NSƯT Phạm Phương Thảo: Tôi có tội lớn với cha mẹ
Robert Downey Jr.: Từ Người Sắt đến màn thể hiện xuất sắc với vai phản diện của Oppenheimer / Mai Phương Thúy diện đồ che khéo vòng eo khi đạt mốc 71 kg
"Cõng mẹ về trời" là một sáng tác mới của chính Phạm Phương Thảo, phổ từ bài thơ Cõng mẹ đi chơi của nhà thơ Khánh Dương. Có thể nói, từ bài thơ đến ca khúc và MV đều khiến người ta cảm nhận sâu sắc về sự vô bờ, chứa chan của tình mẫu tử thiêng liêng, khi nước mắt không chỉ “chảy xuôi” mà còn “chảy ngược”.
Tại buổi họp báo, ca sĩ Phạm Phương Thảo đã có nhiều chia sẻ với khán giả về quá trình thực hiện MV cũng như những chiêm nghiệm của bản thân về đạo hiếu, về sự chia lìa với đấng sinh thành.
NSƯT, ca sĩ Phạm Phương Thảo
Trước đây tôi thường tự viết ca khúc từ những bài thơ của mình, cảm thấy mình thăng hoa, nhiều xúc cảm và lẽ sống tươi đẹp hơn. Trước đây tôi thường đọc những bài thơ cổ nhưng hiện giờ, tôi đọc thêm những bài thơ của nhà thơ đương đại.
Bắt gặp bài thơ “Cõng mẹ đi chơi” của tác giả Khánh Dương khi lướt Facebook, Phạm Phương Thảo có quá nhiều cảm xúc rung động và giai điệu xuất hiện ngay trong tâm trạng của mình. Phạm Phương Thảo giữ lại những cảm xúc đó, xin phép tác giả và chắp bút viết ngay ca khúc.
Ai cũng dành nhiều tình cảm cho cha mẹ nhưng Phạm Phương Thảo ít khi nói yêu mẹ cha mà thể hiện bằng việc làm, sự quan tâm cụ thể. Thảo thường hát cho mẹ nghe. Ca khúc mới này, Thảo cũng hát cho mẹ nghe đầu tiên. Lần đầu mẹ bảo hay nhưng “hơi quái quái”, liêu trai, trong khi mẹ thích ngọt ngào. Thu thanh xong Thảo lại mở cho mẹ nghe, có nhạc, mẹ nghe dễ cảm nhận hơn, mẹ khen hay nên Thảo tự tin lắm.
Trước đây, mô tuýp “cõng mẹ”, “gánh mẹ” đã có các ca khúc đi sâu vào lòng người. Phạm Phương Thảo có e ngại khi trùng lặp ý tưởng?
Đề tài về mẹ không bao giờ cũ, không bao giờ phai phôi trong mỗi người. Dù còn cha mẹ hay không thì họ mãi mãi là những người yêu thương ta nhất, và ta cũng luôn yêu thương cha mẹ nhất.
Chỉ có điều, ai còn cha mẹ thì cố gắng làm những điều tốt đẹp không để cha mẹ buồn. Tâm tư tiếng lòng của Thảo không sợ trùng lặp với ai cả, tất cả chúng ta đều chung một tiếng lòng dành cho cha mẹ.
Vì sao Phạm Phương Thảo quyết định đổi tên ca khúc thành “Cõng mẹ về trời” mà không để nguyên như tên bài thơ là “Cõng mẹ đi chơi”, như vậy nghe sẽ nhẹ nhàng hơn…
Bài thơ "Cõng mẹ đi chơi" nhưng tứ thơ và ngôn ngữ là cuộc chơi về thế giới bên kia. "Cõng mẹ về trời" là cuộc du ngoạn về cõi thiên thai, mà trong lời thơ cõi thiên thai có gì mà khó đâu, để con cõng mẹ. Cuộc đi tới thế giới bên kia có con đồng hành với mẹ chứ không phải đi chơi lang thang, tựa "Cõng mẹ về trời" chính là để gửi thông điệp đó.
Tôi muốn người nghe hãy coi nhẹ mọi chuyện, trong trường hợp này có thể mượn đạo Phật hai từ giác ngộ, hiểu điều đó để được an nhiên đối diện với cả những thông tin dù xấu nhất.
Việc phổ nhạc trên lời thơ của tác giả khác có khiến Phạm Phương Thảo gặp khó khăn không?
Viết nhạc, lời của mình hay của người khác, khó hay dễ phụ thuộc tâm trạng cảm xúc, có khi viết cả tháng không thành nhưng có khi bắt gặp ý thơ nào đó viết nhanh và hay cũng nên.
Duyên tri ngộ của hai tâm hồn, Phạm Phương Thảo và tác giả là mối duyên lành, tôi rất nâng niu và trân trọng. Tác giả bài thơ là một người anh của tôi rất chân thành, tử tế. Tôi thường đọc thơ anh, tôi thích tứ thơ của anh. Có những điều không cần nói nhiều, đôi khi một người nói ra người kia có thể hiểu được.
Vẻ ngoài tôi mạnh mẽ như vậy thôi nhưng đôi khi lại rất yếu đuối. Tôi từng trải qua hai lần mất mát, bất ngờ chia ly hai người thầy lớn của mình là thầy Quý Dương và thầy An Thuyên. Tôi không lường trước sự chia ly người thân đau đớn thế nên tôi rất sợ.
Tôi thường ám ảnh khi tưởng tượng chuyện cha mẹ một ngày sẽ rời bỏ mình. Khi đó tôi quyết tâm không cho phép mình yếu đuối, không lo lắng sợ hãi mà nghĩ phải sống thế nào để cha mẹ hạnh phúc, yên tâm và làm mọi điều để không phải nuối tiếc điều gì khi cha mẹ còn sống.
Tôi làm gì cũng nghĩ tới cha mẹ trước tiên. Một thời gian dài có lúc mình tưởng tượng cuộc chia ly cha mẹ không biết mình có được ở bên không, sẽ như thế nào.
Nhiều lần Thảo nói với cha mẹ rằng, cha mẹ hãy rộng lượng bỏ qua nếu con làm điều gì khiến cha mẹ không vui. Chúng ta có thể chia lìa nhau, cha mẹ có thể khuất núi mà không được gặp. Nghĩ nhiều rồi mọi chuyện dần nhẹ nhàng. Thảo nghĩ nên sống tốt với cha mẹ, không có gì phải hối hận, ngay cả khi nghĩ tới giây phút chia lìa.
Gặp bài thơ "Cõng mẹ đi chơi", Phạm Phương Thảo thấy có sự đồng cảm với tác giả, và giai điệu cất lên để có "Cõng mẹ về trời" hôm nay.
Phạm Phương Thảo có bao giờ làm điều gì để cha mẹ buồn?
Thảo nghĩ chúng ta không chỉ có một mà rất nhiều lỗi với cha mẹ. Hôm nay Thảo không dám mời cha mẹ tới đây, vì nói trước cha mẹ mình rất yếu đuối. Thảo thấy mình có nhiều tội chứ không chỉ có lỗi.
Cha mẹ nào cũng luôn muốn cho con yên bề gia thất, vuông tròn mọi bề. Cha mẹ Thảo cũng vậy, hiện giờ Thảo không dám nói đến chuyện đó, cảm thấy nên né tránh đi thì hơn.
Vì sao chị lại chọn nghệ thuật múa để truyền tải thông điệp của ca khúc khi thực hiện MV?
Bài hát có tính đương đại lớn, không thể tả chân thực quá, bởi đây là sự chia ly tử biệt nhưng không quá sầu bi. Tôi nghĩ bài này nên làm theo hướng gợi mở, dùng ngôn ngữ múa để diễn tả tình mẫu tử chia ly nhưng không sầu thảm, một tư tưởng, tinh thần đồng điệu giữa nhà thơ - ca sĩ.
Tôi muốn muốn nhắn nhủ khán giả rằng, tử nhưng không phải xa cách mãi mãi, nếu con cái giữ đạo hiếu với cha mẹ thì tử không bao giờ là biệt. Ca khúc và MV truyền tải tinh thần đạo Phật, sự luân hồi giác ngộ, chia ly nhưng gặp lại chứ không phải mãi mãi chia xa. Chúng ta gặp nhau, rồi sẽ lại gặp nhau.
Trang phục của Phạm Phương Thảo trong MV khá màu sắc, khác với những sản phẩm âm nhạc cùng chủ đề của các nghệ sĩ. Thảo có hàm ý gì không?
Hát dân gian thì chọn trang phục phải sáng tạo dựa trên trang phục dân tộc. Với MV này Thảo chuẩn bị style khác nhưng trước 2 ngày, Thảo quyết định sẽ xuất hiện không phải trong vai trò con hát về mẹ, khóc về mẹ. Thảo bàn với đạo diễn Lam Hạ rằng Thảo muốn xuất hiện với vai trò một vị thần dẫn lối cho linh hồn người mẹ tới cõi an lạc, dẫn dắt người con thoát nỗi đau của kẻ trần khi phải chia lìa mẹ mình. Trong 2 ngày, Thảo liên hệ được NTK Vũ Lan Anh hỗ trợ thực hiện trang phục phù hợp.
Cảm ơn Phạm Phương Thảo!
End of content
Không có tin nào tiếp theo