MC Quyền Linh: Từ tận cùng của đói khổ, cơ cực tới đại gia trăm tỷ ai cũng ngưỡng mộ
Kỷ niệm 14 năm ngày cưới, MC Quyền Linh nhắn nhủ đến bà xã điều không ngờ tới / MC Quyền Linh: "Người nghèo toàn gọi tôi là “mày - tao” rất chân tình"
Từ nhiều năm qua, cái tên Quyền Linh đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả truyền hình, qua những chương trình "khủng", có độ phủ sóng toàn quốc như Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình, Bạn muốn hẹn hò...
Với lối dẫn dắt đầy tự nhiên, chân thành, giản dị và dân giã, gần gũi, MC Quyền Linh đã chiếm được tình cảm của đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giả vùng thôn quê. Anh được mọi người ưu ái gọi là "MC quốc dân".
Quyền Linh cũng là cái tên bảo chứng cho bất cứ chương trình truyền hình nào, về độ ăn khách và lan tỏa. Còn nhớ, khi chương NSND Tự Long bận lịch diễn không thể ghi hình tại Ký ức vui vẻ, nhà sản xuất đã mời ngay MC Quyền Linh tới vì chỉ có anh mới đủ sức lấp đầy khoảng trống đó.
MC Quyền Linh
Đi liền với thành công trong nghề, MC Quyền Linh cũng sở hữu một khối tài sản đồ sộ hàng trăm tỷ. Mới đây, thông tin anh bỏ 200 tỷ mở khu du lịch sinh thái đã khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Tuy nhiên, để có được vị trí của ngày hôm nay, MC Quyền Linh đã phải trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ.
Nỗi ám ảnh về cái nghèo và cơ cực thời thơ ấu
Những nghệ sĩ đi lên từ khó khăn trong showbiz không thiếu, nhưng Quyền Linh lại là trường hợp đặc biệt hơn cả, khi phải ở trong tận cùng của cảnh nghèo khổ.
Cái nghèo dường như trở thành nỗi ám ảnh trong suốt chặng đường sự nghiệp của Quyền Linh, ảnh hưởng mạnh mẽ tới tính cách, lối sống và phong cách dẫn chương trình của anh.
Quyền Linh sinh ra đã nghèo, phải sống dưới quê trong một căn nhà tranh vách đất. Vì miếng cơm manh áo, từ thưở bé, anh đã phải thức khuya dậy sớm, tự tay xay bột bằng chiếc cối đá nặng hàng chục cân, rồi làm bánh đúc, bánh lọt, bánh da heo để rao bán khắp phố phường, bất kể nắng mưa.
"Từ năm 6 tuổi tôi đã phải sống với cái cối xay rồi. Hồi đó tôi còn bé mà ròng rã từ đêm này qua đêm khác phải xay bột bằng cối.
Tôi phải đi bán bánh đúc, bánh lọt từ lúc bé tí. Nhà không ai làm nên tôi cũng phải tự lấy cối ra xay bột. Bột ngon làm bánh đúc, xay thừa thì làm bánh lọt, rồi làm cả nước cốt dừa, nước mắm.
Quyền Linh rưng rưng nước mắt nói về tuổi thơ nghèo khó
Tôi phải thức dậy lúc 2 giờ sáng để vo gạo rồi đem ra cối xay. Lắm lúc cái ngỗng cối bị hư, tôi xay gạo không nhuyễn, bị sạn nên phải nhấc cả cối ra để sửa lại ngỗng cối" – Quyền Linh nghẹn ngào nhớ lại.
Cuộc sống vất vả, đến cái xui cái rủi cũng được đà đeo bám Quyền Linh. Rất nhiều lần anh bị cối rơi vào chân, dập cả xương, chảy máu. Đau đớn là thế, nhưng Quyền Linh không hề được nghỉ ngơi, mà vẫn làm việc cật lực, vì với anh ngày đó, cái nghèo còn đáng sợ hơn cái đau, chỉ cần có tiền là sẽ bớt đau. Anh nói:
"Nhiều khi buồn ngủ quá nên nhấc cối ra không giữ được, rơi xuống dập cả ngón chân, máu chảy tung tóe. Tôi bị dập xương mấy lần do cối rớt xuống.
Sáng dậy đi bán bánh đúc, tôi không đi nổi vì đau quá. Đau quá, tôi phải nhai lá chuối để buộc vào ngón chân tóe máu rồi đi tập tễnh bán bánh đúc cà nhắc cà nhắc.
Nếu bữa đó bán đắt hàng thì đỡ, chứ bán ế thì lại càng đau. Thường thì những bữa đó bán ế hơn vì chân đau nên tôi không đi được xa".
Gia cảnh nghèo khó bó buộc và liên tiếp những biến cố xảy đến khiến tuổi thơ Quyền Linh là một chuỗi dài mất mát và những mảng ký ức chắp vá không lành lặn.
Quyền Linh từng có một tuổi học trò đầy mộng mơ, với tình bạn trong sáng và mối tình chớm nở thuở ngây thơ. Anh lưu giữ tất cả trong một cuốn lưu bút và quý nó như báu vật. Anh nói:
"Tôi không biết mọi người thế nào chứ với tôi, lưu bút là thứ rất thiêng liêng. Quyển lưu bút đi với tôi từ khi tôi biết viết nó tới hết cấp hai. Tôi gìn giữ nó như báu vật.
Tôi quý nó tới mức, trời mưa, nhà tôi nghèo nên dột đủ chỗ, hứng không hết nhưng tôi vẫn phải tìm bằng được 1 cái bao để gói nó lại. Trong đó có biết bao người bạn thân của mình.
Mỗi khi nhìn thấy hoa phượng rơi, tôi nhớ từng hình ảnh của bạn mình. Mỗi mùa hè đến, tôi đều rơi nước mắt. Mỗi trang lưu bút đều có hình ảnh của thầy cô, bạn bè, có từng chữ kí, cánh bướm ép".
Nhưng rồi, chỉ vì cái nghèo, cái "họa vô đơn chí" đeo bám, Quyền Linh đã đánh mất tất cả những kỷ niệm thanh xuân đó. Cả mối tình thưở học trò cũng tan theo khói. Anh từng bật khóc chia sẻ:
"Chính cuốn lưu bút này cũng là mối tình đầu của tôi, không thể quên được. Mối tình đầu đó đơn giản lắm, chỉ nhìn ánh mắt nhau thôi.
Tới năm cuối cấp hai, tôi và cô ấy phải chia tay vì tôi qua học ở bên dòng sông khác, còn cô ấy học ở dòng sông khác.
Một hôm, nhà tôi cháy, mọi thứ cháy hết, chẳng còn gì. Nhưng tôi cũng chẳng tiếc gì vì nhà tôi chẳng có gì giá trị để tiếc. Tôi tiếc cuốn lưu bút nên khóc mấy ngày đêm. Tôi không hiểu sao lại cháy cả cuốn lưu bút của tôi.
Tôi biết, bạn bè tôi bây giờ vẫn giữ lưu bút. Tôi vừa gặp một người bạn tôi, bạn ấy lôi lại cuốn lưu bút từ xưa, hơn 30 năm rôi vẫn giữ nguyên khẩu hiệu trường dán trong đó.
Tôi còn nhớ, khi viết lưu bút, tôi rơi nước mắt lên đó và lấy băng keo dán lại chỗ nước mắt đó để nhớ rằng, đã từng có lúc tôi khóc vì nhớ một bóng hình.
Tôi thậm chí còn vẽ trái tim quanh hai giọt nước mắt đó rồi dán lại để nhớ về mãi mãi. Nhưng cuối cùng thì cuốn lưu bút của tôi lại cháy mất do nhà cháy và giọt nước mắt đã tan vào hư không".
Trong lời kể của Quyền Linh chất chứa một thái độ không cam tâm về số phận và cái nghèo. Anh nghẹn ngào bày tỏ mong muốn muộn màng của mình về quá khứ: "Giá như nhà tôi không nghèo, không phải nhà tranh vách đất mà là nhà tường thì cuốn lưu bút vẫn còn".
Con đường mưu sinh đầy nước mắt, đói khổ ở Sài Gòn
Sự nghèo khổ hình thành nên ở Quyền Linh một ý chí sắt đá để vươn lên trong cuộc sống. Anh quyết tâm lên Sài Gòn để thoát li cái nghèo.
Tuy nhiên, những bước đi ban đầu không hề dễ dàng với Quyền Linh. Có những nghệ sĩ được trải hoa hồng để bước vào nghề, nhưng với Quyền Linh lại chỉ toàn chông gai.
Trước khi lên Sài Gòn, Quyền Linh cứ ngỡ nơi đây là thiên đường, nhưng ngay khi vừa đặt chân vào thành phố hoa lệ này, với cảnh "một thân một mình, không nhà không cửa, không bạn bè, không người thân, không tiền bạc", anh đã sớm nhận ra:
"Sài Gòn không phải thiên đường, mà là địa ngục, vì nó quá gian khó, không có gì để bám trụ được. Nó dồn tôi gần như vào bước đường cùng. Có những lúc, tôi không thở được, gần như nghẹt thở trong cái đất Sài Gòn này".
Cái nghèo đeo bám Quyền Linh từ dưới quê lên Sài Gòn, không chịu buông tha. Nhiều bạn bè đồng nghiệp tới Sài Gòn với cả một kho hành lý, được cha mẹ lo cho đủ thứ, nhưng Quyền Linh chẳng có gì ngoài một chiếc nồi cũ, mùng rách và hai bộ quần áo. Anh kể lại:
"Người ta sống ở Sài Gòn đô hội, với tất cả mọi thứ. Tôi sống ở Sài Gòn với một cái nồi đen, nứt, móp vào. Đó là toàn bộ gia sản của mẹ tôi để lại cho tôi.
Tôi sống cả với một cái mùng rách, không dám mở ra và hai bộ quần áo, không còn gì nữa. Cứ mỗi lần nhắc tới là tôi không thể nào quên được".
Quyền Linh lên Sài Gòn với mục đích học diễn xuất để theo đuổi đam mê của mình, nên đăng ký thi vào trường Sân khấu Điện ảnh.
Ở ngôi trường hào nhoáng ấy, trong khi những bạn bè của mình như Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương… có có hội ăn diện, đi diễn kiếm tiền, thì một mình Quyền Linh phải đối diện với cái đói. Anh nói:
"Ngày xưa, tôi học ở ký túc xá. Đến 10 giờ là ký túc xá đóng cửa, nhưng tôi phải đi mưu sinh nên cứ lang thang buổi tối để tìm cách nào đó kiếm sống.
Tôi nhớ, có lần tôi đến một quán cháo trắng trên đường Hành Xanh. Lúc đó là 3 giờ sáng, chỉ có mình tôi lang thang, không biết chỗ nào ngủ vì kí túc xá đã đóng cửa rồi. Tôi thấy cháo ngon quá, bản thân tôi cũng đói quá, mà không còn tiền.
Tôi cứ đứng nhìn người ta ăn cháo trắng mà nước miếng chảy ra. Tôi ước giá mà bây giờ có được một tô cháo".
Cũng giữa lúc những người bạn đó được trọng vọng, kẻ đón người đưa, thì Quyền Linh lại bị xa lánh, xua đuổi. Cảnh đối lập chua xót này khiến anh nhiều khi phải nghẹn lòng.
"Ở Sài Gòn, ai dậy sớm tôi biết hết, vì tôi thức trắng với nó. Nhưng tiền và công việc không bao giờ đến với tôi ở đất Sài Gòn này.
Tôi đã học xong rồi, nhưng không bon chen nổi. Thời đó, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Lý Hùng… đã quá nổi tiếng. Tôi không thể nào chen được một bước chân vào.
Nói thật, thời điểm đó, tôi muốn xách dép cho họ cũng không được. Con người tôi cứ đến gần người ta 10 mét là bị đuổi đi rồi.
Ngày xưa, tôi được mệnh danh là Linh ống hút, vì gầy như cái ống hút. Chỉ cần đứng gần họ đã tưởng là trộm cướp, nghiện ngập, không muốn cho tôi tiếp cận".
Quyền Linh thậm chí còn không có cơ hội theo nghiệp diễn. Anh phải làm đủ nghề từ bưng bê, rửa chén ở quán cháo tới làm bảo vệ, khuân vác, lau xe, rửa xe mà không nhận được một đồng lương nào, chỉ mong được nhà chủ nuôi ăn, cho bát cơm, bát cháo.
Chính những khó khăn này đã khiến Quyền Linh rơi vào trạng thái chán nản tột cùng. Anh nói: "Lúc đó, không có gì trước mắt tôi cả. Con đường nghệ thuật khi ấy vô cùng tối tăm. Tôi không nghĩ mình sẽ đi theo nghệ thuật".
Với suy nghĩ này, Quyền Linh đã bỏ Sài Gòn về quê một thời gian. Nhưng rồi, khát khao vươn lên lại thúc giục anh trở lại chốn phồn hoa đô hội ấy.
Thương con, mẹ Quyền Linh từng ngăn cản anh lên Sài Gòn. Nhưng nghĩ tới cảnh nhà 5 anh em nheo nhóc, anh cự lại: "Nếu ở quê thì cả nhà mình chết à. Sống chết thế nào, con cũng phải bám lấy đất Sài Gòn, để có thể thay đổi, vì nghèo quá rồi".
Vì câu nói đó, Quyền Linh đã quyết tâm bám trụ Sài Gòn bằng mọi giá, tiếp tục làm đủ nghề mưu sinh và chạy vạy để xin đóng những vai quần chúng dù nhỏ nhất, không cần đến tiền cát xê. Đó là những bước chuẩn bị đầy khổ nhục, giúp anh có được trải nghiệm sâu sắc nhất để đến với nghề diễn sau này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo