Văn hóa

Say đắm những vũ điệu của người Khơ Mú

Từ cuộc sống lao động và môi trường sống với những nét văn hóa đặc trưng, người Khơ Mú đã có những điệu múa điển hình như: Múa Cá lượn (Viêng ver guông), múa Ong eo (Tẹ Viêr Guông), Múa đuổi chim (Tẹ Kam Đặt Sim); múa cầu mùa (Te grơ); múa mừng nhà mới...

Đỏ mặt với loạt váy quá táo bạo trên thảm đỏ của sao châu Á 2018 / 5 hôn lễ ngọt ngào, cảm động nhất showbiz Hoa ngữ năm 2018: Mỹ nhân số 3 từ bị ghét thành được hâm mộ nhờ đám cưới

Múa Ong eo (Vũ điệu Tẹ Viêr Guông)

Người Khơ Mú thường múa Ong eo hình trong những dịp lễ hội, lễ mừng cơm mới được tổ chức ngay sau khi vừa kết thúc vụ gặt. Ong eo của đồng bào Khơ Mú là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân nơi đây như: Gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ. Điệu múa biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa.

Khi múa Ong eo, người nam thường đeo chiếc khoong khăn vừa là nhạc khí, vừa là đạo cụ, trong khi các cô gái với bộ váy thổ cẩm sặc sỡ, nụ cười duyên dáng, nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo khiến người xem ngẩn ngơ say đắm.

Múa mừng nhà mới

Khi dựng nhà xong, đồng bào Khơ Mú tiến hành nghi lễ lên nhà mới, sau khi làm xong các thủ tục lên nhà mới, mọi người ăn uống, chúc tụng là đến các điệu múa mừng nhà mới. Đám thanh niên trong thôn bản treo bộ chiêng lên một góc nhà, mang chập cheng (chreng) ra, một tốp các cô gái ăn mặc lộng lẫy, tay cầm ống nứa to, dài tới ngang ngực bước vào vòng múa. Một người hô to: “Một hai ba Đánh!”. Lập tức tiếng chiêng vang rền núi rừng.


Tiếng chập cheng vang rộn thôn bản, lôi cuốn các cô gái múa theo nhịp chiêng, vừa múa, vừa dỗ dỗ đầu gậy xuống sàn nhà bịch bịch bịch. Chiêng đánh càng khỏe, chập cheng càng nhanh, nhịp múa càng hối hả, nhịp dỗ dỗ xuống sàn càng tăng, người càng rạo rực. Mọi người vỗ tay, trẻ con reo hò theo điệu múa không ngớt. Rồi tất cả mọi người đều bị lôi cuốn vào vòng múa, vừa múa, vừa hát. Họ vừa múa hát mừng nhà mới, vừa mời rượu nhau.

Múa cá lượn (Viêng ver guông)

Múa cá lượn thường được múa trong lễ sửa nhà của người Khơ Mú. Đây là điệu múa rất đặc trưng của người Khơ Mú. Ngày xưa, khi đi bắt cá, ngồi ngắm nhìn những con cá bơi đi bơi lại, người Khơ Mú về hình dung ra những động tác đuôi cá, vây cá chuyển động và sáng tác ra điệu múa, đặt tên là cá lượn. Múa cá lượn tạo nên không khí vui tươi cho người múa.

Các động tác múa cá lượn nồng nàn, thân mật và ấm áp tình cảm gắn bó cộng đồng. Múa cá lượn gồm sáu động tác chính giống như vẫy đuôi, xòe vòng, ghẹ đầu quấn quýt bên nhau của những con cá trắng dưới lòng khe. Trong mùa tìm nhau kết đôi hoặc trong các lễ hội, ngày vui của dân tộc mình, người Khơ Mú thường múa cá lượn.

Múa chọc lỗ tra hạt (Tẹ chư moi)

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 3, tháng 4 là thời điểm người dân tiến hành cày cấy, để có mùa màng bội thu, người dân Khơ Mú thường tổ chức lễ hội tra hạt, lễ cầu mùa. Trong lễ hội cầu mùa này, vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ bao giờ cũng được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.


Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ tra hạt, những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Phía nữ cũng dàn hàng, đối diện. Nam vừa húng lỗ vừa lùi. Nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất. Cả tốp người, bên nam, bên nữ, cùng làm cùng nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng và trong khúc dân ca của chính người Khơ Mú.

Múa mừng măng mọc

“Mừng mùa măng mọc” là mỹ tục của người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thể hiện thái độ sống tôn trọng môi trường sinh thái và trách nhiệm với rừng, đồng thời chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Múa tăng bu, tăng bẳng - múa ống là điệu múa chủ đạo của hội mừng mùa măng mọc, có nguồn gốc từ chiếc gậy chọc lỗ tra hạt trỉa lúa trên nương cùng dụng cụ bằng ống tre lấy nước suối. Trai gái tay trong tay quanh cây quấn hoa múa những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, sôi động theo nhịp của ống tre trỗ mạnh xuống đất, đánh thức những khát vọng và những hạt mầm… Điệu “Tăng bu” sôi nổi bao nhiêu thì điệu “Hưn mạy” - Đàn tre lại mềm mại uyển chuyển và trữ tình bấy nhiêu: âm thanh của nhạc cụ bằng tre gõ vào tay như tiếng thầm thì của núi ngàn.

Múa đuổi chim (Tẹ Kam Đặt Sim)

Múa đuổi chim cũng thường được múa trong lễ cầu mùa. Điệu múa này phần nhiều là những vũ điệu và tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, nhưng không kém phần hồn nhiên của các chàng trai, cô gái. Mục đích của điệu múa đuổi chim là để xua đuổi các con vật không đến phá nương rẫy làm hại mùa màng nữa. Điệu múa này gắn liền với đời sống lao động của người Khơ Mú.


Thông qua các điệu dân vũ, người dân Khơ Mú mong muốn con người luôn luôn được khỏe mạnh, họ cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa; đồng thời cũng thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Các điệu múa liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng tình yêu đôi lứa, sự cố gắng nỗ lực của người dân khi vượt qua mọi khó khăn để tồn tại phát triển cùng cộng đồng. Do đó, nét đặc biệt của múa dân gian Khơ Mú là các động tác thường rất khỏe mạnh, sôi động nhưng không kém phần duyên dáng.
Theo Langvietonline.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm