Văn hóa

Minh Tú: 'Kẹt ở Bali, mỗi tháng tôi tiêu hơn 50 triệu đồng'

Suốt 5 tháng ở Bali, dù đã cố gắng cân đối, Minh Tú vẫn tiêu hơn 50 triệu đồng mỗi tháng và phải sử dụng đến khoản tiết kiệm nhiều năm qua.

Cuộc sống của Minh Tú hiện ra sao sau 3 tháng bị mắc kẹt ở Bali vì dịch Covid-19? / Minh Tú: 'Mắc kẹt ở Indonesia đã 3 tháng, nhưng tôi không khóc than về kinh tế'

Hẹn Minh Tú phỏng vấn buổi sáng, cô phải dời lại vì đi xét nghiệm nCoV theo quy định. Đến chiều khi phóng viên gọi lại, cô cười qua điện thoại, bảo ráng chờ một xíu vì đang bận giặt đồ. Cuộc hẹn vì thế lại phải dời đến 17h. Sau một ngày dài bận rộn, Minh Tú vẫn hồ hởi kể về cuộc sống cách ly và hành trình mắc kẹt gần 5 tháng ở Bali (Indonesia).

- Tinh thần chị thế nào trong những ngày cách ly tập trung?

- Trước khi về Việt Nam, tôi tìm hiểu kỹ thông tin về việc cách ly. Do đó, lúc ở Bali, tôi ra siêu thị mua sắm rất nhiều vật dụng cần thiết: bột giặt, dầu gội, nước rửa tay, mỳ gói... Vì vậy, hành lý của tôi lố cân khá nhiều và phải tốn thêm 200 USD (gần 5 triệu đồng) cước hành lý cho chặng bay từ Bali về thủ đô Jakarta. Và nhờ sự chuẩn bị kỹ về tinh thần lẫn vật chất, tôi sớm hoà nhập với cuộc sống cách ly tại Trung đoàn 926 - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Trà Vinh.

Tuy nhiên, toàn bộ hành khách trên chuyến bay nhân đạo từ Indonesia về được yêu cầu ở nguyên trong phòng. Nguyên nhân là những hành khách trở về trực tiếp từ Jakarta không cần giấy xét nghiệm âm tính nCoV, nguy cơ họ mắc bệnh rất cao. Thực tế, hai hành khách có kết quả dương tính nCoV (bệnh nhân số 559 và 560) nên đã được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Lao phổi Trà Vinh. Riêng những người khác tiếp tục cách ly tại Trung đoàn. Chúng tôi cố gắng giữ sự lạc quan, bảo vệ sức khoẻ thật kỹ lưỡng như đeo khẩu trang, vệ sinh cơ thể... Mong những điều an lành nhất đến với mọi người.

Minh Tú tuân thủ ở trong phòng, dành thời gian đọc sách và làm Vlog khi cách ly ở Trà Vinh.

Minh Tú tuân thủ ở trong phòng, dành thời gian đọc sách và làm vlog khi cách ly ở Trà Vinh.

- Cuộc sống mỗi ngày của chị diễn ra như thế nào tại khu cách ly?

- Tôi mới trải qua ba ngày cách ly. Mọi thứ chưa nhiều ấn tượng. Nhưng tôi nhớ kỷ niệm vui vào buổi sáng đầu tiên, một cán bộ đến phòng kiểm tra xem có người nào ăn chay không. Trong lúc ngủ mơ màng, tôi giơ tay đăng ký vì cứ nghĩ ăn chay một ngày cũng hay, ngờ đâu là đăng ký luôn cho 14 ngày. Mãi một lúc sau, tôi mới phát hiện cớ sự, định xin thay đổi nhưng ngẫm lại thấy phiền quá. Thôi mình ăn chay cho thanh đạm, vì ở đây ít vận động rồi.

Một điều may mắn nữa, Trung đoàn nơi tôi cách ly có cơ sở vật chất mới, khang trang, điển hình là vòi sen để tắm (cười). Chúng tôi được chia thành bốn người một phòng. Riêng phòng tôi, mọi người đều quen biết nhau trước đó ở Indonesia nên liền đăng ký ở chung. Bốn đứa lại trạc tuổi, mọi sinh hoạt hay suy nghĩ khá giống nhau. Nhóm còn chủ động tự phân chia dọn dẹp vệ sinh, lấy cơm về phòng.

Còn về bất tiện, đó là khu vực này nhiều côn trùng, muỗi và kiến ba khoang. Các cán bộ dặn chúng tôi đóng kín cửa, quét phòng thường xuyên, tối phải giăng màn ngủ. Nếu cần thì đốt nhang muỗi. Ngoài ra, tôi đau lưng một chút do ngủ trên giường sắt trong đêm đầu. Song những điều đó không ảnh hưởng nghiêm trọng, ngược lại thúc đẩy tôi học cách thích nghi trong nhiều hoàn cảnh. Được trở về thời điểm này, tôi tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Chính phủ, Bộ Ngoại giao, phi hành đoàn và các cán bộ tại Trung đoàn 926. Mọi thứ phía trước ắt còn nhiều thử thách nhưng tôi cố gắng tuân thủ, hoàn tất tốt thời gian cách ly. Mình ý thức không chỉ vì bản thân mà còn vì đất nước nữa!

- Gia đình quan tâm chị ra sao khi cách ly?

 

- Khi đến Trà Vinh, mẹ gọi điện và khuyên con gái cố gắng vượt qua chặng đường cách ly cuối cùng. Mẹ và nhiều bạn bè, khán giả muốn thăm song tôi ngăn cản. Lý do nhiều lắm, vừa đi xa, vừa không được gặp nhau. Chưa kể, như chia sẻ ở trên, nguy cơ người dương tính nCoV trong chuyến bay rất cao. Vệc mọi người xuống Trà Vinh là điều không nên. Tôi cũng sống tự lập, biết chủ động lâu nay quen rồi, không phải "bánh bèo vô dụng". Thiếu món gì như quạt máy, vợt bắt muỗi, tôi nhờ người thân của các bạn cùng phòng gửi vào sẽ nhanh chóng hơn. Riêng về ăn uống, các cán bộ chỉ cho phép tiếp nhận sữa hoặc trái cây, những món khác bị từ chối.

- Chị có kế hoạch gì sau cách ly?

- Dĩ nhiên, sau thời gian xa cách, tôi nhớ gia đình, nhớ cái giường êm ấm và cả chú chó cưng. Tôi thèm nhiều món ăn Việt Nam như: chè Thái, bún bò, canh chua... Tôi chỉ mong về nhà, được gặp lại người thân và thưởng thức nhiều món ăn ngon. Dù vậy, mọi thứ sẽ phụ thuộc kết quả xét nghiệm và cán bộ y tế có yêu cầu tôi tiếp tục cách ly tại nhà không. Nếu không, tôi dự định ở lại miền Tây thêm hai ngày, thực hiện một số công tác xã hội cùng fan. Tôi nghĩ cần làm gì đó đáp lại ân tình với miền đất này khi dang vòng tay đón mình trở về.

Còn công việc, tôi chưa suy nghĩ nhiều. Covid-19 ảnh hưởng đến toàn thế giới, gây ra biết bao tổn thất. Nhưng lúc cuộc sống khắc nghiệt hơn, đó là lúc chúng ta biết trân quý những giá trị cốt lõi. Đó chính là sức khoẻ. Tôi mong chúng ta hãy cùng nâng cao ý thức, bảo vệ bản thân và cộng đồng, cùng nắm tay nhau vượt qua dịch bệnh. Khi dịch được kiểm soát, kinh tế mới hồi phục và phát triển.

Minh Tú giặt đồ trong khu cách ly.

Minh Tú giặt đồ trong khu cách ly.

 

- Nhìn lại hành trình kẹt gần 5 tháng ở Bali, đâu là giai đoạn khiến chị chán nản nhất?

- Cuộc đời mỗi người như dòng sông, có lúc êm đền cũng có lúc gập ghềnh. Nói vui hơn là lúc hên lúc xui mà, coi như năm tháng qua tôi xui vậy. Buồn và nản nhiều lắm chứ, nhất là lúc mẹ bệnh nặng nhưng bậc làm con không thể ở bên chăm sóc. Rồi nhiều công việc đến mà mình không xử lý được. Cảm giác thật bứt rứt!

Ở Bali, tôi sống một mình, đối diện nhiều áp lực và khó khăn. Ví dụ đêm ngủ, kẻ lạ đột nhập vào villa hay xảy ra sự cố nguy hiểm. Một bữa nọ, tôi đang ngủ say, một cơn động đất nhỏ bất ngờ xảy ra lúc 5h sáng. Tôi vừa sợ ma vừa không biết động đất, đành năm yên cầu nguyện suốt năm phút.

Hay ra ngoài đường, mình lo không biết có gặp tai nạn xe cộ, có bị giựt đồ không. Tôi nhớ có lần chạy xe trên đường thì bị rớt lens. Lúc đó, tôi hoảng sợ lắm vì mình cận 4 độ, phải mò mẫm tìm tiệm bán lens để mua.

- Chi chi tiêu hết bao nhiêu khi ở Bali?

 

- Những năm qua, tôi đi làm và tiết kiệm được một khoản, dành cho lúc nguy cấp. Hành trình vừa qua, tôi sử dụng khoản tiền ấy nên không gặp khó khăn gì về kinh tế. Song thú thật tôi không dám tổng kết đâu vì càng nhìn con số càng thấy áp lực. Song tôi nhẩm tính thế này, tiền thuê villa tầm 30 USD/đêm (tương đương 700.000 đồng). Về ăn uống, tôi tự đi chợ, nấu cho cả ngày, giúp chi phí không phát sinh nhiều. Mỗi tháng, tôi trả tiền thẻ visa khoảng hơn 50 triệu đồng, chưa tính chi tiêu tiền mặt. Riêng tháng cuối, tôi tiêu ít nhất, khoảng 25 triệu đồng. Phần giảm nhiều là nhờ chủ villa giảm một nửa tiền thuê. Tôi rất cảm kích tình cảm ấy.

Minh Tú giữ lạc quan khi kẹt ở Bali.

Minh Tú giữ lạc quan khi kẹt ở Bali.

- Cảnh quan, con người Bali để lại những ấn tượng đẹp gì trong chị?

- Tôi đến Bali vào giai đoạn dịch. Các địa điểm vui chơi đóng cửa khiến tôi chưa khám phá nhiều. Mong rằng nếu năm sau dịch được kiểm soát, tôi sẽ trở lại Bali du lịch vùng đất nhiều kỷ niệm này.

Về đời sống, người dân Bali giống ở miền Tây Việt Nam - chất phác và hiền lành. Suốt thời gian qua, tôi may mắn kết thân được nhiều người bạn bản địa. Điển hình là những người bạn làm việc trong một tiệm massage. Vì dịch, khách du lịch sụt giảm, trong khi lương của nhân viên massage chỉ đến từ 10% hoá đơn khiến cuộc sống lâm vào bế tắc. Tuy nhiên, trong những giây phút khó khăn nhất, họ giữ lạc quan, cố gắng làm việc kiếm tiền.

 

Tôi chủ động nhờ họ dạy tiếng bản địa hay rủ đi chợ cùng rồi gửi chi phí cảm ơn. Họ không câu nệ, vui vẻ giúp đỡ tôi vì tình cảm chứ không phải tiền bạc. Chắc chắn, khi quay lại, tôi sẽ đến thăm những người bạn tuyệt vời ấy.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm