Văn hóa

Sáng vai trò người phụ nữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu tại đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, đèo Pha Đin… anh em dân công trực tiếp ngày đêm bảo đảm giao thông thông suốt, trên các tuyến đường khác, chị em phụ nữ cũng đã dũng cảm làm việc ngay cạnh những hố bom nổ chậm, phá bom, bắc cầu, đắp đường sạt lở...

Lời trần tình của Nam Em 8 năm trước khiến nhiều người tiếc nuối: Nếu năm xưa học giỏi môn này, vị thế bây giờ chắc sẽ rất khác / Ngọc Trinh lộ diện với nhan sắc lạ lẫm hậu biến cố, netizen bàn tán vì chi tiết khó tin

Chú thích ảnh
Hình ảnh công binh Trung đoàn 153 và dân công làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: LS

"Năm 1954, tôi 20 tuổi, nhưng đã đi dân công được 3 chuyến, mỗi chuyến hơn 1 tháng. Đoàn của tôi đi có 30 người, chuyển gánh gạo từ Yên Định, Thanh Hóa đến chiến trường Điện Biên Phủ. Tôi thường gánh được khoảng hơn 20kg/ 1 chuyến. Chuyến đầu chưa có bồ, gạo được đùm vào nylon, bên ngoài bọc rơm. Để tránh máy bay địch, cả đoàn phải nghỉ ngày, đi đêm", lưu bút về bà Đỗ Thị Biêng, xã Yên Phủ, Yên Định, Thanh Hóa, dân công gánh bộ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Góp sức mình trong thời khắc cả dân tộc cùng ra trận khi đó, phần lưu bút của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, diễn viên Đội văn công Đại đoàn 312 phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ ghi: "Văn công chúng tôi ngay cả khi biểu diễn cũng chỉ mặc đồ bình thường, quần xắn lên đến đầu gối vì phải đứng dưới chiến hào. Những hôm mưa, nước ngập, bùn lầy lội thì phải xắn đến tận bẹn. Đêm gột bùn đi mà ngủ chứ không có nước rửa ráy, giặt giũ, cứ chịu bẩn như thế hàng mấy tháng trời. Nhạc cụ phục vụ biểu diễn cũng chẳng có gì, chủ yếu là "hát chay". Sau này, đơn vị anh Phan Đình Giót lấy được cây đàn accordeon chiến lợi phẩm đem tặng, đội văn công mới có đàn để hát suốt chiến dịch. Những ngày ở Điện Biên mưa nhiều lắm, nhưng chỉ có cái đàn được che mưa vì có một miếng nylon là rất quý, còn lại toàn bộ diễn viên trong đoàn đều phải dầm mưa dãi nắng cả...".

Chú thích ảnh
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiếc xe đạp thồ có khả năng chở trung bình từ 50 - 100 kg, tương đương với khả năng mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật liệu cồng kềnh, chất lỏng như xăng, dầu. Ảnh: LS

"Là văn công, nhưng chúng tôi được trang bị như một chiến sĩ xung kích, từ súng, đạn, lựu đạn, cuốc xẻng, bao gạo đến túi bông băng và nhiều thứ khác. Trên chiến trường, chiến sự diễn ra ác liệt. Các chiến sĩ văn công được chia thành từng tổ theo phục vụ các đại đội, trung đội ngay tại chiến hào. Bộ đội ta giữ chốt, đào hào, đánh địch trở về, chúng tôi lại hát cho các anh nghe. Thời gian này, đoàn có hai điệu múa “Xòe hoa" và “Khoe giày" được biểu diễn nhiều nhất...",lưu bút của bà Ngô Thị Ngọc Diệp, văn công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những mảng ký ức tràn ngập cảm xúc còn lưu lại trong những bức ảnh kỷ vật, dòng thư mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn lưu giữ là minh chứng rõ ràng nhất cho đóng góp của người phụ nữ với chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến tranh là gai góc, khốc liệt với lửa đạn, bom mìn, chết chóc, chưa bao giờ từ một ai. Trong bối cảnh hơn nửa thế giới là phụ nữ, họ cũng chiến đấu, hi sinh và hết lòng phụng sự tổ quốc. Với chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của những người phụ nữ lại vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

 

Chú thích ảnh
Hình ảnh những người phụ nữ ở hậu phương tăng gia sản xuất đóng góp cho Bộ chỉ huy chiến dịch lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: LS

Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vươt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá…

Họ là những chị dân công đi tải lương, phục vụ chiến dịch. Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta huy động một khối lượng lớn dân công ra mặt trận, nhiều hơn quân đội và được tổ chức như quân đội. Họ miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày, bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn quân thù hết lượt này đến lượt khác kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch.

Chú thích ảnh
Kỷ vật túi đựng truyền đơn của nữ chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: LS

Họ là những phụ nữ Thái, Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" nào lợn, gà, dê, ngô, khoai, gạo, muối... ủng hộ bội đội đánh giặc.

Họ cũng là những nữ y tá quân y, ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, miệt mài chăm sóc thương binh; là những nữ văn công đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của chiến sĩ ngoài mặt trận, góp lời ca tiếng hát sau những giờ chiến đấu căng thẳng "một mất, một còn".

Và cuối cùng, họ còn là những người vợ, người mẹ chấp nhận biệt ly, chia cách, tiễn chồng, con ra mặt trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, còn mình chu toàn việc gia đình, con cái, tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; những người phụ nữ tạm dừng chuyện cưới xin để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hay về nữ dân công cháy cả mái tóc vì dính bom napan nhưng vẫn lao mình vào cứu những hòm đạn. Rất nhiều trong số đó đã nằm lại ngay tại Điện Biên.

 

Chú thích ảnh
Kỷ vật gồm túi, hộp đựng thức ăn, đèn chai của nữ dân công đội xe thồ và gánh bộ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lưu tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: LS

Làm rõ thêm vai trò, đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp hơn 2,3 triệu ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ; tiếp sức cho chiến trường. Cùng với bộ đội, chị em các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Thái, H'Mông, Hoa… tham gia chiến dịch làm đường. Phụ nữ hậu phương cũng tích cực lao động sản xuất, làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho cho tiền tuyến; thi đua “giết giặc lập công”, tham gia dân quân du kích, đấu tranh chống giặc bắt lính, làm công tác địch vận.

Chú thích ảnh
Hình ảnh người phụ nữ ở hậu phương tham gia ủng hộ tài chính "Tuần lễ vàng" năm 1945. Ảnh: L.S

Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, lòng yêu nước đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng và họ đã biến nó thành hành động chính nghĩa, cùng với cả nước dành độc lập cho dân tộc mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm