Nghệ sĩ múa tự do lao đao mùa dịch COVID-19
30 nhóm nhạc Kpop hot nhất hiện nay: Bất ngờ vị trí huyền thoại Gen 2, BTS hay BLACKPINK lên ngôi vương sau bão comeback? / Isaac tung MV “2 giờ chiều”, thể hiện sự đa năng của mình
Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 2, rất nhiều các show diễn của vũ đoàn Lavender phải tạm hủy để phòng chống dịch bệnh. Đa phần các thành viên nhóm đều là nghệ sĩ tự do, nên khi các show diễn dừng lại đồng nghĩa với việc họ bị "mất việc". Dịch bệnh đến, mỗi người một khó khăn riêng, nhưng tựu chung lại là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.
Những nghệ sỹ biểu diễn trên sân khấu khi dịch bệnh chưa đến.
Với biên đạo múa Uyên Chi, dự án gần nhất mà chị nhận dàn dựng là tiết mục cho chương trình "Tuyệt vời Đà Nẵng". Theo dự kiến chương trình sẽ diễn ra vào đêm 30/7. Chị và ê-kíp đã cùng nhau luyện tập hơn một tháng để có thể được đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, trước khi sự kiện diễn ra 3 ngày, Đà Nẵng phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên. Cả ê-kíp đã rất buồn khi nghe thông tin này.
Biên đạo múa Uyên Chi.
"Mình cũng buồn khi sự kiện dừng lại, nhưng việc chống dịch là điều quan trọng nên mình hoàn toàn ủng hộ việc sự kiện không tổ chức để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tất cả các ngành nghề cùng chịu sự ảnh hưởng, nên những tổn thất về kinh tế có thể lớn với mình nhưng đặt vào đại cuộc thì vẫn còn là nhỏ bé. Mình luôn tin là dịch bệnh sẽ chấm dứt để các nghệ sĩ được vui vẻ đứng trên sân khấu và đó cũng là cách để giúp các nghệ sĩ trang trải cuộc sống".
Cũng theo Uyên Chi, đối với các nghệ sĩ theo các đoàn nghệ thuật thì họ còn có những khoản tiền lương nhất định, còn đối với các nghệ sĩ tự do thì có show họ mới có tiền và cũng chính vì thế mà cuộc sống của các nghệ sỹ múa tự do, khó khăn chồng chất khó khăn hơn do dịch bệnh.
Vừa là giáo viên múa vừa là một diễn viên múa tự do nhưng chị Minh Trang đã phải nghỉ ở nhà mấy tháng nay. Chị Trang chia sẻ: "Dịch bệnh làm cho các show diễn bị hủy, chúng tôi thì gần như không có việc để làm, người thì về quê, người thì ở nhà, .... đối với tôi thì còn một khoản tiết kiệm từ trước nên hiện tại cố gắng cầm cự và chờ dịch qua đi để lại được lên sân khấu biểu diễn và lo cho cuộc sống".
Chị Minh Trang hiện là giáo viên và diễn viên múa tự do
Cũng theo chị Trang, để không quên nghề, các thành viên trong nhóm chị luôn tập trung lại để cùng ôn luyện bài cũ, luyện tập bài mới trên tinh thần sẵn sàng - chờ dịch qua đi và sẽ bắt đầu công việc ngay khi có thể.
Còn anh Thành Công, nghỉ đi diễn, anh quyết định làm thêm những công việc khác để cho khuây khỏa nỗi buồn không được lên sân khấu: "Có khi là giao bánh, có khi là chụp ảnh, ... mình làm để cho đỡ nhớ nghề diễn".
Anh Thành Công trên sân khấu.
Anh Thành Công chia sẻ: "Thời gian dịch bệnh là khoảng thời gian đáng sợ nhất, bởi nỗi nhớ nghề và nhớ sân khấu luôn hiện hữu trong đầu".
Cả hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường đều là những diễn viên múa tự do, thu nhập của hai vợ chồng phụ thuộc hết vào những show diễn và những hợp đồng dàn dựng tiết mục. Từ khi dịch quay trở lại, để lo cho cuộc sống hai vợ chồng và một đứa con, anh chị đã chuyển hướng sang bán hàng online trong căn nhà thuê của mình. Hai vợ chồng đầu tư mua 2 chú mèo Tây về nuôi giống bán, cùng với đó là bán hàng online những đồ dùng và thức ăn cho mèo.
Cả hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường đều là diễn viên múa tự do.
Anh Nguyễn Văn Cường luôn dành thời gian để tập luyện.
Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng luôn đóng cửa kín mít vì sợ mèo chạy đi mất, chăm con nhỏ và chơi với mèo là những khoảng thời gian để anh chị quên đi nỗi nhớ sân khấu và ánh đèn.
Những việc làm quen thuộc khi mùa dịch đến của vợ chồng anh Cường.
Mặc dù bị hủy nhiều show diễn mùa dịch nhưng Vũ đoàn Sepheria vẫn còn có những khán giả tiềm năng khác. Nhóm có một kênh Youtube gần 20 nghìn lượt subcribe, nhiều tiết mục có hơn 2,4 triệu lượt xem. Đây là một sân khấu mới và mạnh để nhóm tiếp cận với nhiều khán giả hơn nữa.
Vũ đoàn Sepheria.
Biên đạo múa, phụ trách vũ đoàn Sepheria, anh Bùi Đức Hiếu cho biết, hiện các vũ đoàn đang chuyển hướng sang một sân khấu biểu diễn mới là mạng xã hội. Nhóm nhảy sẽ ghi hình lại những tiết mục nghệ thuật và chia sẻ lên mạng xã hội Facebook hay Youtube để tiếp cận với khán giả nhiều hơn.
"Bình thường chúng tôi sẽ lên kế hoạch cho nhóm từ trước trong một năm, tuy nhiên các kế hoạc theo thời vụ thì đã phải dừng lại do dịch bệnh diễn ra, chính vì thế hiện tại nhóm đã tập trung vào việc xây dựng hình ảnh của nhóm trên nền tảng số và tập trung vào đào tạo, nâng cao chuyên môn để sẵn sàng chờ thời điểm dịch bệnh qua đi" - anh Hiếu chia sẻ.
Biên đạo múa Uyên Chi chia sẻ: "Khi tiếp cận với khán giả ở mạng xã hội, một phần chúng tôi được biểu diễn, được sống với đam mê, và một điều tuyệt vời nữa là chúng tôi biết rằng, sẽ luôn có những người yêu thích và ủng hộ những nghệ sĩ như chúng tôi, dù khó khăn thế nào đi chăng nữa".
"Nhiều người nói nghề múa là nghề bạc, nhưng mình không nghĩ vậy. Nghề múa cho mình đam mê, cho mình được sống hết mình trên sân khấu và đặc biệt là đã dạy cho mình phải làm và yêu nghề bằng cả trái tim" - anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
"Tôi sẽ không bỏ nghề, tôi sẽ cố trụ đến cùng với nghề múa này, dù khó khăn thế nào đi chăng nữa thì đó cũng là đam mê của mình" - anh Thành Công khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phản ứng của Hồ Ngọc Hà sau khi Minh Hằng lên tiếng về ồn ào 'chèn ép' năm trước
Triệu Lộ Tư tiết lộ phải dùng đến một loại thuốc để giữ tính mạng, tình trạng hiện tại ra sao?
Top 10 nam thần nổi tiếng hàng đầu năm 2024 do người đồng tính nam bình chọn
Hari Won từng muốn huỷ hôn Trấn Thành vì người này