Văn hóa

Ngô Thanh Vân: Nỗ lực đưa phim Việt ra thế giới

Từ "người cuối cùng của thế hệ ngôi sao điện ảnh kiểu cũ", Ngô Thanh Vân đang dần khẳng định mình ở vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn.

Những sao Việt bị hội bạn thân 'chơi xấu' bằng cách đăng ảnh 'dìm hàng' / Soi diện mạo của sao Việt trước khi chuyển giới thành mỹ nhân

Từng bước chinh phục khán giả trong nước

Trong khi không ít nhà làm phim than phiền rằng, khán giả quay lưng với điện ảnh Việt xuất phát từ thực tế, phim Việt ra rạp ít người xem trong khi phim nhập khẩu thì đông khách. Thế nhưng phim của Ngô Thanh Vân thì chưa bao giờ vắng khách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhắc đến Ngô Thanh Vân, không biết gọi chị là người mẫu, vũ công, ca sĩ, diễn viên, đạo diễn hay nhà sản xuất? Bởi ở lĩnh vực nào chị cũng gặt hái được thành công. Nhưng có lẽ hiện nay, ở cái tuổi ngoài 40, chị muốn được khán giả nhớ tới với vai trò một đạo diễn, một nhà sản xuất tài năng.

Phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" là bộ phim điện ảnh đầu tiên do Ngô Thanh Vân đảm nhiệm vai trò đạo diễn đạt doanh thu 22 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu. Bộ phim còn nhận được đề cử ở hạng mục A Window on Asian Cinema tại Liên hoan Phim quốc tế Busan lần thứ 21. Những phim điện ảnh: “Về quê ăn Tết”, “Song Lang”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Hai Phượng” do Ngô Thanh Vân đóng vai trò nhà sản xuất cũng thắng lớn tại các phòng vé. Không những thế, “Cô Ba Sài Gòn” (năm 2017) được Cục Điện ảnh lựa chọn đại diện Việt Nam dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar 2019. Mới đây, tháng 9 vừa qua, bộ phim “Hai Phượng” tiếp tục là đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển giải thưởng Oscar lần thứ 92 dành cho “Phim truyện quốc tế”.

Điểm chung những bộ phim của Ngô Thanh Vân là dù phản ánh hiện thực tốt đẹp hay tăm tối, bi thương thì điều đọng lại cho người xem vẫn là niềm tin về tương lai. Phim của chị cũng chú ý khai thác những cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt. Ví như phim “Cô Ba Sài Gòn” đã tái hiện sinh động bối cảnh Sài Gòn xưa, tôn vinh trang phục áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Hay bộ phim “Hai Phượng” cũng có những cảnh quay và lời thoại đậm chất vùng quê Nam bộ. Thanh Vân chia sẻ, cô luôn có hứng thú khai thác những đề tài, chất liệu đặc trưng Việt Nam lồng ghép một cách khéo léo qua ngôn ngữ điện ảnh để khơi dậy cho khán giả niềm tự hào dân tộc cũng như để giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Ngô Thanh Vân cho rằng, cách tốt nhất để phim Việt có chỗ đứng trong lòng công chúng là những nhà sản xuất tiếp tục làm thật có tâm, khai phá và đầu tư thật tốt cho sản phẩm của mình. “Nhà sản xuất phim Việt cần có sự nhạy bén với xu hướng, chiến lược định hướng sản phẩm rõ ràng. Chúng ta nên học cách dung hoà giữa cái tôi sáng tạo của bản thân và thị hiếu của khán giả”.

 

Mong muốn phim Việt ra thế giới

Ngô Thanh Vân luôn chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thông qua việc tích cực tham gia các hội chợ phim, tiếp xúc với các nhà làm phim nước ngoài, gặp gỡ đối tác và các đơn vị phát hành phim quốc tế. Chị chia sẻ, khi triển khai những dự án phim ảnh, chị luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để bộ phim ấy có thể ra được “biển lớn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không những chỉ nói mà chị đã làm được. Bộ phim gần đây nhất của chị, phim “Hai Phượng” được phát tại tại Mỹ, Canada, Trung Quốc, chiếu trực tuyến qua hạ tầng Netflix.

 

Không phải con đường nào cũng trải hoa hồng, để phim được công chiếu tại Trung Quốc, thị trường điện ảnh lớn thứ 2 của thế giới, Ngô Thanh Vân đã phải mất 7 tháng kiên trì đi lại để bảo vệ đứa con tinh thần của mình. “Cái gì khó càng kích thích tôi. Tôi đã tưởng rằng việc phát hành phim ở thị trường lớn và khắt khe như Trung Quốc là điều bất khả thi. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của ê-kíp và tinh thần không bỏ cuộc, chúng tôi đã đạt được thành công sau 7 tháng. Tôi tin những “cây cầu điện ảnh” được tiên phong xây dựng sẽ góp phần tạo nên cơ hội cho phim Việt Nam trong tương lai” - Thanh Vân chia sẻ.

Khi nhận được lời mời đóng phim từ các đạo diễn nước ngoài, Ngô Thanh Vân cũng sẵn sàng tham gia khi thấy kịch bản phù hợp. Và đã nhận lời chị luôn làm hết mình. Bởi Thanh Vân coi những lần cộng tác với điện ảnh ở các nước phát triển, nhất là tại Hollywood là dịp học hỏi, trau dồi kiến thức, áp dụng cho việc làm phim tại quê nhà, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa điện ảnh Việt tiệm cận hơn với thế giới.

Khát khao của Ngô Thanh Vân là muốn điện ảnh Việt Nam phát triển. “Tôi sẽ chiến đấu không ngừng một giây, không lỡ một nhịp vì hai chữ Việt Nam. Tôi mong mỗi ngày khán giả Việt Nam sẽ ùn ùn đến rạp xem phim nội địa như công chúng Hàn Quốc, Trung Quốc”.

Nỗ lực làm việc như thế nhưng đôi khi Ngô Thanh Vân cũng cảm thấy chạnh lòng khi đọc được những bài báo đánh giá như kiểu muốn “đè bẹp” phim Việt. Thanh Vân ngậm ngùi, trong khi báo chí, truyền thông Trung Quốc, Hàn Quốc luôn cổ vũ và bảo vệ sản phẩm văn hóa của họ thì báo chí Việt Nam lại làm chưa tốt điều này. Chị mong rằng nếu phê bình bộ phim nào đó thì người viết phê bình hãy mang tính xây dựng chứ không nên vùi dập những nỗ lực của những người đang tâm huyết với nghề. “Làm phim không phải dễ, tại sao các nhà báo không thấy sự cố gắng vươn lên, không thấy sự nỗ lực thay đổi của chúng tôi”.

Dù đôi lúc buồn nhưng Thanh Vân không nản, bởi chị tin rằng khi mình nỗ lực hết sức sẽ được đền đáp. Với những đóng góp của chị, năm 2017, Thanh Vân trở thành diễn viên duy nhất được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách 50 người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam./.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm