NSND Việt Anh: 'Nhiều nghệ sĩ trẻ giỏi chém gió nhưng lười đọc sách!'
40 tuổi, 'ông chú trung niên' Nguyễn Lê Việt Anh vẫn lọ mọ đèn sách để bảo vệ tốt nghiệp Đại học / Hồng Đăng, Việt Anh và cú sốc sau những lần lâm vào cảnh trắng tay
Sách là người thầy hướng tôi đến sự thiện lành
- Cuốn sách ông đọc gần đây là gì?
Tôi vừa đọc xong cuốn Muôn kiếp nhân sinh của tác giả Nguyên Phong. Tác phẩm khiến tôi tâm đắc, suy ngẫm nhiều về cuộc đời. Cái hay của tác giả là mỗi trang sách anh luôn biết hướng người đọc đi vào những yêu thương. Đó cũng là kim chỉ nam cho tất cả mọi người trên thế giới này để chúng ta sống đúng, sống trọn vẹn.
Suy cho cùng, chính trị, khoa học hay nghệ thuật cũng là cho con người, vì con người – và yêu thương là cái chủ đạo trong tất cả mọi thứ. Cuộc sống vốn dĩ quá nhiều nỗi bất hạnh như hiện nay thì lòng nhân ái chính là điều xoa dịu con người ta tốt nhất. Mặt khác, một quan niệm ở sách tôi cho rất nhân văn là thế giới luôn có tiền kiếp, hậu kiếp. Điều ấy luôn nhắc nhở mỗi người phải tử tế với cuộc đời mình và mọi người xung quanh.
NSND Việt Anh đọc nhiều sách từ thời học phổ thông. Năm 18 tuổi, ông đã biết gần hết những tiểu thuyết kinh điển trên thế giới. |
- Tâm thế đọc sách của ông hiện tại khác biệt ra sao so với thời trẻ?
Khác nhiều lắm! Ngày xưa tôi đọc phần nhiều vì tò mò, mở mang kiến thức. Còn bây giờ lớn tuổi tôi đọc để chiêm nghiệm và làm đầy nhân sinh quan cho mình. Tôi nghĩ một con người có đọc bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ. Cũng như lúc nhỏ đi học ở trường, lớn lên học trường đời. Tôi tìm đến sách như một người thầy cho kiến thức và hướng mình đến điều thiện lành trong cuộc sống.
Theo tôi, có ba lý do để mọi người nên đọc sách. Một là nó cho ta vốn tri thức, thứ hai cho mình trí tưởng tượng và thứ ba rèn mỗi người sự trầm lắng, biết bình tĩnh và ứng xử chừng mực trong công việc và cuộc sống.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về gu đọc của mình?
Thú thật tôi ít đọc sách Việt Nam. Tôi yêu thích và say mê với văn học nước ngoài. Đôi khi chỉ cần thấy hay tôi sẽ đọc chứ không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào tác giả hay thể loại sách. Tôi cũng thích đọc những tiểu luận, nghiên cứu của các nhà khoa học để khám phá nhiều vấn đề, khai mở đầu óc củamình.
Ở Việt Nam cũng có những nhà thơ tôi yêu thích là Du Tử Lê, Bùi Giáng. Ở họ có thứ văn phong sâu sắc, bay bổng nhưng không kém phần thực tế. Về văn học, tôi thích Hải Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, sau này có cô Nguyễn Ngọc Tư viết khá dữ dội. Còn riêng Nguyễn Nhật Ánh là bạn thân của tôi nên tất nhiên luôn dành sự ưu ái nhất cho anh ấy.
Điều tôi phục ở Ánh là lực viết của bạn khỏe, luôn sáng tạo, đổi mới. Viết truyện cho thiếu nhi rất khó, huống hồ Ánh đã có 147 đầu sách và đa số đều thành công. Anh ấy theo tôi là nhà văn số một của Việt Nam hiện tại. Nguyễn Ngọc Ánh cũng là nhà văn giàu lên từ sách – một điều rất hiếm hoi trong thị trường sách trong nước hiện tại.
Việt Anh khuyến khích thế hệ nghệ sĩ trẻ đọc và tham khảo nhiều sách để làm giàu vốn nghề. |
Nhiều nghệ sĩ trẻ lười đọc sách!
- Theo ông thói quen đọc sách giúp ích như thế nào với mỗi người nghệ sĩ?
Tôi hay gọi vui sách là một người bạn, người thầy và là người không bao giờ cãi lộn với mình. Với những người làm nghệ thuật, việc đọc sách lại càng quan trọng và cần thiết. Khi có sự trau dồi về kiến thức, cái nghề của bạn sẽ nâng cao hơn rất nhiều. Đơn cử nhận kịch bản, một người có chiều sâu về tri thức sẽ đủ năng lực để nâng tầm và phát triển tác phẩm hơn. Thành ra vốn hiểu biết quyết định cho người nghệ sĩ đi sâu, đi xa hơn các vai diễn.
Việc đọc sách sẽ giúp thanh lọc tâm hồn, qua đó bạn có thể mở mang suy nghĩ và tái sản xuất các giá trị nghệ thuật mới. Tôi luôn có thói quen gửi những bài viết hay cho các đồng nghiệp đọc – xem đó như một sự chia sẻ về cái hay, cái đẹp giữa những người làm nghệ thuật với nhau.
Thế nhưng một điều đáng buồn là nhiều bạn nghệ sĩ trẻ rất ít đọc sách. Các bạn có thể rất giỏi chém gió về đủ mọi đề tài trên mạng xã hội nhưng nói đến sách là ngồi yên vì không biết gì để luận bàn. Đây cũng là một thực trạng đáng buồn!
- Thị trường sách cũng sẽ có nhiều loại hay dở, có tác phẩm giá trị và rẻ tiền, ông gạn lọc và lựa chọn thế nào?
Từ trẻ, tôi luôn khắt khe với thị hiếu đọc của mình. Tôi loại bỏ những sách không có giá trị và cũng luôn tin rằng những tác phẩm rẻ tiền cũng sẽ bị thị trường đào thải theo thời gian.
Tôi thường lang thang ở khắp các nhà sách lớn hay tiệm sách cũ, dòm ngắm những đầu sách và lần giở vài trang, thấy hay sẽ mua về đọc từ từ. Đọc một quyển sách hay, tôi cảm giác mình như vớ được một món báu vật, rất sung sướng và mãn nguyện!
NSND Việt Anh cùng bạn diễn trên sân khấu. |
- NSND Việt Anh sống đơn độc nhiều năm, sách khi ấy có phải là thứ xoa dịu, san sẻ những niềm vui nỗi buồn ông gặp phải trong cuộc sống?
Tôi phải cảm ơn sự cô độc cuộc đời đã cho tôi có cơ hội rèn đam mê đọc sách và say mê với nó. Sau thời gian công việc, tôi trở về nhà và thu vào thế giới riêng mình. Những quyển sách hay, những bộ phim ấn tượng là món quà của tôi. Dẫu rằng trong đó có cả nỗi buồn, sự bất hạnh nhưng tất cả đều chứa đựng cái đẹp, cái nhân văn mà tôi tin sẽ rất khó tìm ở thực tế cuộc sống bên ngoài.
Tôi gọi đó là niềm an ủi tinh thần, giúp tôi tái tạo năng lượng và cảm nhận rằng thế giới này còn nhiều thứ đẹp đẽ, đáng sống. Chúng thôi thúc tôi phải đi tiếp, phải mạnh mẽ để đối mặt khó khăn và sau cùng sống trọn kiếp người.
- Điện ảnh trong những năm qua ưa chuộng việckhai thác, chuyển thể từ tác phẩm văn học, ông nhìn nhận điều này thế nào?
Tôi nghĩ đấy là điều đáng mừng nhưng cũng là cản trở không nhỏ với những nhà làm phim. Bởi lẽ một quyển sách khi đọc mỗi người sẽ có sự tưởng tượng và cảm nhận riêng. Do đó khi chuyển thể kể cả điện ảnh hay kịch tất cả sẽ phụ thuộc vào cái nhìn chủ quan của đạo diễn, biên kịch. Một đạo diễn dù giỏi cỡ nào cũng chỉ phản ánh ở góc độ của họ và tất nhiên sẽ không thể trọn vẹn như với một quyển sách cầm trên tay.
Bao giờ hai cái này bắt gặp bạn sẽ thấy hay, còn lại sẽ dở. Nhưng bên cạnh đó cũng có những trường hợp thế giới phải công nhận như điện ảnh Bố già chẳng hạn. Chính sự đồng điệu về kịch bản, diễn xuất của dàn diễn viên và bộ phim giúp tác phẩm ghi đậm dấu ấn.
Việt Anh được trao danh hiệu NSND trong đợt xét tặng năm 2019. |
- Ông có thể chia sẻ những đầu sách mình tâm đắc với độc giả VietNamNet?
2 quyển sách tôi “gối đầu giường” cho mình là Hãy để ngày ấy lụi tàn của tác giả Gerald Gordon và 24 giờ trong đời người đàn bà của Stefan Zweig. Đọc và nghiền ngẫm về 2 tác phẩm này, tôi mới nể phục sức sáng tạo của tác giả luôn cuồn cuộn và trào dâng mãnh liệt. Cho dù vấn đề cá nhân hay xã hội cũng được họ khai thác một cách triệt để, khiến người đọc như sống với hoàn cảnh câu chuyện và tự tìm cho mình sự lý giải về niềm tin, sự lạc quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo