Liên hoan Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết: Gượng dậy, vươn lên và tỏa sáng
DNVN - Với chủ đề "Mỗi con người một tài năng khác biệt", 9 thí sinh xuất sắc nhất của Liên hoan Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019 sẽ có mặt tại đêm chung kết vào ngày 18/4 tại Hà Nội. 9 thí sinh mang 9 vẻ đẹp khác nhau ở nghị lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trí tuệ, sự tự tin khẳng định bản thân và những tài năng tiềm ẩn bên trong mỗi người...
Trước thềm đêm chung kết Liên hoan Vẻ đẹp Vàng trăng khuyết, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu chân dung 9 thí sinh xuất sắc nhất của sự kiện tôn vinh người phụ nữ khuyết tật.
Danh sách 9 thí sinh tham dự Vòng Chung kết Liên hoan "Vẻ đẹp Vầng trắng khuyết".
1. Thí sinh Bế Thị Băng: Ngã rẽ cuộc đời và nỗ lực vươn lên
Bế Thị Băng mang số báo danh 20 đến từ Cao Bằng chia sẻ, tuổi thơ của em cũng được như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng bất ngờ ập đến khi em bị tai nạn giao thông. Chiếc xe container đâm vào đuôi xe máy làm em ngã xuống đường. Không may bánh xe tải đè lên chiếc xe máy và chân phải của em bị kéo lê trên đường gần 3m. Khi vào viện, do tổn thương quá nhiều, mất máu quá nhiều và để bảo toàn cho tính mạng bác sĩ đã phải cắt bỏ và tháo 1 phần khớp háng bên phải của em.
Sau 4 ngày tỉnh lại từ cơn mê phẫu thuật khi biết bản thân mình đã không còn lành lặn nữa và 1 chân đã bị cắt đi. Em chỉ biết im lặng và khóc thầm trong nỗi đau âm ỉ của thể xác và tình thần mỗi ngày. Thật sự đó là một nỗi đau và 1 cú sốc quá lớn trong cuộc đời của em.
Nhưng rồi mọi nỗi đau cũng đã qua. Em đã tự động viên bản thân mình rằng. Điều quan trọng là em vẫn còn được sống đó là một hạnh phúc và ngày mai ngày mai nữa em vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống này.
Em tự nhủ với bản thân mình rằng, dù là người khuyết thật hay lành lặn chúng ta có quyền được bình đẳng và được sống, có quyền tự tin với chính mình.
2. Thí sinh Phạm Thị Thắm: Hành trình theo đuổi con chữ trên xe lăn
Năm lên 10 tuổi căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Phạm Thị Thắm - cô gái mang số báo danh 21 đến từ Thanh Hóa.
"Bị liệt nửa người dưới, vệ sinh không tự chủ được, sinh hoạt hàng ngày phải nhờ bố mẹ và chiếc xe lăn. Nhà tôi nghèo lắm, có thứ gì bán được ra tiền chạy chữa cho con bố mẹ bán cả, tôi thèm khát được đứng trên đôi chân của mình, được chạy nhảy tung tăng nhưng điều đó chỉ xuất hiện trong giấc mơ hàng đêm.
Tôi muốn được đi học như bạn bè. Bố mẹ chiều tôi ngày ngày đẩy xe lăn đưa con tới lớp. Hành trình theo đuổi con chữ trên xe lăn của tôi buồn vui có cả. Có lần bật khóc tủi thân vì câu nói hờn trách vô tư của đứa bạn rằng "Nghỉ học đi vì cậu mà bọn tôi không được học trên tầng đấy". Đám bạn đặt cho tôi biệt danh Thắm què.
Ra đường, tôi rất sợ những câu hỏi thăm vô tình hay ác ý, những ánh mắt tò mò hay thương hại. Lâu dần tôi sống khép kín trong nhà, không thích tiếp xúc với người xung quanh. Xem tivi mà thấy có cảnh người khuyết tật là chuyển tivi ngay vì sợ đối diện với sự thật.
Người khuyết tật chúng tôi không cần sự thương hại hay bố thí, thứ chúng tôi cần là sự công bằng trong ứng xử, được hòa nhập. Ước mơ xây dựng Trung tâm Đào tạo nghề cắt may cho người khuyết tật sẽ rất khó khăn nhưng tôi tin mình có ý chí không gì là không thể...", Thắm chia sẻ.
3. Thí sinh Nguyễn Thị Lệ Thu: Chỉ cần nỗ lực, không gì là không thể!
Theo chia sẻ của Nguyễn Thị Lệ Thu, thí sinh mang số báo danh 40 đến từ Bắc Giang: Một ngày cuối tháng 11, khi tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối kỳ lớp 5, tai nạn xảy ra khi tôi cùng mấy bạn hàng xóm trèo lên bãi đất cao xem máy xúc đất. Chiếc máy xúc bị lật nhào, mấy người bạn đã nhanh chân nhảy xuống được, còn tôi do phải bế em gái mới 8 tháng tuổi trên tay nên không nhảy xuống được. Dù đất đá, máy xúc đè lên chân phải đau đớn nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi vẫn cố gắng dâng em gái lên cao ngang và cầu cứu mọi người cứu em mình.
Thật may mắn là em gái tôi đã an toàn, nhưng tai nạn đó đã cướp đi vĩnh viễn của tôi một bên chân. Hoàn cảnh kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy sự cố đã lấy đi một bên chân, nhưng không vì thế mà tôi bỏ dở việc học tập. Sau khi nằm viện 1 tháng tôi được xuất viện, mặc dù cơ thể vẫn còn nhiều đau đớn do vết thương nhưng tôi đã xin gia đình cho trở lại trường học để theo kịp các bạn.
Con đường đến trường dường như dài hơn nhưng với nghị lực và niềm lạc quan vào cuộc sống tôi vẫn tự đến trường và tham gia các hoạt động như bao bạn bè khác. Năm 2012, tôi thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Hà Nội – chuyên ngành kế toán.
Việc bản thân mất đi 1 chân đồng nghĩa với việc tôi sẽ bước chậm hơn bạn bè, bước đi sẽ khó khăn hơn bạn bè thì buộc tôi phải thôi thúc bản thân phải cố gắng hơn bạn bè gấp nhiều lần. Phương châm mà tôi luôn theo đuổi là “Chỉ cần nỗ lực, không gì là không thể”! Tôi tâm niệm “Hãy cười hết mình vì ngày hôm nay, còn muốn khóc hãy cứ để ngày mai khóc trên thành công của mình”.
Một thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả mọi người rằng: Mỗi chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy nhìn nhau bằng ánh mắt bao dung, độ lượng, mở rộng lòng mình đón nhận những mảnh đời thiệt thòi đó để cuộc sống của họ thêm tươi đẹp và lạc quan, tin tưởng vào xã hội này.
4. Thí sinh Bùi Thị Phương: Ở đời này không có con đường cùng...
Thí sinh mang số báo danh 41 và đến từ Thanh Hóa rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trích trong tác phẩm Mùa Lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Là một người khuyết tật nhưng Phương chưa bao giờ nghĩ mình là một người khuyết tật. Sinh ra là một người bình thường nhưng cơn sốt cao lúc ba tháng tuổi đã làm cho một bên chân phải của Phương teo đi, giảm vận động, theo năm tháng bên chân đó không lành lặn bình thường.
"Trong quãng thời gian theo tuổi đời cái dáng đi khập khiễng đó biết bao nhiêu lần khiến bản thân buồn tủi mặc cảm, cô đơn, những mong muốn, ước mơ của mình bị thu hẹp thậm chí lấy đi cả nhu cầu hạnh phúc mà mình đã hằng mong ước. Nhớ lại những ngày đó mùa hè ấm áp thì không sao chứ lúc ngày đông giá rét bên chân lạnh cóng, tê dại run run, nhìn cả chân thâm tím vì lạnh tới mức không giữ nổi đôi dép trên chân mà xót xa.
Hiện nay công việc của mình bán hàng thuốc tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi chọn đúng nghề thứ nhất là tự chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình, cho những người thân trong gia đình, góp phần nhỏ bé vào việc chăm sóc và bảo về sức khỏe trong cộng đồng, thứ hai công việc này phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
5. Thí sinh Lê Trang: Tự tin là chìa khóa mở cánh cửa thành công
Lê Trang - thí sinh mang số báo danh 46 đến từ Bình Dương cho biết, với thị lực chỉ 4% nhưng lại chọn ngành báo chí - truyền thông cho con đường học vấn và sự nghiệp của mình.
"Vốn liếng duy nhất mà tôi có đó là sự tự tin. Suốt 4 năm đại học, tôi đã từ chối nhận chu cấp từ gia đình, lý do là vì tôi không nghĩ tôi là người khuyết tật, tôi hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân. Và tôi đã thành công vì tôi tự tin.
Và tôi không đẹp nhưng tôi dám mạnh dạn tham gia liên hoan Vẻ Đẹp Vầng Trăng Khuyết cũng bởi vì tôi tự tin. Bạn đừng nghĩ tôi giỏi vì so với một người bình thường tôi còn thua kém rất xa, nhưng tôi rất vui nếu ai đó nói rằng tôi nỗ lực.
Với tôi tự tin chính là chìa khóa mở cánh cửa thành công, và tôi muốn chia sẽ điều đó đến những người có hoàn cảnh không may, nhất là các bạn khuyết tật chưa dám tự tin để bước ra khỏi giới hạn của mình, vì đơn giản chúng ta không thay đổi được cuộc sống nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi mình để thích nghi".
6. Thí sinh Nguyễn Thị Ly: Ám ảnh bởi những tiếng cười chọc ghẹo
Thí sinh mang số báo danh 59 và đến từ Thanh Hóa này chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Năm lên 3 tuổi tôi bị ốm, gia đình đưa đi tiêm, do sơ ý, bác sĩ đã tiêm nhầm vào dây thần kinh và tôi bị tật ở chân từ ấy.
Khó khăn chồng chất trong suốt thời gian tôi đi học. Trong khi đó, tôi luôn bắt gặp những cặp mắt của những người bạn mới lần đầu tiên gặp mình, những tiếng xì xầm và chỉ trỏ cả những tiếng cười chọc ghẹo văng vẳng bên tai. Tuy nhiên, tôi đã nỗ lực vượt qua tất cả mặc cảm và khó khăn.
Với tôi, người khuyết tật có thành công hay không là do ý chí mạnh mẽ và sự nỗ lực kiên trì của chính mình. Cảm ơn BTC Liên hoan "VẺ ĐẸP VẦNG TRĂNG KHUYẾT" đã tổ chức một sân chơi đầy tính nhân văn, tạo điều kiện cho chúng tôi - những người khuyết tật có cơ hội gặp gỡ, làm quen, giao lưu và học hỏi những tấm gương nghị lực của những người khuyết tật khác và có cơ hội để chúng tôi có điều kiện để chứng tỏ năng lực bản thân...
7. Thí sinh Phan Thị Kim Vân: Không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình
Theo Phan Thị Kim Vân - thí sinh mang số báo danh 62 đến từ Quảng Nam: Không quá lạc quan, cũng đừng quá bi quan, hãy thực tế và luôn biết hi vọng. Vân vẫn nghĩ vậy và luôn nghĩ như vậy khi trải nghiệm cuộc sống hiện tại của cô gái ngồi xe lăn đầy nhựa sống của tuổi trẻ.
Nếu cuộc đời bất công cho Vân được chọn lại Vân vẫn muốn Vân của hiện tại. Luôn có chiếc xe lăn là người bạn tri kỷ nâng bước chân Vân trên mọi chặng đường. Một nụ cười, một lời nói “chú ơi, cô ơi, hay bạn ơi, giúp mình qua chỗ này với nhé”? Ta nhận được gì? Họ nhận được gì? Là lạc quan, là niềm vui, là niềm tin vào cuộc sống, cả ta và họ đều có thêm những người bạn, những tình bạn đẹp. Đó đâu phải là khó khăn, đó là thử thách mà mỗi người chọn cách vượt qua.
Thực tế mình là người khuyết tật, sẽ còn đó những trở ngại và cả những thách thức. Nhưng Vân không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người vô cảm khi nhìn thấy mình, mình không tin là không nhờ được ai giúp trong hoàn cảnh ấy. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi Vân nhận ra đó là trải nghiệm thú vị
Hạnh phúc đơn giản với Vân không ngừng yêu thương và được yêu thương. Vân vẫn làm và sẽ làm nó mỗi ngày bằng tất cả lòng biết ơn và tự hào. Sống vui, sống khỏe, học tập và làm việc chăm chỉ, hướng đến những điều tốt đẹp.
8. Thí sinh Lê Hương Giang: Bước chân ra khỏi "vòng tròn" của chính mình
Cô gái mang số báo danh 64 đến từ Hà Nội từng kể: Tôi biết mình may mắn khi được sinh ra ở Hà Nội, được học tại trường Nguyễn Đình Chiểu – trường hòa nhập cho trẻ khiếm thị, vậy là tôi đã được nhận sự trợ giúp tốt nhất với người khuyết tật khi ở Việt Nam trong thời điểm đó.
Nhưng nếu ai đó hỏi “Con mơ ước sau này làm nghề gì?” thì tôi không trả lời được. Vì với tôi ngày còn nhỏ, thế giới của tôi chỉ là gia đình và trường học, việc không có trải nghiệm về cuộc sống xung quanh khiến chúng tôi không đặt mục tiêu gì rõ ràng cho tương lai.
Tôi đã giữ quan niệm người khuyết tật Việt Nam là những người khó khăn nhất cho đến khi tham gia cuộc thi “Thử thách Công nghệ Thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tại Hàn Quốc. Ở đó tôi gặp một bạn bị liệt toàn thân chỉ cử động được đôi bàn tay, những thí sinh đến từ quốc gia xa xôi mà tôi chưa từng nghe tên với cuộc sống đi học bị hạn chế, cơ hội việc làm hạn chế, cơ hội tiếp cận môi trường hòa nhập không nhiều,...
Tôi mới thấy khiếm thị không phải là điều gì đó quá tồi tệ, và là người khiếm thị ở Việt Nam tôi có được nhiều điều hơn tôi nghĩ. Bước chân ra khỏi “vòng tròn” của chính mình, tôi có cơ hội đến nhiều nơi và kết thêm nhiều bạn bè.
Có thể cuộc sống của người khuyết tật ở Việt Nam chưa được lí tưởng nhưng bạn thấy đấy bản thân chúng tôi đang cùng nhau cải thiện nó mỗi ngày. Ngày hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai những điều tươi sáng hơn sẽ đến. Giờ đây chúng tôi không còn trông chờ vào sự may mắn mà chính người khuyết tật cần chủ động vì cuộc sống của chính mình. Một ngày nào đó, học tập, công việc, sinh hoạt sẽ dựa vào khả năng và tài năng của mỗi người.
9. Thí sinh Nguyễn Thị Huyền: Khuyết tật là bất tiện chứ không hề bất hạnh
Thí sinh Nguyễn Thị Huyền - cô gái bé nhỏ mang số báo danh 43 đến từ Đak Nông - từ thủa bé đã luôn mơ ước sau này sẽ trở thành một lập trình viên tài ba và một diễn giả nổi tiếng để qua những việc làm của em mọi người có thể cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống, cũng như biết được sự khát khao học tập, khát khao hòa nhập cộng đồng của một cô bé tật nguyền như em.
Nhưng em chia sẻ: Với bản thân và gia đình em, ước mơ đó thật quá xa vời. Gia đình em nghèo lắm, mẹ ốm đau luôn. Mẹ bị bệnh tim, bệnh khớp, bị sập xương sống không làm được việc nặng nên mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai gầy của người cha già đang mang căn bệnh hở van tim trong người. Nhà có những bảy anh chị em. Bản thân em lại bị khuyết tật, khó khăn chồng chất khó khăn.
Nhưng không vì thế mà em nản chí. Em luôn cố gắng học tập để đạt được ước mơ của bản thân và không phụ lòng cha mẹ. Lên đại học, gia đình khó khăn, tiền chi phí học tập, sinh hoạt không đủ cha phải đi mượn tiền lời cho em tiếp tục học. Bản thân lại đi lại khó khăn nhưng em quyết không đầu hàng số phận. Em luôn tin chim cánh cụt vẫn có thể bay.
Ước mơ của em là có một công việc tốt và có đủ khả năng để giúp đỡ những người kém may mắn như mình có thể hòa nhập cuộc sống, tự tin thực hiện đam mê của mình. Khuyết tật trên cơ thể không hẳn là kém may mắn, bởi sự kém may mắn chính là bạn thiếu sự tin tưởng vào bản thân, luôn tỏ ra yếu đuối, dễ dàng gục ngã và không hề có định hướng, đam mê bản thân. Với em khuyết tật là bất tiện chứ không hề bất hạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo