(DNVN) - “Tòa soạn” ấy mang tên CLB Phóng viên trẻ, là nơi giúp các sinh viên thỏa sức đam mê nghề báo, suốt 23 năm qua.
Họp giao ban
Cứ đúng 18 giờ, thứ 6 hàng tuần, gần 30 thành viên của CLB Phóng Viên Trẻ lại tụ họp về phòng Truyền thống Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để cùng nhau “họp giao ban”. Ở đây, các bạn thực hiện các công việc như cuộc họp giao ban trong những tòa soạn báo chuyên nghiệp. Lần lượt từ điểm tin, báo cáo đề tài, cùng nhau sửa tin bài và phân công công việc cho tuần kế tiếp đều được thực hiện nghiêm túc.
Đầu tiên, các thành viên thực hiện điểm các tin tức nổi bật trong tuần ở những lĩnh vực mình quan tâm, theo đuổi. Qua đó, cùng nhau thảo luận, trao đổi, nêu lên quan điểm, góc nhìn, khai thác các đề tài mới từ vấn đề đặt ra. Việc này giúp thành viên CLB luôn tư duy để có đề tài thực hiện.
Ở mỗi buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm dành phần lớn thời gian sửa tin bài mà các thành viên viết trong tuần. Đó là tin bài đưa tin sự kiện cho Website Nhà Văn hóa Thanh niên, tin bài cộng tác ở các báo.
Tất cả những lỗi từ nhỏ nhất đến lớn nhất như chính tả, morass, câu chữ, cách chọn lát cắt, đặt tít, viết sapo, cách đặt câu hỏi cũng như chọn nhân vật phỏng vấn… đều được các thành viên có kinh nghiệm chỉnh sửa, nhắc nhở nhiệt tình. Cứ thế, ngòi bút mỗi thành viên ngày một sắc bén.
Hơn thế, CLB thường xuyên tổ chức các buổi workshop mời các nhà báo, phóng viên dày dặn kinh nghiệm về chia sẻ kiến thức, chuyên môn đến những tình huống thực tế trong tác nghiệp cho tất cả các bạn yêu thích báo chí trong và ngoài CLB. Qua đây, giúp các thành viên học hỏi thêm những lĩnh vực liên quan như dẫn chương trình, tổ chức sự kiện, truyền thông…
Bệ phóng đam mê
Chạm mốc 23 năm hoạt động, Phóng Viên Trẻ luôn là một bệ phóng giúp nhiều bạn trẻ theo đuổi nghề báo có chỗ đứng vững chắc trong làng báo hiện nay. Không chỉ cựu thành viên thành công trong nghề nghiệp mà các thành viên hiện đang sinh hoạt tại CLB cũng từng ngày học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Nhiều bạn chỉ mới là sinh viên năm nhất, năm hai nhưng đã tham gia cộng tác các báo đài, công ty truyền thông. Ngoài ra, các thành viên CLB luôn luôn chủ động tìm kiếm môi trường học hỏi, tham gia các cuộc thi báo chí dành cho sinh viên, mang về nhiều giải cao, niềm tự hào cho CLB.
Tấn Hiệp, đạt Giải Ba trong cuộc thi Tuần lễ Phóng Viên Trẻ 2018 (do trường ĐHKHXH&NVTP.HCM tổ chức) chia sẻ: “Thương lắm cái Câu lạc bộ luôn ủng hộ mình. Nơi đó đã vun đắp cho hành trình đi tìm chữ nghĩa. Trường lớp, chẳng dạy cho mình những điều mình cần, nhưng CLB đã dạy cho mình hơn cả những thứ mình cần. Từ một thằng, viết vài dòng cũng chẳng biết chủ ngữ vị ngữ ra sao, chấm phẩy ở đâu hợp lý, mỗi lần viết đều nhờ thằng bạn sửa lỗi. Nhưng sau hơn một năm vào CLB, mình đã dần dà tường tận hơn rất nhiều”.
Kim Sáng, sinh viên Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội TP.HCM, thành viên CLB cho biết, ngày này năm trước, cô khao khát được viết, được đi và trải nghiệm bằng con mắt một người làm báo, nhưng bản thân lại không biết bắt đầu từ đâu và tìm kiếm cơ hội như thế nào.
Từ khi bước vào “Nhà trẻ”, Kim Sáng được gần hơn với nghề báo, từ những tin nhỏ nhặt của Nhà Văn hóa Thanh Niên, cô nàng đã được anh chị chỉ bảo, cô học và va chạm với nghề nhiều hơn. Đi tin, có những sự kiện nhỏ đến nỗi bị chê là tào lao, viết thì bị gạch, sửa gần như hết trọn. Viết 10 tin thì được đăng khoảng 1, 2 tin. Ấy vậy mà, sau một thời gian tham gia CLB, Sáng đã trưởng thành hơn trong cách viết, cách tác nghiệp.
“Ở thì thương, xa thì nhớ”
Hỏi đến CLB, hầu hết các thành viên đều gọi bằng “Nhà trẻ”. Với các bạn, Phóng Viên Trẻ không đơn thuần là một câu lạc bộ kỹ năng báo chí bình thường mà ở đó còn là đại gia đình đúng nghĩa.
“Với mình đây là ngôi nhà đáng nhớ nhất ở những năm Đại học. “Nhà Trẻ” là nơi dạy mình những xuất phát điểm trong nghề từ việc viết câu ra sao, lỗi morass thế nào, tập cách tư duy mỗi đề tài và thậm chí là cả cách ăn chơi như thế nào để không bị lãng phí thanh xuân. Tụi mình gọi là CLB là “Nhà trẻ” sở dĩ, nhà là nơi để yêu thương, để lớn lên và để trưởng thành. Nơi mọi người coi nhau như anh chị em một nhà, giúp đỡ, yêu thương nhau hết mực”, Huỳnh Thảo – Tân Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Thanh Tùng (Tân Phó Chủ nhiệm CLB) cho biết, Phóng Viên Trẻ tồn tại và phát triển dài hơi như vậy là nhờ sự yêu thương chân thành, gắn bó keo sơn giữa các thành viên. Để làm được điều đó, ngoài việc thường xuyên quan tâm, hỏi han nhau, CLB còn tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp tác nghiệp thực tế, giúp các thành viên vừa chơi vừa học.
“Có những chuyến đi chỉ có một ngày ngắn ngủi, vài chuyến đi kéo dài 3, 4 ngày. Cùng nhau tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ, ngồi quây quần bên nhau chơi trò ‘Nói thật’, kể cho nhau nghe những tâm sự không bao giờ dám kể… Rồi lại cùng khóc, cùng cười, cùng ăn, cùng chơi cho đến hết ngày dài. Nhà trẻ bọn mình là vậy đó, hứng lên là đi, bất chấp cả tháng phải ăn mì tôm”, Thanh Tùng kể.
Ngọc Tuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm CLB tâm sự, chị đã gắn bó với câu lạc bộ hơn 5 năm và chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ rời CLB: “Nhà trẻ ở thì thương, xa thì nhớ. Nói sao cho xuể, tả sao cho hết chặng đường chúng tôi đã đi qua, 5 năm cùng học, cùng chơi, cùng đi, cùng viết, cùng vẽ nên bức tranh thanh xuân mang tên Phóng viên trẻ. Và con số ấy sẽ tiếp tục nhân, thế hệ sẽ còn nối tiếp. Phóng viên trẻ vẫn mãi trẻ, vẫn đầy nhiệt huyết, đầy đam mê, đầy yêu thương”.
Minh Trâm