Văn hóa

NSƯT Thành Hội: ‘Còn gì quý hơn cứu một mạng người bằng nghệ thuật’

DNVN - Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh được bộ đôi nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như sáng lập năm 2010. Các tác phẩm tại đây chủ yếu tập trung vào dòng kịch tâm lý - xã hội, xoay quanh thân phận con người, tình yêu và gia đình.

Ngọc Châu thăm những người mẹ đơn thân, lắng lòng khi nghe tâm sự buồn về chuyện hôn nhân / Siêu mẫu Xuân Lan - đạo diễn Ngọc Lâm: Duyên đến từ đĩa khoai lang luộc, làm đám cưới sau hai tháng quen nhau

Trong tập 37 của chương trình “The Khang Show”, Nguyên Khang có dịp mời hai nghệ sĩ gạo cội Thành Hội và Ái Như đến gặp gỡ khán giả. Họ cởi mở chia sẻ những khó khăn trong ngày đầu theo đuổi nghiệp diễn, chuyện buồn - vui khi chèo lái con thuyền sân khấu giữa bối cảnh nhiều loại hình giải trí khác đang lần lượt chiếm lĩnh thị trường.

Mở đầu chương trình, host Nguyên Khang gợi mở câu chuyện bằng hình ảnh cánh chuồn chuồn - biểu tượng của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nghệ sĩ Thành Hội cho biết yêu thích hình ảnh cánh chuồn vì mong manh nhưng bền bỉ, bất chấp sương gió. Thuở ban đầu, Thành Hội - Ái Như lấy bút danh Hoàng Thái Thanh khi viết kịch bản. Sau đó, họ dùng đặt thành tên cho sân khấu và duy trì đến tận bây giờ.

Trước khi cùng gầy dựng sân khấu Hoàng Thái Thanh, cả nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như đều có thời gian dài hoạt động trong vai trò đạo diễn của các sân khấu khác.

NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như trong The Khang Show

NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như trong The Khang Show

“Khi dàn dựng một vở diễn, chúng tôi phải làm rất nhiều công đoạn và thường nghĩ nếu có một sân khấu cho riêng mình sẽ có thể thỏa sức sáng tạo, thể hiện cá tính”, Ái Như nói. Từ đó, ý tưởng thành lập sân khấu được nuôi dưỡng và Hoàng Thái Thanh ra đời. “Đúng là khi có một sân khấu, chúng tôi đã làm được nhiều hơn những điều mình muốn”, bà cho biết.

Những ngày đầu, sân khấu được đặt ở địa chỉ Lê Quý Đôn trong suốt ba năm cho đến khi buộc di dời đến địa điểm khác. Nghệ sĩ Thành Hội cho biết, ông và Ái Như đã đi khắp các sân khấu lớn nhỏ ở TP HCM để tìm cơ sở mới. Họ trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng như không còn chút hy vọng, thì đột nhiên nhận được cuộc gọi từ ban quản lý Nhà Thiếu nhi quận 10.

“Chúng tôi chưa từng quen biết hay liên hệ đến họ trước đó. Khi họ mời tôi về, tòa nhà còn đang xây dựng ngổn ngang. Thậm chí, họ còn nhờ cố vấn thiết kế sân khấu sao cho đúng ý chúng tôi”, nghệ sĩ Thành Hội bày tỏ. Theo nghệ sĩ, hai sân khấu mà Hoàng Thái Thanh từng đặt cơ sở, với ông, đều tình sâu nghĩa nặng. Nhưng riêng Nhà Thiếu nhi Quận 10 thì bao bọc ông cùng các cộng sự chín năm qua nên tình cảm rất lớn.

Khi sang địa điểm mới, bộ đôi Thành Hội – Ái Như đối mặt khó khăn khi phải “làm lại từ đầu”. Khán giả dường như đã gắn bó với cơ sở cũ, không ai biết đến sân khấu tại Nhà Thiếu nhi quận 10. Phải mất một thời gian, bộ đôi nghệ sĩ vừa dàn dựng các vở diễn một cách bền bỉ, vừa kết nối các hoạt động bên ngoài, mới hình thành thói quen cho những khán giả cũ và kéo thêm khán giả mới đến sân khấu.

Là người yêu kịch, Nguyên Khang có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm của Hoàng Thái Thanh từ những năm trước. Anh cảm nhận chủ đề mà sân khấu theo đuổi gắn liền với đời sống, hiện thực xã hội nhưng phảng phất màu sắc u buồn, khiến khán giả rơi vào trầm tư sau mỗi suất diễn.

 

Nghệ sĩ Thành Hội bày tỏ, thời trẻ, anh muốn thực hiện những vở kịch lột tả sự thật trần trụi, phản ánh những mặt tàn độc nhất của con người. Bạn bè của anh cũng nhận xét đi xem kịch của anh về rất thích, nhưng thấy cuộc đời không đáng sống, thấy con người quá tàn độc đến mức muốn… chết đi cho rồi.

Lời người bạn khiến Thành Hội bừng tỉnh. Sau đó, anh mới kết hợp với nghệ sĩ Ái Như và sáng tác theo quan điểm: “Dù làm gì đi chăng nữa, cũng phải khiến khán giả thấy cuộc đời này đáng sống”.

Trước bối cảnh thị trường giải trí nhiều biến động, Thành Hội bày tỏ, có lúc anh thấy nản. Anh hiểu kịch xếp sau nhiều loại hình nghệ thuật khác và làm kịch thì xác định không có lãi rủng rỉnh. Nhưng nghệ sĩ tin rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời và làm điều gì để giúp ích cho mình, cho người thì đều xứng đáng.


Không chỉ nổi tiếng với những vở kịch phê phán, lột tả hiện thực xã hội, sân khấu Hoàng Thái Thanh còn được biết đến là cái nôi của những tác phẩm chữa lành. “Có khán giả từng nói hai lần muốn tự tử nhưng sau khi xem kịch Hoàng Thái Thanh, tâm hồn bạn ấy đã sống lại. Điều đó cho thấy rằng 12 năm qua, tôi đã làm một điều không vô nghĩa”, nghệ sĩ bày tỏ. Nghệ sĩ thấy đủ khi có thể “cứu một mạng người bằng nghệ thuật, bằng những điều ông đã được học”. Với ông, điều đó quý giá hơn bất kỳ giải thưởng hay thành tựu nào.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay, là môi trường nghệ thuật của nhiều diễn viên bao gồm cả nghệ sĩ ngôi sao và tài năng triển vọng. Nghệ sĩ Thành Hội cho biết, ông ưu ái những gương mặt mới vì muốn cho họ cơ hội tỏa sáng bên cạnh những nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi.

 

“Tôi hiểu nỗi khổ đóng vai quần chúng và tin chắc rằng bây giờ không ai chịu nổi cảnh đó suốt 10 năm như tôi. Các em sẽ bỏ nghề ngay. Tôi dạy dỗ, đào tạo các em rồi mang chúng về mà không chỉ hướng cho chúng bay thì còn làm thầy chi nữa?”, nghệ sĩ bày tỏ lý do ưu ái những nghệ sĩ trẻ.

Thành Hội cho biết, sau 40 năm đứng trên sân khấu, ông tích lũy khối kinh nghiệm khổng lồ và muốn truyền đạt để đàn em không còn mò mẫm khi theo đuổi nghệ thuật như thế hệ của ông xã từng.

“Vì suy nghĩ ấy mà tôi quyết định đi dạy, nhưng tôi dạy rất khó. Những kinh nghiệm đánh đổi bằng xương máu, tôi không thể mang cho những người đến với tôi một cách hời hợt”, Thành Hội nói.

Mất 13 năm gầy dựng Hoàng Thái Thanh, đến nay, nghệ sĩ Thành Hội và Ái Như vẫn trăn trở tìm người tiếp nối giấc mơ duy trì sân khấu. Theo Ái Như, lâu nay, Hoàng Thái Thanh hoạt động không lời lãi nên bà và cộng sự phải bỏ tiền túi bù đắp. Bà cảm thấy khó khăn khi tìm được một ai đủ tâm huyết, chấp nhận chuyện kinh doanh mà lợi nhuận chỉ được đo đếm bằng tình cảm của khán giả.

Tuy vậy, cả Thành Hội và Ái Như không cho đó là áp lực. Họ quyết định đi đến cuối cuộc hành trình và chừng nào không đủ sức sẽ dừng lại. “Với chúng tôi, ngày nào Hoàng Thái Thanh còn diễn – đó là một ngày vui”, Thành Hội khẳng định.

 

Nghệ sĩ Ái Như tên thật là Hồ Thị Ái Như, sinh năm 1960 tại Huế. Khởi nghiệp với vai trò diễn viên của sân khấu kịch Idecaf và 5B Võ Văn Tần, đến nay, Ái Như đã diễn hàng trăm vai, viết hơn 20 kịch bản, đạo diễn gần 40 vở kịch. Với những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu, Ái Như đã nhận được giải Mai Vàng năm 2006 và giải Cù nèo vàng năm 2011 cho hạng mục đạo diễn.

Ái Như kết hợp với nghệ sĩ Thành Hội dựng nhiều vở kịch tâm lý xã hội gây được tiếng vang của sân khấu Hoàng Thái Thanh như Nửa đời ngơ ngác, Sông dài, Người điên trong ngôi nhà cổ, Màu của tình yêu, Đêm thiên nga...

Mạch Nhiên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm