Văn hóa

Thành Long kể về phút do dự trong cảnh quay khiến ông bị thương nặng

Những gì Thành Long đã trải qua khi đóng các phân cảnh nguy hiểm, khán giả khó lòng hình dung hết được.

Thành Long sinh năm 1954 ở Hong Kong, trong một gia đình nghèo, bố mẹ ông ít học nên luôn mong mỏi con cái không thất học như mình. Vì thế, họ rất coi trọng việc học văn hóa của con. Chỉ cần Thành Long muốn, ông bà sẽ làm lụng chu cấp cho con. Trái với mong mỏi của bố mẹ, Thành Long ham chơi, bướng bỉnh, nghịch ngợm và không thích đi học. Cậu bé suốt ngày cùng đám bạn trèo cây, leo tường, đánh nhau, chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.

Thành Long là ngôi sao võ thuật nổi tiếng Trung Quốc và cả thế giới.Có thể bạn quan tâm

Thành Long đến với võ thuật từ rất sớm, trải qua 10 năm rèn luyện trong lớp học võ cùng hàng chục năm lăn xả trên phim trường, ông được công nhận là một trong những ngôi sao hành động vĩ đại nhất mọi thời đại. Nam diễn viên từng nói: "Tôi không muốn là Lý Tiểu Long thứ hai, tôi muốn là Thành Long đầu tiên". Bằng ý chí, tài năng và cả sự liều mạng, ông đã làm được điều đó.

Tuy nhiên, để có được thành công khiến nhiều người ao ước như ngày hôm nay, Thành Long phải đánh đổi bằng những pha hành động đầy nguy hiểm như phi mình từ trên nhà cao tầng, đu mình trên máy bay, rượt đuổi trên nóc tàu hỏa, chui dưới gầm ô tô, lao xuyên cửa kính... đều được Thành Long tự mình thực hiện mà không dùng diễn viên đóng thế. Cũng chính vì điều này mà Thành Long đã gặp không ít tai nạn trên phim trường, trong đó có những tai nạn đến giờ nhắc lại không chỉ Thành Long mà cả khán giả cũng phải rùng mình.

Thành Long bị đánh đến gãy một chiếc răng và bị kiếm chém vào cánh tay khi quay một phân cảnh đối đầu trực diện trong Xà hình điêu thủ năm 1978.

Nhắc đến sự vất vả khi đóng cảnh hành động không dùng diễn viên đóng thế, Thành Long vẫn thường nói rằng: "Trên người tôi chẳng còn đốt xương nào chưa từng bị gãy". Mặc dù chỉ là câu nói đùa nhưng nó cũng không hoàn toàn sai.

Những gì Thành Long đã trải qua khi đóng các phân cảnh nguy hiểm, khán giả khó lòng hình dung hết được. Thậm chí, báo chí Trung Quốc còn nhận định: “Thành Long đặt cược cả mạng sống để đóng phim”. Từ gãy tay, gãy chân, gãy đốt sống mũi, gãy răng hay thậm chí mất trí nhớ tạm thời, suy giảm thính lực, xuất huyết não… ông đều đã từng trải qua.

Khi quay Sư đệ xuất mã, Thành Long bị đánh gãy sống mũi, cổ họng bị chèn mạnh suýt tắt thở.

Trong sự nghiệp đóng phim và lịch sử những lần bị tai nạn của mình, Thành Long ám ảnh nhất lần bị ngã từ trên đỉnh một nhà thờ xuống đất ở độ cao trên 10 mét trong Kế hoạch A.

"Tôi từng đắn đo về việc có nên thực hiện cảnh quay này hay không vì nó quá rủi ro nếu tiếp đất không an toàn. Kết quả là tôi đã bị thương nặng", Thành Long nhớ lại.

Khi đó, nam diễn viên bị chấn thương nặng vùng xương cổ, giập xương mũi. Những người gan dạ nhất khi xem lại tai nạn này cũng thấy rùng mình vì sự nguy hiểm của nó.

Thành Long bất ngờ bị ngã từ độ cao trên 10 m khi đóng trong Kế hoạch A.

Mãi đến sau này Thành Long mới phải nhờ đến thế thân vì cảm thấy không còn đủ sức khỏe để tự mình thực hiện những pha hành động quá nguy hiểm trong phim nữa.

Thành Long kể lại một câu chuyện trong ngày đầu anh đến Hollywood và trao đổi công việc với một vị đạo diễn người Mỹ về phim võ thuật Trung Quốc. Người này nói rất hứng thú với cách quay trong các bộ phim võ thuật Trung Quốc. Tuy nhiên, Thành Long đã bật mí: “Lúc nào chúng tôi cũng phải gọi sẵn xe cứu thương trước khi quay. Cứ có ai bị thương là lập tức đưa vào bệnh viện".

Như vậy đã đủ thấy sự nguy hiểm của các diễn viên khi quay phim hành động. Đằng sau những thước phim hành động kịch tính, mãn nhãn là biết bao mồ hôi, công sức và thậm chí cả máu và nước mắt của người diễn viên.

Thành Long gặp vô số tai nạn trên phim trường.

Cuốn sách Thành Long truyện (tác giả Ôn Kiện Kiện, Lương Kiến Hoa, NXB Nhân dân Hồ Bắc) thống kê những lần bị thương nặng của Thành Long trong quá trình đóng phim. Qua đó cho thấy, hình tượng anh hùng mà nam diễn viên tạo dựng thành công trên màn ảnh được đánh đổi bằng chính máu thịt của tài tử.

Năm 1978, Thành Long bị đá vào mắt, xương lông mày tổn thương nặng khi đóng Túy quyền. Cũng năm này, khi đóng Xà hình điêu thủ, ông bị đá gãy một chiếc răng, cánh tay bị kiếm lia qua, máu chảy đầm đìa.

Năm 1980, khi đóng Sư đệ xuất mã, Thành Long bị va đập vỡ sống mũi, bị chém mạnh vào phần cổ họng, nguy hiểm tới tính mạng.

Năm 1983, khi đóng Kế hoạch A, ông bị thương nặng phần xương cổ, vỡ sống mũi.

Năm 1985, khi đóng Câu chuyện cảnh sát, Thành Long bị chấn thương nặng ở cột sống và xương chậu.

Năm 1986, khi đóng Long huynh hổ đệ, Thành Long rơi từ cao xuống, bị xuất huyết não, dẫn đến thính lực tai phải chỉ còn 20%. Năm 1990, khi đóng phần tiếp của phim này, Thành Long tiếp tục bị thương ở đầu.

Năm 1997, khi đóng Một người tốt (Mr.Nice Guy), Thành Long bị thương ở mũi. Ông còn bị rơi từ cao xuống, tổn thương xương cổ.

Năm 2001, khi đóng Đặc vụ mê thành, Thành Long bị thương ở phần xương cụt.

Đó chỉ là một phần trong số những lần bị thương của Thành Long. Thương tích đầy mình song ông chưa bao giờ chùn bước mà luôn muốn được đến phim trường, liên tục thử thách bản thân với những đỉnh cao mới.

Theo Quốc Tiệp/Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo