Văn hóa

Phát triển văn học thiếu nhi - Bài cuối: Lấp dần những 'khoảng trống'

Văn học nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp cũng như bồi đắp tâm hồn, nhân cách đến với nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Tuy nhiên, để các bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận, những tác phẩm văn học cho trẻ em cần được viết dưới góc nhìn mới, cách viết và hình thức mới, truyền tải được những bài học giá trị, nhân văn.

Bộ đôi "crush quốc dân" HIEUTHUHAI và Phương Ly kết hợp trong MV "Xoay Một Vòng" / Siêu phẩm thanh xuân “Tri Kỷ” trở lại rạp Việt

Văn học “gieo” mầm nhân ái

Chú thích ảnh
Bìa cuốn sách phiên bản mới của 'Dế Mèn phiêu lưu ký' được ra mắt nhân dịp sinh nhật nhà văn Tô Hoài (27/9/1920). Ảnh: CTV

Văn học là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng. Những gì chứa đựng trong tâm hồn của trẻ em Việt Nam hôm nay chính là bản “thiết kế” quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai.

Vì thế, những tác phẩm văn học thiếu nhi góp phần gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay, để trong tương lai chúng ta sẽ gặt được những mùa người nhân ái. Và các nhà văn chính là những người “gieo” những hạt giống nhân văn ấy thông qua các tác phẩm văn học.

Hiện nay, thế giới phẳng, công nghệ 4.0, thế giới của mạng ảo đang ùa vào và thậm chí đang “thống trị” giới trẻ và cả người lớn… Việc giáo dục, xây dựng tâm hồn cho trẻ em Việt Nam là cấp bách, nên cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ, để làm giàu thêm tâm hồn trẻ thơ.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn học đối với sự phát triển của thiếu nhi, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã thực hiện Chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các tác giả viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em, đồng thời kêu gọi xã hội cùng mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của đất nước cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: Sáng tác văn học cho thiếu nhi là hoạt động quan trọng, được ưu tiên của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Ban chấp hành quyết định thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi và tập trung vào Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi, thay vì cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết như những năm trước đây. Cuộc vận động hướng tới mục đích: Thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.

 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thừa nhận lâu nay, việc viết cho thiếu nhi của tự thân các nhà văn có sự chểnh mảng, ít tập trung hơn. Có một số cuốn sách ra đời những vẫn viết theo lối cũ, giáo dục thông thường và đầy khô cứng. Trong khi thế giới trẻ em hiện nay có nhu cầu tiếp nhận khác, tự tin hơn, trong sáng hơn, giàu trí tưởng tượng, sống động hơn...

Những chuyển biến tích cực

Nhìn nhận bức tranh chung của văn học thiếu nhi những năm qua, nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết: Văn học thiếu nhi đã có một thời kỳ rực rỡ, nhiều “thế hệ vàng”, sáng tác những tác phẩm tuyệt vời cho xã hội, bao thế hệ trẻ em đã được “tắm” trên nền văn chương đó, làm nên nhiều kỳ tích. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, văn học thiếu nhi không được quan tâm, vắng bóng dần và trong một thời kỳ khá dài, văn học thiếu nhi bị “khô hạn”. Những năm gần đây, văn học thiếu nhi đang khởi sắc trở lại, thể hiện ở sự phong phú về các mảng đề tài cũng như độ tuổi người sáng tác. Đáng mừng là sự quan tâm thực sự của đông đảo tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Một số tác giả cũng như tác phẩm đã để lại dấu ấn qua cách tiếp cận mới lạ từ cả góc nhìn hiện thực lẫn lối viết giả tưởng.

Để tạo bầu không khí mới, Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam quyết định củng cố lại văn học thiếu nhi. Từ Ban Văn học thiếu nhi nâng lên trở thành Hội đồng Văn học thiếu nhi để văn học thiếu nhi có tầm hoạt động tốt, có tiếng nói như các hội đồng thơ văn khác. Sau khi thành lập Hội đồng, văn học thiếu nhi đã có những bước chuyển biến tích cực, từ việc xét thưởng, kết nạp hội viên… đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây.

Bên cạnh đó, để văn học thiếu nhi từng bước khởi sắc, Hội đồng Văn học thiếu nhi đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm về văn học thiếu nhi, đưa ra các tiêu chí viết về đề tài thiếu nhi. Đó là cổ vũ những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp như tinh thần cảm thông, sẻ chia vì người khác, khích lệ lòng say mê sáng tạo, ý thức tự lực, từ đó làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng các em trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai. Các sáng tác cho thiếu nhi góp phần làm đa dạng, sinh động thêm đời sống văn học nói chung và văn học về đề tài thiếu nhi nói riêng, qua đó tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học thiếu nhi. Đặc biệt Cuộc vận động sáng tác đề tài văn học thiếu nhi được phát động đã tạo bầu không khí mới, sôi động cho sáng tác về văn học thiếu nhi.

 

Nhà văn Thái Chí Thanh cho rằng, tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi phải chú trọng trước hết ở tính nhân văn, sự hồn nhiên để tạo sự hấp dẫn. Hiện nay, xã hội thay đổi với nhiều nguồn thông tin, buộc văn học viết cho lứa tuổi này phải đổi mới. Thay vì dừng ở các hình tượng mặt trăng, mặt trời, mắt na, múi bưởi… đơn điệu, các nhà văn phải thâm nhập các đề tài thiên về siêu thực, ma mị...

"Chúng tôi đã thấy được tinh thần đổi mới trong tác phẩm ‘Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp” của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên - đoạt giải Nhất bản thảo văn xuôi Cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi đợt 1. Trong tác phẩm này, con mèo cũng có ước mơ được làm nghệ sỹ… là điểm hấp dẫn và hay để đánh giá giá trị của tác phẩm”, nhà văn Thái Chí Thanh cho biết.

Tác giả Dương Thị Thảo Nguyên thừa nhận, với chị, đây là mảng đề tài khó vì phải chọn lọc từ vựng sao cho thật khéo, yếu tố hài hước, không nặng yếu tố bài học, giáo điều, sao cho các bạn nhỏ thấy hào hứng hơn, mong muốn được khám phá nhiều hơn.

Nhà văn Lê Quang Trạng, người giành Giải thưởng hạng mục Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 với tác phẩm “Cá linh đi học” chia sẻ, khi viết cho thiếu nhi, anh thấy như mình trẻ lại. Khi ấy, anh hóa thân thành một cậu bé, đang ngồi kể lại những câu chuyện mà mình nhìn thấy dưới ánh mắt trẻ thơ. Và anh nghĩ, mình sẽ còn gắn bó với văn học thiếu nhi lâu nữa, bởi anh cảm thấy mình còn nhiều điều muốn nói, muốn chia sẻ với độc giả qua dòng văn học này. Với Lê Quang Trạng, văn học thiếu nhi như một đợt mưa rào tươi tốt cho tâm hồn và trang viết của anh.

Theo nhà văn Lê Phương Liên, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), thời gian gần đây, chất lượng các tác phẩm văn học thiếu nhi có sự chuyển biến mạnh mẽ, làm hiện diện rõ hình ảnh văn học thiếu nhi thế kỷ XXI và tiến gần với trào lưu văn học thiếu nhi thế giới, đặc biệt là thể loại giả tưởng. Nhiều tác giả trẻ hiện nay đã chọn những vấn đề hiện thực, gắn bó với đời sống của trẻ em nhưng lại đặt vào thế giới giả tưởng rộng mở và thú vị.

 

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, các tác giả hiện nay viết về đề tài thiếu nhi rất sinh động, giàu mỹ cảm với sự pha trộn của nhiều hình thức thể loại, thoát khỏi sự câu nệ vào các quy chuẩn, khuôn sáo. Trong đó, điểm nổi trội nhất là các tác giả đã hạn chế những bài học gượng ép, giáo điều to tát, chú trọng đến khơi gợi trí tưởng tượng trong từng chi tiết nhỏ của đời sống. Các tác phẩm không chỉ giúp cho trẻ em cảm nhận được tình yêu cuộc sống, con người mà còn giúp các em hiểu biết và yêu thương thế giới xung quanh, biết tránh xa những thói hư tật xấu, đồng thời cũng thúc đẩy khả năng hòa đồng, khám phá thế giới, tạo tiền đề cho khơi mở tư duy sáng tạo...

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định, những cuốn sách có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng một tâm hồn tốt đẹp, một con người tử tế, một tấm lòng nhân ái. Sách hay, tốt sẽ gieo vào tâm hồn trẻ em, những công dân - chủ nhân tương lai của đất nước những điều tốt đẹp. Và tất cả những gì mà các nhà văn làm hôm nay cho trẻ em và cho thế hệ trẻ dù chỉ là một điều nhỏ bé cũng góp phần vào sự chuẩn bị trọng đại của cả đất nước cho một tương lai tốt đẹp sau này.

“Chúng ta muốn trẻ em Việt Nam lớn lên, trở thành người tử tế và mang tên Việt Nam, thì sự tử tế đó phải chứa đựng vẻ đẹp văn hóa, phong tục, lịch sử Việt… Để làm được điều đó, cần có thật nhiều những tác phẩm văn học thiếu nhi mang đậm văn hóa Việt đến với các em” Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm