Văn hóa

Phát hành bộ tem bưu chính “Gà bản địa Việt Nam"

Bộ tem “Gà bản địa Việt Nam” gồm 4 mẫu tem tràn lề khuôn khổ 37 x 37 mm sẽ được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 25/8/2021 đến 3/6/2023.

Nghệ sỹ 'bận rộn' với nghề tay trái trong mùa dịch COVID-19 / Phát huy 'sức mạnh mềm' trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội

4 mẫu của bộ tem “Gà bản địa Việt Nam"

Gà là một trong những vật nuôi gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam từ nhiều đời nay. Từ xa xưa, ông cha ta đã nuôi dưỡng, bảo tồn rất nhiều giống gà quý hiếm, độc đáo trên khắp mọi miền đất nước và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Để giới thiệu sự đa dạng sinh học, góp phần tuyên truyền bảo tồn nòi giống của một số loài gà thuần chủng Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế vùng miền, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính “Gà bản địa Việt Nam” gồm 4 mẫu giới thiệu các loài: Gà nhiều ngón, gà Đông Tảo, gà H'Mông và gà Lạc Thủy. Bộ tem được thiết kế theo phong cách đồ họa thể hiện nét đặc trưng của từng loại gà gắn với môi trường sinh sống của chúng.

Gà nhiều ngón: Là giống gà thuần chủng (bản địa), quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hoá của dân tộc thiểu số tại tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam). Ngoài giá trị kinh tế, văn hóa, gà nhiều ngón còn là nguồn gen quý, có ý nghĩa quan trọng cho đa dạng sinh học, đa dạng di truyền, phát triển chăn nuôi. Chân có màu vàng là chủ yếu, một số có màu chì (đen). Đặc trưng đặc biệt của giống gà này đó là chân có nhiều ngón, thường từ 6 đến 8 ngón, một số ít có 5 hoặc 9 ngón. Ngón xuất hiện ngay từ khi gà con mới nở và tồn tại trong suốt cuộc đời. Theo quan niệm của người dân địa phương, gà càng nhiều ngón càng quý và có giá trị thương mại cao. Gà 9 ngón rất hiếm và được xem như một báu vật.

Gà Đông Tảo: Hay còn gọi là gà Đông Cảo, là giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của người dân xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế, hội hè hay tiến Vua. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Đặc điểm của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, khi gà trưởng thành, con trống có thể nặng trên 4,5 kg và con mái trên 3,5 kg.

Gà H’Mông: Gà H’Mông hay còn gọi là gà Mông, gà Mông đen hay gà Mèo hay gà xương đen là giống gà quý hiếm, thuần chủng (bản địa) của Việt Nam, có nguồn gốc ở miền núi phía bắc, được dân tộc H’Mông nuôi thả quảng canh. Gà H’Mông có đặc điểm là thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở Việt Nam hiện nay. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người đồng bào H’Mông còn nấu cao để bồi bổ sức khoẻ. Hiện nay gà H’Mông thương phẩm được coi là món ăn đặc sản.

Gà Lạc Thủy: Là giống gà thuần chủng (bản địa) của Việt Nam, được coi là giống gà đặc hữu và quý hiếm có nguồn gốc từ huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và được nuôi từ khá lâu đời, là loài đang được bảo tồn nguồn gene.Sau khi phát hiện đây là giống gà quý, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Chăn nuôi Việt Nam đã quyết định đặt tên cho giống gà này theo địa danh Lạc Thủy.

 

Bộ tem “Gà bản địa Việt Nam”có khuôn khổ 37 x 37 mmdo họa sĩNguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 25/8/2021-30/6/2023. Tư liệu thiết kế do Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cung cấp và cho phép sử dụng.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành một số bộ tem về chủ đề Gà, gồm: Gà nhà, phát hành ngày 29/2/1968 với 8 mẫu; Chọi gà, phát hành ngày 8/2/2000 với 4 mẫu; Một số loài gà hoang dã, phát hành ngày 1/4/2006 với 5 mẫu…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm