôi vẫn là giảng viên tập sự để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các thầy cô.
Áp lực lớn nhất khi làm giảng viên của bạn là gì?

- Nếu là một giảng viên bình thường, tôi không quá áp lực. Nhưng vì các bạn sinh viên ít nhiều đã biết đến tôi, các bạn sẽ để ý nhiều hơn. Cùng với đó là sự kỳ vọng và dò xét xem cô giáo Ngân Anh sẽ thế nào khi đứng trên bục giảng. Thời tôi còn đi học, thầy cô và học sinh thường có khoảng cách với nhau, ít có sự tương tác, như vậy việc giảng dạy ít nhiều sẽ không đạt hiệu quả cao. Tôi không muốn mình cũng như vậy với sinh viên của mình. Tôi muốn có sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách để các bạn có cơ hội tương tác với tôi nhiều hơn. Vì tính ra, các bạn sinh viên chỉ cách tôi 3-4 tuổi, ngoài đời có thể xưng hô là chị em, nên tôi nghĩ mình có lợi thế nắm bắt được tâm lý của các bạn nên sẽ không quá khó khăn trong việc tương tác với các bạn.
Bạn có lo lắng nhiều về việc các bạn còn quá trẻ, không tập trung nghe giảng hay chụp ảnh giảng viên đưa lên mạng xã hội, có thể sẽ ghi lại khoảnh khắc kém xinh của bạn?

- Khi đứng lớp, tôi sẽ trao đổi với các bạn những quy tắc tôi đề ra, trong đó có việc không được chụp hình hay quay phim khi tôi đang giảng bài. Các bạn có thể sử dụng điện thoại, hoặc chụp lại bài giảng. Không phải vì tôi ngại việc bị ghi lại những khoảnh khắc kém xinh, tôi muốn các bạn sinh viên chú tâm đến nội dung tôi giảng dạy chứ không phải vì xem tôi là một người đẹp đi dạy.
Công việc giảng viên chiếm bao nhiêu phần trăm khối lượng công việc hàng ngày của bạn?

- Hiện tôi vẫn có nhiều công việc khác nên chia thời gian dành cho việc giảng dạy cũng khá khó khăn. Giảng viên cơ hữu có quy định phải dạy 1.600 giờ một năm, bao gồm ba hoạt động: giảng dạy trên lớp, nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa như tổ chức hội thảo, tuyển sinh, công tác xã hội. Tôi phải thuyết phục xin giảm một phần ba số giờ cống hiến vì tôi không thể lên trường toàn thời gian. May mắn, tôi được Nhà trường đồng ý hỗ trợ và tạo điều kiện cho tôi để đảm bảo việc giảng dạy được tốt nhất nhưng vẫn không ảnh hưởng đến những công việc bên ngoài.

89093581_3158295151062580_3710691137736933376_o-ngoisaovn-w1332-h2011 1

88273045_3158292171062878_1394745218686779392_o-ngoisaovn-w1461-h1001 0

Lê Âu Ngân Anh: 'Là giảng viên, tôi không cho học viên chụp hình hay quay phim khi đang giảng bài'

Bạn có chú trọng hình thức của bản thân khi đứng trước sinh viên không? Ví dụ bạn phải chỉn chu, xài hàng hiệu để thấy được đẳng cấp trước sinh viên?

- Khi đi dạy, tôi vẫn giữ phong cách hàng ngày của mình là nữ tính, thanh lịch. Tôi vẫn mặc đầm váy, thậm chí đồ hiệu nhưng không quá ngắn, hở hang hay có hoạ tiết cầu kỳ để tránh làm các bạn sinh viên bị phân tâm. (Cười) Nghiêm túc mà nói, đây là môi trường sư phạm chứ không phải thảm đỏ sự kiện. Tôi nghĩ khi là giảng viên, chuyện ăn mặc cần phải chú trọng, đảm bảo khi xuất hiện trước sinh viên lúc nào cũng chỉn chu, lịch sự.
Bạn có muốn gắn bó lâu dài với nghề nhà giáo không hay chỉ là bạn đang định hướng hình ảnh?

- Tôi không tiếp cận công việc giảng dạy để làm hình ảnh cho mình. Bất cứ công việc nào tôi làm tôi đều xác định đây không phải là cuộc dạo chơi. Chưa kể là muốn trở thành Giảng viên mà được công nhận về mặt chuyên môn, tôi phải nỗ lực rất nhiều.
Nhưng tất nhiên tôi cũng có định hướng công việc và mục tiêu của tôi trong 2-3 năm tới là chuẩn bị cho một mô hình kinh doanh giáo dục. Nên việc tôi đi dạy cũng là cơ hội để tiếp cận với những đối tượng phù hợp mà mình muốn lắng nghe ý kiến cũng như những đối tượng muốn tiếp nhận chia sẻ từ mình. Việc đứng lớp cũng sẽ rèn luyện cho tôi cách diễn đạt lưu loát, nắm bắt tâm lý từ người học, tạo động lực cho tôi phải luôn cập nhật không ngừng những nguồn kiến thức mới. Tôi cũng kỳ vọng mình sẽ quan sát và học hỏi thêm về cách vận hành và quản lý trong môi trường giáo dục.
Một người có danh hiệu, có tri thức và đi theo một công việc về giáo dục, tiêu chuẩn đàn ông của bạn có thay đổi so với trước đây không?

- Trước giờ, tôi vẫn không có một tiêu chuẩn bạn trai nào cụ thể. Tôi vẫn quan trọng cảm xúc và ấn tượng khi lần đầu gặp mặt. Nhưng tôi nghĩ nếu tôi quen một người lớn hơn tầm 5 đến 10 tuổi có lẽ sẽ hợp hơn là một anh trẻ tuổi nào đó, vì phong cách và suy nghĩ của tôi có phần chững chạc hơn tuổi. Tôi sẽ ấn tượng mẫu đàn ông thông minh, bản lĩnh, có sự cầu tiến và có mục tiêu rõ ràng trong công việc. Tôi không quan tâm nền tảng của họ giàu hay nghèo, chỉ cần thông minh, bản lĩnh và cầu tiến, chắc chắn họ sẽ là người thành công.
Cảm ơn Ngân Anh về buổi trò chuyện này!
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm