Nhạc sĩ Trần Tiến vắng mặt trong đêm ra mắt phim tài liệu về cuộc đời
Rớt nước mắt lời tâm sự của con gái nhạc sĩ Phó Đức Phương gửi bố / Nhiều nghệ sĩ nghẹn ngào tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương
Tối 23/11, đạo diễn Lan Nguyên cùng ê-kíp đã giới thiệu phim tài liệu ca nhạc Màu cỏ úa tại TP.HCM. Nhân vật chính của phim là nhạc sĩ Trần Tiến. Tuy nhiên, đáng tiếc là ông không thể có mặt tại buổi giới thiệu vì đang điều trị bệnh.
Chia sẻ về tác phẩm đặc biệt này nữ đạo diễn Lan Nguyên cho biết cô không đặt nặng yếu tố doanh thu với bộ phim. Cô coi đây là món quà dành tặng nhạc sĩ Trần Tiến vào thời điểm ông đang dưỡng bệnh.
"Chú Tiến bảo tôi rằng nếu có chuyện xấu nhất xảy ra với chú thì cháu hãy chép phim ra một bản đĩa để chú mang theo thế giới bên kia. Đây cũng là một kỷ niệm đẹp cuối đời chú. Hiện sức khỏe chú không tốt lắm nhưng chú không muốn chúng ta nhắc nhiều đến vấn đề này. Điều chú ấy muốn kể lại là hình ảnh đẹp và rực lửa, thay vì vẻ yếu ớt, bệnh tật trong mắt mọi người", Lan Nguyên kể.
Nhạc sĩ Trần Tiến.
Với thời lượng 80 phút, phim khắc họa chân thật về cuộc đời của nhạc sĩ Trần Tiến từ thời còn là một chàng trai trẻ đam mê ca hát trong quân đoàn tới tuổi trung niên và khi bước sang tuổi thất thập. Phim được ê-kíp thực hiện trong 5 năm. Trong suốt thời gian đó, đoàn làm phim đã thực hiện 15 chuyến đi, tới nhiều tỉnh thành nơi Trần Tiến đã đặt chân qua, từ Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng đến Vũng Tàu....
Ngoài du ca, Màu cỏ úa khắc họa rõ nét 3 yếu tố: chiến tranh, Hà Nội và miền biển. Đó là cuộc đời, cũng là những yếu tố tạo nên chất nhạc và con người của nhạc sĩ.
Trong bộ phim này, nhạc sĩ Trần Tiến cũng lần đầu chia sẻ về lý do lựa chọn Vũng Tàu là nơi sống những năm tháng tuổi già cùng gia đình.
"Năm 17 tuổi, tôi vào chiến trường. Đi qua Cửa Lò (Nghệ An), biết nơi đây có biển, tôi đã bỏ lại đàn, đồ đạc để chạy một mạch ra biển. Tôi yêu biển và lần đầu thấy biển cảm giác vô cùng sung sướng. Lúc đó, tôi nghĩ chỉ cần nhìn thấy biển, tôi có chết cũng không sao. 50 năm trôi qua, bây giờ, tôi lại trở về với biển. Đó là lý do tôi sống ở Vũng Tàu", ông nói.
Theo nhạc sĩ Hà thành, thời gian yên tĩnh ngồi lặng lẽ ngắm biển giúp ông lắng mình lại, chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống mà thời tuổi trẻ chưa nghĩ được. Trong căn nhà màu trắng, ông thường tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp. Lúc vui hay lúc buồn, Trần Tiến đều cất cao tiếng hát và trong đó, khán giả thấy một Trần Tiến lúc lãng tử, hào hoa, lúc lại đời thường, giản dị. Vị nhạc sĩ tài hoa tự nhân bản thânlà kẻ du ca của chiến tranh Việt Nam. "Những người du ca là những người tự do, dũng cảm nhất", ông kết lại.
Sau buổi công chiếu tại TP.HCM, phim tài liệu sẽ tiếp tục được ra mắt khán giả ngày 30/11 tại Hà Nội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo