Văn hóa

Nhạc sĩ Mỹ nói đến 'âm nhạc giả tạo' khi nhắc vụ Bích Phương hát nhép

Nhạc sĩ người Mỹ Robert Rich đưa ra những ý kiến của mình về việc nữ ca sỹ Bích Phương bị nghi hát nhép.

Mới đây, trong một live show ca nhạc diễn ra ở thành phố Hạ Long, nữ ca sĩ Bích Phương đang biểu diễn ca khúc

Đi đu đưa đi thì bất ngờ bị một khán giả nam lên sân khấu “giật micro” để đi tìm con gái thất lạc.

Vụ việc nhanh và đột ngột khiến Bích Phương lộ rõ vẻ bối rối, ngỡ ngàng. Điều đáng chú ý là sau khi micro đã rời khỏi tay của nữ ca sĩ, lời bài hát vẫn tiếp tục vang lên. Chỉ đến khi khán giả nam này xin BTC “xuống nhạc” thì giọng hát mới tạm ngưng. Chi tiết này gây ra hai luồng ý kiến trái chiều.

Có người cho rằng Bích Phương đã hát nhép. Nhưng cũng có ý kiến bảo vệ nữ ca sĩ, giải thích rằng đó không phải hát nhép mà là hát đè, một phương thức hỗ trợ hoàn toàn bình thường, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

“Cô ấy hát nhép nhưng không quá nghiêm trọng”

Mới đây, nghệ sĩ âm nhạc điện tử Mỹ, Robert Rich đã cho ý kiến về trường hợp này nhân dịp ông đến Việt Nam để biểu diễn trong sự kiện Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon) diễn ra tại Hà Nội.

Robert Rich được biết đến là người đã vượt qua ranh giới của âm nhạc điện tử và nhạc ambients. Ông có những chuỗi phát hành được giới phê bình đánh cao với album

Rainforest (1989).

Nhạc sĩ Mỹ Robert Rich lên tiếng về nghi vấn hát nhép của Bích Phương trong dịp ông đến Hà Nội biểu diễn.

Trả lời câu hỏi của Zing.vn về trường hợp của Bích Phương, "Trong trường hợp này, Bích Phương có hát nhép không?", Robert Rich cho rằng nữ ca sĩ "đơn thuần là hát nhép ca khúc này". Đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi trong âm nhạc ở Mỹ, tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Với những sân khấu lớn, có đầu tư về mặt hình ảnh và vũ đạo, việc hát nhép là phổ biến vì ca sĩ có thể bị đuối hơi do phải chuyển động quá nhiều, và khán giả cũng mong chờ sự hoàn hảo khi đã bỏ tiền đến xem trực tiếp thần tượng biểu diễn. "Bích Phương hoàn toàn có thể tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc tiếp theo, sau khi có lời xin lỗi" - Robert Rich nói.

Khi được hỏi về sự ảnh hưởng của scandal hát nhép đối với một nghệ sĩ, Robert Rich cho rằng điều đó có thể sẽ khiến cho nghệ sĩ đó gặp phải rắc rối, hoặc tệ hơn là làm lao đao cả sự nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đó là một người tài năng thì sản phẩm tiếp theo vẫn sẽ được đón nhận bình thường. Về trường hợp của Bích Phương, Robert Rich đưa quan điểm: "Nếu ca sĩ có thực tài, khán giả sẽ nhanh quên thôi, vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà âm nhạc được truyền tải một cách khá giả tạo".

Về câu hỏi hỏi đâu là ranh rới cho việc hát đè / hát nhép được chấp nhận và không được chấp nhận, nhạc sĩ người Mỹ cho rằngnhững màn diễn sử dụng hát đè nếu diễn ra trôi chảy, liền mạch và thuyết phục sẽ không bị khán giả để ý. Nhưng nếu sự việc đã vỡ lở thì còn nhiều trường hợp khác có thể xảy ra.

Với những sân khấu có đầu tư, với sự có mặt của hàng nghìn khán giả, chứa nhiều rủi ro cho ban tổ chức, hát đè có thể sẽ được chấp nhận. Còn đối với một ca sĩ ít danh tiếng hát trong club, những ban nhạc pop, rock tự sáng tác hoặc một nhóm nhạc nổi tiếng với việc hát trung thực trên sân khấu như The Rolling Stones, thì khán giả hoàn toàn có thể cảm thấy thất vọng.

Rich nhớ lại một trường hợp tương tự từng xảy ra trên sóng truyền hình Quốc gia Mỹ, trong khuôn khổ chương trình

Saturday Night Live . Một cô ca sĩ nhạc pop nổi tiếng đã bị khán giả phát hiện mấp máy môi theo băng phát sẵn khi đang ở trên sân khấu.

Vụ việc trở nên “viral” và trở thành một vấn đề nóng. Danh tiếng của ca sĩ này cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra trong khoảng một tháng. Sau đó, cô ấy vẫn quay trở lại sân khấu lớn và không còn ai nhớ về chuyện cũ nữa.

Việc hát nhép và hát đè được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thể loại âm nhạc, kỳ vọng của khán giả, nghệ sĩ và bối cảnh. Khán giả của các sân khấu lớn muốn được nghe âm thanh giống với bản audio họ đã nghe quen tai trên băng, đĩa hoặc loa, đài.

"Hát đè là gì và vì sao điều đó lại quan trọng?"

Theo nhạc sĩ Doc Coyle, thành viên ban nhạc Mỹ Bad Wolves, việc hát đè cũng giống như kỹ xảo trong điện ảnh, được tạo ra với mục đích tạo hiệu ứng để thỏa mãn thị hiếu khán giả. Kỹ xảo tốt là kỹ xảo không bị lộ. Nhưng một khi khán giả đã nhận ra sự lừa dối thì mọi chuyện sẽ không thể êm xuôi được nữa.

Trên trang blog cá nhân, Doc Coyle chia việc hát đè thành ba loại. Mức độ cao nhất là hát nhép hoàn toàn và mức độ thấp nhất là chỉ phát beat nền hỗ trợ một vài đoạn.

Trường hợp sử dụng âm thanh nền cho màn biểu diễn trực tiếp được chấp nhận. Đó là những màn diễn có vũ đạo cầu kỳ, phức tạp, không thuận lợi để vừa hát vừa làm động tác hình thể.

Điển hình là buổi trình diễn của Michael Jackson trên sân khấu Motown 25th Anniversary năm 1983, nơi điệu nhảy Moonwalk huyền thoại lần đầu tiên được giới thiệu tới giới mộ điệu. Dù phần lời hát được công khai phát sẵn 100% nhưng đây vẫn là màn trình diễn được khán giả thế giới nể phục và nhớ mãi không quên.

Phần trình diễn của Michael Jackson năm 1983 khiến cả thế giới phải nể phục dù hát nhép 100%.

Ngoài ra, trong giới hip hop cũng có nhiều trường hợp sử dụng âm thanh nhạc cụ phát sẵn kết hợp với giọng vocal hát trực tiếp hoặc ngược lại. Cách thức này có thể khiến màn trình diễn giống như hát karaoke nhưng vẫn được nhiều ban tổ chức tour âm nhạc áp dụng để giảm thiểu tối đa rủi ro phát sinh.

Những tên tuổi lớn như Jay-Z hoặc Kanye West thường hát nhép trên nền nhạc cụ chơi trực tiếp để tối ưu hóa màn trình diễn và bảo vệ vị thế họ đã xây dựng được.

Bên cạnh đó, còn những trường hợp hát trực tiếp, nhạc cụ chơi trực tiếp với một vài đoạn bè phát sẵn để hỗ trợ. Đây là cách phương thức phổ biến trong hầu hết tour âm nhạc hiện nay, đến mức nó gần như không bị chú ý và được coi là một phần của màn diễn trực tiếp.

Trường hợp này xảy ra khi các nghệ sĩ muốn trình diễn thứ âm thanh hoàn hảo giống như sản phẩm của họ đăng tải trên mạng hoặc băng đĩa nhạc nhưng lại thiếu một vài vị trí chơi nhạc cụ. Sự khuyết thiếu đó sẽ được thay thế bằng đoạn beat thu sẵn và điều này hoàn toàn được khán giả thông cảm.

Những vụ việc tương tự của sao hạng A US, UK

Đó là về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế, đã có nhiều nghệ sĩ hạng A US, UK phải lao đao vì vấn đề hát nhép dù đây là một "tiểu xảo" được biết đến rộng rãi.

Nữ ca sĩ bị lộ hát nhép mà Robert Rich nhắc đến ở trên có thể là Ashlee Simpson, người từng bị chỉ trích khi hoàn toàn mấp máy môi khi biểu diễn trong chương trình Saturday Night Live năm 2004.

Bước ra sân khấu và chuẩn bị biểu diễn ca khúc

Autobiography - nhạc phẩm thứ hai trong đêm diễn, Simpson đang chuẩn bị đưa micro lên miệng thì giọng hát của chính cô đã vang lên và đó là bài Piece of me , ca khúc cô đã biểu diễn trước đó.

Ashlee Simpson từng bị chỉ trích nặng nề khi bị lộ hát nhép trên sóng truyền hình Mỹ.

Ngôi sao trẻ ngượng ngiụ nhảy múa một lúc nhưng vì quá xấu hổ, cô đã bỏ vào trong cánh gà sau đó. Kênh NBC phải nhanh chóng chuyển sang phần quảng cáo. Những phút cuối show, Simpson quay lại phân trần, “Ban nhạc của tôi chơi sai bài. Tôi chẳng biết phải làm gì. Tôi xin lỗi! Đây là truyền hình trực tiếp và chuyện gì cũng có thể xảy ra!”.

Một scandal hát nhép khác đã diễn ra ngay tại lễ nhậm chức của tổng thống Obama hồi năm 2013. Ca sĩ biểu diễn ngày hôm đó chính là Beyonce. Dù là nữ hoàng nền công nghiệp âm nhạc Mỹ với quyền lực vô song nhưng đứng trước nghi vấn hát nhép, danh tiếng của nữ ca sĩ vẫn bị lao đao suốt một khoảng thời gian.

Trên tờ

BBC , Beyonce giải thích với khán giả, “Tôi đã tập luyện rất vất vả, nhưng vì không có đủ thời gian diễn tập với ban nhạc biểu diễn trực tiếp tại sự kiện, cũng như không thể trình diễn khớp với nhau một lần trước khi buỗi lễ diễn ra nên tôi cảm thấy không thoải mái nếu phải mạo hiểm”.

Ngoài ra, Beyonce cũng khẳng định hát nhép là điều bình thường trong nền công nghiệp âm nhạc, “Đây là sự việc khá thường gặp trong nền công nghiệp này. Đó vẫn là giọng hát của tôi, sự luyện tập của tôi, và tôi tự hào vì phần trình diễn của mình”.

Elton John từng chỉ đích danh Madona hát nhép.

Elton John, ca sĩ kỳ cựu trong làng nhạc US, UK từng công khai chỉ trích nặng nề danh ca Madona về việc hát nhép. Theo tờ

Daily Mail , Elton John từng đòi “bắn” nữ đồng nghiệp hồi năm 2004 khi nói, “Kể từ khi nào hát nhép được coi như hát live vậy? Ca sĩ nào hát nhép trên sân khấu mà bạn phải bỏ ra 75 bảng để mua vé xem họ thì nên bị bắn bỏ”.

Trước buổi biểu diễn của Madona tại Super Bowl 2012, Elton John một lần nữa gây gổ với nữ ca sĩ khi nói kháy trên truyền hình, “Hãy chắc chắn rằng cô hát nhép tốt”.

Tuy vậy, vẫn có nhiều trường hợp sử dụng âm thanh nền cho màn biểu diễn trực tiếp được chấp nhận. Đó là những màn diễn có vũ đạo cầu kỳ, phức tạp, không thuận lợi để vừa hát vừa làm động tác hình thể.

Trường hợp này xảy ra khi các nghệ sĩ muốn trình diễn thứ âm thanh hoàn hảo giống như sản phẩm của họ đăng tải trên mạng hoặc băng đĩa nhạc nhưng lại thiếu một vài vị trí chơi nhạc cụ. Sự khuyết thiếu đó sẽ được thay thế bằng đoạn beat thu sẵn và điều này hoàn toàn được khán giả thông cảm.

Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo