Tết xưa ơi!
Hàng loạt sự kiện văn hoá – nghệ thuật đặc sắc trong Tết Kỷ Hợi / Lương Thế Thành - Thúy Diễm chia lịch ăn Tết nhà nội, nhà ngoại
Nước sông Đà xanh một màu cổ tích. Nhịp phố tấp nập và hối hả diễn ra trong lòng thành phố nhỏ xinh này. Một siêu thị mới được khai trương bận rộn chuẩn bị hàng Tết phục vụ bà con. Những biển hiệu chăng đèn kết hoa rực rỡ hơn để chuẩn bị đón năm mới. Bên đường Cù Chính Lan, những cửa hiệu chăng băng rôn quảng cáo trao quà tặng đến tận nhà trong lễ Noel và Tết Nguyên đán. Cơ chế thị trường đang len lỏi trong từng góc phố, từng ngôi nhà. Cuộc sống phố cuồn cuộn nhiều đổi thay.
Mấy bác hàng xóm gói bánh chưng chuyên nghiệp đã bắt đầu tìm gọi, thuê người giúp việc rửa lá, đãi đỗ và gói bánh. Những chuyến xe Tây Bắc từ Sơn La rồi sẽ chở về xuôi những cành đào cổ thụ thân xám mốc hoa phớt nhạt và cánh to dày thật là đẹp. Tết đang về. Chả biết năm nay mẹ tôi có còn gói bánh chưng nữa hay không?
Sáng nay, khi giảng cho học trò bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên mà cứ muốn trào nước mắt. Không biết có phải do thời gian và tuổi tác mà bỗng nhiên, trong lòng chợt dâng lên một nỗi nhớ mênh mang, da diết. Nỗi nhớ Tết xưa.
Ảnh minh họa
Tết xưa, bao giờ cũng vậy, cứ 28 Tết là chúng tôi rồng rắn lên chợ Phương Lâm mua lá dong. Chợ ngày đó còn sơ sài với mấy lán nhỏ bên đường quốc lộ số 6 cùng mấy quán nhỏ treo lủng lẳng mấy túm thuốc lào và vài mẹt tỏi ớt vừng lạc. Những hàng đặc chủng của ngày Tết nằm dọc đường. Bởi vì người dân ở trên núi mang theo xuống vô số mặt hàng của rừng như vài xâu mộc nhĩ đen ngâm làm nem miến thì giòn phải biết. Lúc lại vài xâu nấm hương trông không đẹp mã nhưng mùi thơm thì thật không chê vào đâu được.
Nếu ở quê, quà là bánh đa, bánh đúc thì ở đây đám trẻ miền núi lại tha thẩn mua mấy quả vả mà mật trong vàng, đặc sánh ngọt ngào không thể tả xiết, mấy xâu bồ quân hạt đen nhánh vị rất bùi và kem mậu dịch là một đặc sản mà đã xuống chợ Tết thì không thể bỏ qua. Lá dong nhiều vô kể, tha hồ chọn lựa. Tôi và cô em gái cố chọn loại lá bánh tẻ, vừa xanh, vừa ánh vàng mềm mại... Rồi tự thưởng cho mình hai hào chè đậu xanh trong cửa hàng mậu dịch. Tuyệt ngon!
Có lẽ mãi sau này tôi vẫn không thể quên hình ảnh cha tôi, gương mặt hân hoan, đem về nhà từ quán bán tranh của ông già tóc bạc đầu ngõ một bức ngũ quả và hai câu đối Tết đỏ chói. Tranh bằng giấy và mùi mực sao mà thơm thế! Cha bắc ghế và chỉ mình ông làm điều đó, thận trọng treo hai câu đối Tết lên hai bên bàn thờ tổ tiên. Ông lùi lại phía xa ngắm nhìn kính cẩn và thì thầm. Lũ chúng tôi, bé con, chẳng biết gì cũng lặng lẽ đứng chắp tay khi cha treo xong hai câu đối Tết. Cảm thấy trong câu đối ấy một điều gì đó rất thiêng liêng và bí mật.
Tết xưa... Mấy chị em hăm hở chuẩn bị trang trí cho cành đào. Chiếc hũ đựng tương của mẹ, rửa sạch, bọc bên ngoài tờ hoạ báo Trung Quốc xanh đỏ, thế là cành đào có thể đứng lộng lẫy một góc nhà. Để thêm phần lóng lánh, chúng tôi lấy những tờ giấy bạc của bao thuốc lá Tam Đảo đã kỳ công tìm kiếm cất giữ và cắt thành những sợi trắng bạc lấp lánh giăng mắc lên cành đào. Tôi vẽ thêm một cô gái đội nón, môi đỏ hồng mắc lên cành đào giả như treo bưu thiếp.
Ngoài sân nắng vàng rực rỡ là lúc mẹ phơi áo hoa. Những chiếc áo hoa, quần xanh sĩ lâm mẹ được phân phối ở mậu dịch cất trong tủ cả năm trời còn thơm mùi băng phiến. Tôi áp mặt vào chiếc áo hoa màu xanh bằng vải phin, cổ sen tròn, túi hàm ếch mà lòng hân hoan khó tả. Tết được mặc quần áo mới là cả niềm hạnh phúc của chúng tôi thời ấy.
Ảnh minh họa
Ngày 29 là ngày gói bánh. Ngày đó còn có tục đụng lợn. Mỗi nhà một đùi lợn Mường nuôi từ 5, 6 tháng trước chắc thịt, thơm và rất ngon. Hàng xóm chạy qua chạy lại xin lá, xin củi, chao ôi là vui! Mẹ trải chiếu giữa nhà gói bánh chưng. Lũ trẻ lăng xăng bẻ lá, tước lạt. mùi lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, hạt tiêu, thịt lợn thơm lừng mùi năm mới. Mẹ gói đẹp. Mọi người khen, tay mẹ càng dẻo hơn. Thế nào rồi lũ trẻ chúng tôi cũng có được mấy chiếc bánh chưng con con để dành.
Tết xưa... Thế nào rồi cha cũng làm món giò xào bằng thịt thủ lợn Mường và mộc nhĩ trên núi. Cha hơ trên bếp lửa tàu lá chuối mềm và thơm. Kỳ cạch với lạt giang, thanh tre, lá chuối, thịt thủ, mộc nhĩ thế nào rồi cũng có hai cặp gió xào treo lủng lẳng. Ngày Tết ăn giò xào mà không thấy ngán bởi thịt lợn thật ngon. Có năm hứng lên cha còn giã giò lụa. Tuy không giòn như giò bầy giờ nhưng thơm và đậm đà lắm!
Tết xưa... Đêm 29 là niềm vui thích nhất khi quây quần bên nồi bánh chưng. Đêm xuống nhè nhẹ, lạnh nhưng ấm áp. Tiếng củi nổ lách tách. Ngoài vườn, sương bàng bạc, hoa đào nở hồng và hoa mận nở trắng. Đây là lúc có thể nướng tất cả nhưng món ăn thú vị. Mùi mía tím lùi trong than hồng thơm như mật ngọt, mùi sắn khoai, ngô nướng và những câu chuyện không đầu không cuối nở bên nồi bánh suốt đêm. Tiếng đàn ghi ta của anh trai về nghỉ Tết và câu chuyện của người lính xa nhà trở về...sao mà ấm áp, hạnh phúc.
Tết xưa. Bao giờ cũng vậy. Mẹ gọi mấy chị em lại và dặn một cách nghiêm cẩn: "Giận mấy cũng không được mặt nặng mày nhẹ đâu nhé! Phải thật vui nếu không dông đấy. Phải thật nhẹ tay với bát đũa và ấm chén". Và dặn anh trai khi đốt pháo thì châm lửa một lần thôi, dứt khoát. Pháo đốt hai ba lần mới nổ là không may. Đêm 30, tôi chầm chậm bước chân cùng đứa bạn gái trong đêm giao thừa không đến địa điểm nào cụ thể. Cứ như thế trong cơn mưa phùn lặng lẽ bên nhau để cảm nhận từng khoảnh khắc giao thừa.
Các bạn trẻ thời ấy đi chơi chủ yếu là lai nhau bằng xe đạp. Có chiếc xe đạp nhãn hiệu Thống Nhất lai là cả niềm hãnh diện khi năm mới sắp sang. Và thế nào rồi cũng phải trở về trước giao thừa để còn chứng kiến cảnh cha tôi bóc hộp mứt đầu tiên trịnh trọng và thiêng liêng. Cả nhà ngày Tết chỉ có ba hộp mứt. Đêm giao thừa bóc hộp đầu tiên. Những viên bi nhân lạc thơm và giòn. Mùi mứt gừng thơm cay ngọt. Chúng tôi nhầm nháp vị ngọt ngào đó trong mùi pháo tràn ngập căn nhà lối xóm, trong lời chúc và dặn dò của cha, nghe dâng dâng một niềm hân hoan vô bờ bến.
Tết xưa. Sáng mùng một. Mẹ bao giờ cũng là người dậy sớm nhất. Chỉ nghe bước chân nhẹ nhàng của mẹ là hai chị em tôi lặng lẽ bấm nhau, gấp gọn chiếc chăn sui màu nâu xám cũ kỹ, đi qua mảnh sân rộng còn ướt sương trong bóng tối mờ mờ của buổi sớm và bắt đầu giúp mẹ. Ánh lửa chập chờn khi mờ khi tỏ và bóng mẹ ngồi bên bếp cần mẫn thân quen vô cùng. Không hiểu sao, bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi không thể quên những buổi sáng mồng một đầu năm, lặng lẽ trở dậy, đi qua khoảng sân rộng mờ tối và ướt sương để cắm cúi, hân hoan, cùng mẹ và em bắt đầu với những món ăn ngày Tết.
Tết xưa. Cả mấy đứa bạn thế nào rồi cũng tập trung trước hiệu sách xem chọi gà và cờ tướng. Cờ tướng thì chả hiểu gì còn xem gà chọi thì thấy thích thú. Đứa em trai vốn rất thích nuôi gà chọi cố gắng mài vuốt cho sắc để còn đấu vào ngày mồng một. Rồi sau đó cả bọn rồng rắn đạp xe lai nhau mấy chục cây số chỉ để mua một bát táo bột của mấy bác Việt Kiều từ Thái Lan về. Thứ táo nhỏ quả nhưng ngọt và thường để một chiếc ghế con trước cửa nhà cùng một bát sắt Trung Quốc đã đong đầy sẵn. ăn hào hứng no bụng mà cùng lắm tiêu hết hai hào. Vui!
Tết xưa... đã quá xa rồi! Giờ tôi đang ngồi và đợi mùa xuân bên bàn máy tính. Bánh chưng đặt sẵn bốn chiếc. Cô con gái nói không biết món nem hải sản mua sẵn năm nay có ngon hơn món mẹ làm Tết năm ngoái hay không? "Con chỉ thích ăn xúc xích và thịt lợn hun khói thôi! Tất niên rán xúc xích mẹ nhé!".
Những cửa hàng hoa nhựa khuân về ùn ùn những cây cảnh Trung Quốc. Cây phong lá đỏ một góc nhà. Đó là may mắn đến. Đấy là ý nghĩ của chủ hàng. Cô bạn thân thì gọi điện thoại tíu tít khoe: "Con trai năm nay làm ở FPT, tiền thưởng Tết được ba mươi triệu. Bọn nó định bàn nhau đi du lịch Thái Lan cậu ạ!". Cuộc sống có nhiều đổi thay. Nền kinh tế của đất nước đang chuyển mình. Chúng ta cùng với Tết cổ truyền cũng vận động trong nhịp sống ấy.
Những nét sinh hoạt xưa dần dần cũng thay đổi. Nhưng không hiểu sao, chiều nay, tôi bỗng nôn nao nhớ. Nỗi nhớ làm lòng ta bâng khuâng nhưng ấm áp. Tết xưa ơi!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vợ chồng tỷ phú Mỹ tuyên bố cứng sau khi bị Đàm Vĩnh Hưng kiện, hé lộ thêm vụ Mr.Đàm đứt lìa vài ngón chân
Bà là 'người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc', từng kết hôn hai lần và không có con, hiện đã 72 tuổi mà vẫn xinh đẹp đáng ghen tị
Lưu Gia Linh hoàn toàn sụp đổ, hình ảnh vụ bắt cóc năm xưa bị rò rỉ, hé lộ sự thật việc không có con sau gần 20 năm kết hôn với Lương Triều Vỹ
'Ký ức' bên sông Hàn: Chương trình nghệ thuật chạm đến trái tim
Được Hoài Linh trao đặc quyền, Hoài Lâm quyết từ bỏ?
Trương Nghệ Mưu: Năm đó tôi đang định cưới Củng Lợi, lại bị một người đàn ông hủy hoại tất cả