Văn hóa

NSND Thế Anh: 'Đệ nhất đào hoa' màn ảnh Việt với nụ cười hút hồn và đôi mắt mê đắm

Nghệ sĩ Thế Anh có thể diễn như không diễn, cười, khóc, giận dữ đều tự nhiên, chân thành như chính con người mình. Rất ít diễn viên có thể đạt tới đẳng cấp diễn xuất như vậy.

Năm Thế Anh 2 tuổi, cha ông được học bổng sang Pháp học bác sĩ và không quay về từ đó. Điều này đã để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn cậu bé Thế Anh cho tới tận lúc trưởng thành. Có lẽ vì vậy mà Thế Anh luôn giữ cho mình một ánh mắt đầy hoài niệm, ưu tư.

Hôm 29/9, công chúng bàng hoàng khi biết tin NSND Thế Anh qua đời ở tuổi 81 tại nhà riêng. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn với nền điện ảnh và nghệ thuật nước nhà.

Bén duyên nghiệp diễn từ một lần chê bạn

NSND Thế Anh khi còn trẻ

NSND Thế Anh sinh năm 1938 tại Hà Nội, trong một gia đình tri thức khá giả với mẹ là một tiểu thương, cha là một học giả đỗ đạt cao.

Từ bé, Thế Anh đã học rất giỏi, đặc biệt là môn Toán, ông cũng chưa thực sự đam mê nghệ thuật. Nghiệp diễn đến với ông rất tình cờ, trong một lần buột miệng chê một người bạn cùng trường diễn dở tại buổi văn nghệ.

Vì lời chê đó mà ông bị phạt phải diễn thế vai người bạn. Và thật bất ngờ, dù không hề có sự chuẩn bị cũng như mới lần đầu bước chân lên sân khấu, nhưng Thế Anh đã diễn xuất vô cùng tự nhiên, có hồn, đạt cảm xúc tốt, thể hiện được năng khiếu thiên bẩm của mình. Vở kịch do ông thế vai đã dành huy chương Vàng trong hội thi năm đó.

Khi trưởng thành, Thế Anh thi vào khoa Toán trường Đại học Sư phạm để theo đuổi sở trường của mình. Nhưng chỉ 4 tháng sau, ông cảm thấy chán nghề gõ đầu trẻ, nên quyết định bỏ ngang để chuyển sang thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu, dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

Hoàng tử điện ảnh với lối diễn chân thật, nụ cười mê đắm, hôn bạn diễn bằng trọn vẹn cảm xúc

Ngay từ khi thi đỗ vào trường Sân khấu, Thế Anh đã được chú ý bởi ngoại hình điển trai. Ông nổi bật bởi đôi mắt sáng lấp lánh, đầy thông minh và nụ cười răng khểnh cuốn hút.

Ngày đó, NSND Thế Anh học cùng khóa với Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Ông là thế hệ đầu tiên của khóa diễn viên sân khấu chính quy.

Vai diễn đầu tiên của ông trên sân khấu chuyên nghiệp là vai lính Mỹ trong vở kịch Đêm đen, giúp ông nhận được bằng tốt nghiêp loại ưu và về công tác tại Đoàn kịch nói Trung ương.

Năm 1964, Thế Anh vào vai trung úy Phương trong bộ phim Nổi gió. Ông là người thử vai thứ 13 và được nhận ngay lập tức. Vai diễn xuất sắc này lập tức đem đến vinh quang đầu tiên cho sự nghiệp điện ảnh của ông.

Từ Trung úy Phương, Thế Anh nhanh chóng nổi tiếng và đóng hàng loạt vai diễn trong các bộ phim, vở kịch sau đó.

Trên sân khấu, Thế Anh để lại ấn tượng với những vai diễn như: tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - Cô bé đánh trống trận, bác sĩ Hải trong Đôi mắt, chàng thủy thủ Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc và những vai khác trong Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Đại đội trưởng của tôi, Othello, Bài ca Điện Biên, Người cha thô bạo, Hòn đảo thần Vệ Nữ...

Vẻ ngoài điển trai, lãng tử, nụ cười mê hồn và đôi mắt thông minh, nhiều chiều sâu đã giúp Thế Anh hóa thân được ở nhiều dạng vai, từ sĩ quan Mỹ ngụy đến những vị tướng tá cấp cao trong Quân đội nhân dân Việt Nam; từ kỹ sư, nhà giáo, bác sĩ đến anh thủy thủ; từ vị pháp quan đến chú bé con...

Sự nghiệp điện ảnh của Thế Anh nhờ đó mà cùng xán lạn, với hàng loạt vai diễn thành công như Ba Duy trong Mối tình đầu, Dư trong Đường về quê mẹ, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong Em bé Hà Nội, Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ Thánh, Lưu lạc và trở về Sam Sao, Tự thú trước bình minh, Hồi chuông màu da cam, Vụ án Hồ Con Rùa, Người trong cuộc, Vĩnh biệt chân trời cũ, Gánh xiếc rong, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du...

Trong đó, tài tình nhất là vai Ba Duy trong Mối tình đầu. Năm đó, Thế Anh đã 40 tuổi, nhưng vẫn hóa thân được vào chàng sinh viên mới hai mươi tuổi yếu đuối, nghiện ngập một cách vô cùng tự nhiên, khiến ai cũng phải trầm trồ.

Bộ phim này đã giành được sự đón nhận của khán giả, đặc biệt ở Hà Nội, và mang lại cho Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V năm 1980.

Trong bộ phim Em bé Hà Nội, Thế Anh cũng gây ấn tượng lớn khi diễn xuất cùng nghệ sĩ Lan Hương.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Thế Anh đóng hơn 60 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình của cả miền Bắc lẫn miền Nam (sau 1975).

Đây là một con số vô cùng lớn, mà không phải diễn viên nào cũng có được, giúp ông trở thành cây đại thụ của nền phim ảnh và sân khấu Việt, khiến ai cũng nể phục.

Điều tạo nên dấu ấn riêng của Thế Anh với nhiều diễn viên khác là khả năng chuyển biến tâm lý nhân vật vô cùng tài tình. Ông có thể diễn như không diễn, cười, khóc, giận dữ đều tự nhiên, chân thành như chính con người mình. Rất ít diễn viên có thể đạt tới đẳng cấp diễn xuất như vậy.

Thế Anh từng chia sẻ về tôn chỉ diễn xuất của mình:"Những cảnh hôn, cảnh yêu đương mà tôi thể hiện trong phim từ xưa đến giờ đều thật 100%, không có bất cứ nụ hôn nào là giả hay chỉ thực hiện theo kiểu "hít hít, ngửi ngửi" giả vờ hôn như nhiều phim bây giờ.

Say đắm là say đắm thật. Với tôi, những sự giả vờ sẽ làm khán giả chán nản bởi họ không cảm thụ được niềm đam mê cũng như tình yêu đúng nghĩa mà diễn viên phải thể hiện như thế nào. Đã đóng phim là phải đóng như thật, như cuộc sống này chứ không thể nửa vời được.

Khi bắt đầu đóng cảnh nóng, tôi dành hàng tiếng đồng hồ để trò chuyện và "động viên tinh thần" cho nữ diễn viên làm sao thấu suốt.

Sự thấu hiểu là điều cần thiết để cả hai nhanh chóng hoàn thành phân cảnh nhanh nhất, tốt nhất.

Khi đóng cảnh hôn trên phim, không phải là mình đang hôn cô diễn viên mà hôn bằng tất cả cảm xúc của nhân vật hóa thân và tưởng tượng trước mắt mình cũng là nhân vật nữ trong phim. Sự tưởng tượng đó rất quan trọng để chuyển tải được hết cảm xúc của nhân vật".

Nhờ tài năng và đóng góp của mình, năm 1984, Thế Anh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và tới năm 2001 được phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Ông được công chúng mến mộ gọi là Hoàng tử điện ảnh.

Trong suốt thập niên 1980-1990, NSND Thế Anh vẫn tiếp tục công việc diễn xuất và gây dấu ấn với khán giả trẻ như phim Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya...

Ở tuổi xế chiều và tới gần lúc mất, ông vẫn miệt mài diễn xuất trên sân khấu kịch, với vai phản diện Trần Luận trong Người thi hành án tử (đạo diễn Khánh Hoàng).

Vợ không ghen dù đóng nhiều cảnh tình ái

Dù đào hoa trên màn ảnh và từng không ít lần "cảm nắng" tạm thời bạn diễn trong phim, nhưng NSND Thế Anh lại giữ được cho mình một gia đình vô cùng hạnh phúc.

Vợ của NSND Thế Anh hầu như không bao giờ ghen tuông với nghiệp diễn của chồng mà luôn ủng hộ hết mình, dù ông phải đóng cặp với nhiều diễn viên nữ khác nhau. Bà nói: "Việc chọn vai diễn nào, đóng thế nào đều do Thế Anh tự quyết và tôi ông tôn trọng hoàn toàn nghề nghiệp của chồng".

Bản thân NSND Thế Anh cũng từng chia sẻ: "Điều tuyệt vời nhất ở vợ chính là bà luôn đứng về phía chồng, bảo vệ mái ấm, bảo vệ danh dự cho chồng và cả gia đình".

Những ám ảnh về một tuổi thơ không có cha giúp Thế Anh luôn biết giữ mình để làm trụ cột gia đình và là người cha tốt với các con. Nhờ đó, ông có được hậu phương vững chắc, đỡ đần mình trên con đường diễn xuất.

Theo Long Phạm/Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo